Kế hoạch 1524/KH-UBND năm 2017 về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp do tỉnh Quảng Bình ban hành
Số hiệu | 1524/KH-UBND |
Ngày ban hành | 22/08/2017 |
Ngày có hiệu lực | 22/08/2017 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Quảng Bình |
Người ký | Trần Tiến Dũng |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp,Lao động - Tiền lương |
ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1524/KH-UBND |
Quảng Bình, ngày 22 tháng 8 năm 2017 |
Thực hiện Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Kết luận số 96-KL/TW ngày 07/4/2014 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 05/8/2008 của Ban Bí thư khóa X về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; Công văn số 2497/LĐTBXH-QHLĐTL ngày 19/6/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc phòng ngừa tranh chấp lao động và đình công.
Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, cụ thể như sau:
Tăng cường trách nhiệm phối hợp của các cơ quan Quản lý nhà nước và tổ chức công đoàn, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động, góp phần hướng hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo khuôn khổ pháp luật.
1. Tiếp tục phổ biến, quán triệt và tuyên truyền, triển khai thực hiện Kết luận số 96-KL/TW ngày 07/4/2014 của Ban Bí thư Trung ương, nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật lao động của người lao động, nhất là các doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên nhằm hạn chế các mâu thuẩn phát sinh từ quan hệ lao động có nguy cơ dẫn đến tranh chấp lao động và đình công.
2. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động, trong đó tập trung vào những địa bàn có nhiều doanh nghiệp, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, những nội dung dễ phát sinh tranh chấp lao động như tiền lương, làm thêm giờ, phúc lợi, ăn ca, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về quan hệ lao động trong doanh nghiệp.
3. Nâng cao hiệu lực, hiểu quả quản lý nhà nước đối với lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Rà soát, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung chính sách, pháp luật về việc làm, bảo hiểm xã hội, tiền lương tối thiểu, dạy nghề, an toàn vệ sinh lao động,...; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cán bộ quản lý; tăng cường hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về lao động; khen thưởng, biểu dương kịp thời các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt.
- Ban hành cơ chế, chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các công trình phúc lợi... nhằm góp phần tạo điều kiện ăn ở, học tập, chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt văn hóa tinh thần cho người lao động.
- Thực hiện tốt cơ chế phân cấp, ủy quyền một số nhiệm vụ trong quản lý nhà nước đối với Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh.
4. Tuyển chọn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử hòa giải viên tham gia giải quyết tranh chấp lao động và miễn nhiệm hòa giải viên lao động; hướng dẫn các vấn đề về quan hệ lao động; tăng cường các thiết chế hòa giải và trọng tài theo quy định của pháp luật; tiếp tục rà soát, bổ sung và thực hiện quy chế phối hợp giữa Liên đoàn lao động tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan liên quan.
5. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đại diện người sử dụng lao động; tăng cường gắn bó giữa doanh nhân với người lao động trong doanh nghiệp; xây dựng và phát huy tốt vai trò của đội ngủ doanh nhân trên địa bàn tỉnh.
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
1.1. Chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh:
- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn việc thực hiện Bộ Luật lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội cho người sử dụng lao động và người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong quan hệ lao động; hướng dẫn người sử dụng lao động phối hợp chặt chẽ với tổ chức Công đoàn thực hiện nghiêm túc các chế độ, chính sách đối với người lao động; quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, cải tiến kỷ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và năng suất lao động; hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng Nội quy lao động, Thỏa ước lao động tập thể, thang lương, bảng lương, quy chế trả lương,...
- Hướng dẫn các doanh nghiệp thành lập Hội đồng Hòa giải lao động cơ sở và xây dựng quy chế hoạt động của Hội đồng Hòa giải lao động cơ sở; đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho hòa giải viên lao động cấp huyện nhằm thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa và hạn chế thấp nhất tranh chấp lao động và đình công không đúng trình tự pháp luật quy định;
- Rà soát, tham mưu bổ sung và tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban nhân dân tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh;
- Rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung chính sách, pháp luật về việc làm, bảo hiểm xã hội, tiền lương tối thiểu, an toàn lao động... nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương;
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về quan hệ lao động trong doanh nghiệp; đề xuất khen thưởng, biểu dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt chính sách, pháp luật về Lao động.
1.2. Hướng dẫn các địa phương lập hồ sơ trình bổ nhiệm, miễn nhiệm hòa giải viên lao động theo đúng quy định pháp luật hiện hành; thẩm định và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm hòa giải viên lao động trên địa bàn tỉnh.
1.3. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, nghiệp vụ chuyên môn về lao động cho cán bộ quản lý nhà nước về lao động các cấp.
1.4. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn, giám sát, đôn đốc thực hiện theo chỉ đạo tại Kế hoạch này; định kỳ 6 tháng (trước ngày 20/6), một năm (trước ngày 30/12) tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện gửi về UBND tỉnh; đồng thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chế độ báo cáo đột xuất (khi có yêu cầu).
2. Sở Xây dựng
Chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị có liên quan đề xuất tăng cường đầu tư xây dựng phát triển hệ thống công trình cơ sở hạ tầng; đồng thời có giải pháp kêu gọi, vận động các nhà đầu tư, doanh nghiệp đang hoạt động trong Khu kinh tế xây dựng các công trình phúc lợi (ưu tiên xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu kinh tế) nhằm góp phần cải thiện điều kiện ăn ở, học tập, chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt văn hóa tinh thần cho người lao động.