Kế hoạch 153/KH-UBND năm 2021 về khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 153/KH-UBND
Ngày ban hành 10/10/2021
Ngày có hiệu lực 10/10/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Người ký Trần Văn Tuấn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 153/KH-UBND

Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 10 tháng 10 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

KHẢO SÁT SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN, TỔ CHỨC ĐỐI VỚI SỰ PHỤC VỤ CỦA CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU, GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Căn cứ Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021- 2030;

Căn cứ Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030;

Căn cứ Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 25/9/2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025;

Để có cơ sở đánh giá hiệu quả việc cung ứng dịch vụ hành chính công của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp nhằm thu thập các thông tin góp ý của người dân, tổ chức để đánh giá khách quan việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Qua đó, phát huy vai trò giám sát của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.

- Các cơ quan hành chính nhà nước nắm bắt được yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức để có những biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ và cung ứng các dịch vụ hành chính công và nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức và nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ người dân, tổ chức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trên địa bàn tỉnh ngày càng tốt hơn trong giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức.

2. Yêu cầu

- Việc triển khai khảo sát phải đúng nội dung, tiến độ, đảm bảo tính khoa học, khách quan, minh bạch; phản ánh đúng thực tế hoạt động thực hiện giải quyết dịch vụ hành chính công của các cơ quan, đơn vị được khảo sát. Đồng thời đảm bảo tính bảo mật trong khai thác, sử dụng dữ liệu, thông tin về kết quả khảo sát sự hài lòng.

- Xây dựng bộ câu hỏi khảo sát phải phù hợp với hệ thống tiêu chí, tiêu chí thành phần, xác định số lượng, nội dung đảm bảo đáp ứng yêu cầu của cải cách hành chính; dễ hiểu, dễ trả lời; phù hợp với trình độ dân trí đa dạng của đối tượng được khảo sát; phù hợp với các quy định liên quan và thực thực tiễn cung ứng dịch vụ hành chính công hiện nay.

- Phương pháp khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước phải đảm bảo thuận lợi cho người dân, tổ chức.

- Kết quả khảo sát sự hài lòng phải đảm bảo tính tin cậy, chính xác, được công bố kịp thời, rộng rãi; giúp các cơ quan hành chính nhà nước xác định được các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế và cải thiện chất lượng phục vụ, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG

1. Phạm vi: Khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh.

2. Đối tượng: Các sở, ban, ngành; một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; UBND cấp huyện và UBND cấp xã (sau đây gọi tắt là các cơ quan, đơn vị).

III. NỘI DUNG

1. Các yếu tố đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức

Các yếu tố đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước bao gồm 5 yếu tố cơ bản của quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công: Tiếp cận dịch vụ hành chính công; Thủ tục hành chính; Công chức, viên chức giải quyết TTHC; Kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công; Tiếp nhận, giải quyết phản ánh, kiến nghị. Cụ thể:

a) Tiếp cận dịch vụ hành chính công: Đánh giá chất lượng cung cấp thông tin, sự hài lòng đối với thông tin về dịch vụ hành chính công và cơ sở vật chất tại nơi cung cấp dịch vụ hành chính.

b) Thủ tục hành chính: Đánh giá việc niêm yết công khai TTHC, thành phần hồ sơ, phí, lệ phí người dân, tổ chức phải nộp, thời hạn giải quyết và sự hài lòng về TTHC.

c) Công chức, viên chức giải quyết TTHC: Đánh giá về thái độ phục vụ, hiệu quả giải quyết công việc của công chức, viên chức và sự hài lòng đối với sự phục vụ của công chức, viên chức trong thực hiện TTHC.

d) Kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công: Đánh giá kết quả thực hiện dịch vụ hành chính công người dân, tổ chức nhận được từ các cơ quan, đơn vị và sự hài lòng về kết quả giải quyết TTHC.

đ) Tiếp nhận, giải quyết phản ánh, kiến nghị: Việc tiếp nhận và phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức về kết quả giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị.

2. Các lĩnh vực khảo sát

Thực hiện khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với các dịch vụ hành chính công của tất cả các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Trong đó, tập trung vào những ngành những lĩnh vực liên quan, có nhiều tác động đến người dân, tổ chức như: đất đai, xây dựng, đầu tư, giáo dục và đào tạo, y tế,...

[...]