Kế hoạch 6475/KH-UBND năm 2022 về phát triển giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bến Tre giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030

Số hiệu 6475/KH-UBND
Ngày ban hành 11/10/2022
Ngày có hiệu lực 11/10/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Nguyễn Thị Bé Mười
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6475/KH-UBND

Bến Tre, ngày 11 tháng 10 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2022 - 2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Bến Tre là một tỉnh nông nghiệp, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, các lĩnh vực kinh tế, công thương, dịch vụ trên địa bàn còn chậm phát triển. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ qua đào tạo đạt 62,09%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32,44%.

Trong những năm qua tỉnh đã tập trung đầu tư cho công tác giáo dục nghề nghiệp (viết tắt GDNN) nhưng vẫn còn hạn chế, lực lượng lao động qua đào tạo có trình độ chuyên môn kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế của tỉnh do có sự mất cân đối về số lượng, chất lượng, trình độ và cơ cấu ngành nghề. Các cơ sở GDNN công lập từng bước được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị vẫn còn thiếu thốn, chưa đồng bộ; đội ngũ giáo viên dạy nghề thiếu và chưa có điều kiện tiếp cận với thiết bị công nghệ tiên tiến; ngành nghề đào tạo chưa đa dạng, quy mô tuyển sinh các cấp trình độ cao đẳng, trung cấp không đạt chỉ tiêu kế hoạch hàng năm, tỷ lệ lao động có việc làm còn thấp ở một số ngành nghề, lao động học xong khó tìm được việc làm. Tỉnh đã xác định mục tiêu chung của GDNN là đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo; có đạo đức, sức khỏe, có trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; tạo điều kiện cho người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học lên trình độ cao hơn. Xuất phát từ tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre xây dựng Kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030, với các nội dung cụ thể như sau:

I. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG VỀ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

1. Thực trạng công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh

Hiện nay, Bến Tre có 24 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 14 cơ sở công lập và 10 cơ sở ngoài công lập[1]. Các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp được phân bố đồng đều giữa các địa phương, các trường Cao đẳng và trung cấp tập trung chủ yếu ở các địa bàn đô thị. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập tuy có xu hướng tăng, nhưng vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số các cơ sở và chủ yếu đào tạo những nhóm nghề đầu tư thấp. Những năm qua, các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp từng bước được đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị như: xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các phòng học lý thuyết, xưởng thực hành, văn phòng làm việc và các công trình phụ khác theo quy định[2]; Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên tại các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp là 437 người[3]. Nhìn chung, giáo viên dạy nghề kỹ thuật vẫn còn thiếu về số lượng so với quy mô đào tạo, chất lượng của giáo viên chưa đạt chuẩn còn cao (chủ yếu là kỹ năng nghề).

Quy mô đào tạo bình quân hàng năm của các cơ sở GDNN khoảng 11.000 người, trong đó cao đẳng 800 người, trung cấp 1.200 người, sơ cấp và đào tạo nghề dưới 03 tháng 9.000 người. Chất lượng và hiệu quả đào tạo đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng kể. Đào tạo từng bước chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu”, sinh viên, học sinh ra trường có việc làm cao, từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế.

Về chương trình đào tạo giáo dục nghề nghiệp ở các cấp trình độ cao đẳng, trung cấp được quy định cụ thể về chuẩn kiến thức, kỹ năng của người học sau khi tốt nghiệp; cách thức đánh giá kết quả học tập đối với từng mô -đun, tín chỉ, môn học, từng ngành, nghề phù hợp và xây dựng chuẩn đầu ra theo khung năng lực trình độ quốc gia Việt Nam. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung gắn kết với doanh nghiệp xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực; tích hợp kiến thức, kỹ năng và phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo vào quá trình đào tạo; kiểm định chất lượng chương trình và cơ sở GDNN.

2. Đánh giá chung

2.1. Những mặt được

Hệ thống trường cao đẳng, trung cấp trong tỉnh đã có bước chuyển biến, nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với thị trường lao động, qua đó đã chuyển đổi việc đào tạo từ các ngành học về quản lý kinh tế sang các ngành kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu xã hội.

Nội dung, phương pháp, chương trình, giáo trình giảng dạy tại các cơ sở GDNN thường xuyên được cập nhật, bổ sung kịp thời theo nhu cầu của thị trường lao động; đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo theo hướng nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng tay nghề gắn với vị trí việc làm.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề hàng năm được đầu tư, nâng c ấp tăng về số lượng và chất lượng phục vụ cho nhu cầu đào tạo nghề của tỉnh.

Việc sáp nhập các trung tâm cho thấy về cơ cấu bộ máy tổ chức được hoàn thiện và bổ sung cho nhau các hoạt động giữa giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp, tạo thêm sức mạnh cho trung tâm về con người, cơ sở vật chất, công tác tuyển sinh, hướng nghiệp, phân luồng học sinh và gắn được hiệu quả sau đào tạo.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn từng bước được củng cố khắc phục được công tác đào tạo kém hiệu quả trước đây như: các ngành nghề đào tạo đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của lao động nông thôn, người lao động có thể tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi học nghề; sự tham gia của các doanh nghiệp, làng nghề, tổ hợp tác góp phần thúc đẩy sự phát triển giáo dục nghề nghiệp.

2.2. Hạn chế

Các cơ sở GDNN phát triển chậm về quy mô và ngành nghề, chỉ đào tạo theo cái mình đang có, chưa chú trọng nhu cầu của thị trường lao động và nhu cầu của người học nên hiệu quả đào tạo thấp. Nhu cầu học nghề của lao động lớn nhưng một số nghề đòi hỏi đủ thiết bị thì các cơ sở đào tạo của tỉnh chưa đáp ứng được. Do đó, hàng năm lực lượng lao động của Bến Tre đi học nghề ngoài tỉnh khá cao, chiếm 70% tổng số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT). Chỉ tiêu đào tạo trung cấp, cao đẳng trong tỉnh chưa đạt yêu cầu. Ngành nghề đào tạo chưa theo kịp và chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Tổ chức bộ máy các cơ sở GDNN chậm hoàn thiện, đội ngũ giáo viên dạy nghề thiếu nhưng lại khó tuyển dụng. Trình độ kỹ năng nghề, năng lực s ư phạm, ngoại ngữ, tin học của đội ngũ giáo viên dạy nghề chưa đạt chuẩn theo quy định hiện hành; doanh nghiệp phải đào tạo bổ sung kỹ năng và tay nghề cho lao động sau khi học nghề; cơ chế chính sách cho giáo viên dạy nghề còn bất cập.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu, một số nghề thiết bị chưa đủ, thiếu nhà xưởng thực hành và phòng học lý thuyết, bàn ghế, nhà xưởng, thiết bị đào tạo các nhóm nghề kỹ thuật xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo. Công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực còn hạn chế, chưa định hướng cho người lao động lựa chọn ngành nghề phù hợp. Tăng trưởng việc làm chưa cao, nhu cầu về lao động có tay nghề của các doanh nghiệp trong tỉnh còn thấp. Các doanh nghiệp chủ yếu tuyển dụng lao động phổ thông, đối với lao động có tay nghề và tay nghề cao phải tuyển từ nơi khác.

Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp Trung học cơ sở còn hạn chế, tỷ lệ vào học nghề thấp (từ 3- 5%); tỉnh có chủ trương xã hội hóa công tác giáo dục nghề nghiệp nhưng các thành phần kinh tế tham gia lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp ít, quy mô nhỏ; doanh nghiệp chưa phối hợp chặt chẽ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo, trong đánh giá và tuyển dụng lao động.

2.3. Nguyên nhân

Các cơ sở GDNN chưa thực sự năng động, chưa gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp và thị trường lao động, chưa nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp;

Nhu cầu tăng trưởng việc làm, công tác đào tạo lao động có tay nghề của tỉnh còn thấp, do đó người học nghề tham gia học các trường ngoài tỉnh nhiều;

Xu hướng của người học khi lập nghiệp vẫn chú trọng học đại học; việc quan tâm đầu tư cho công tác GDNN và xã hội hóa GDNN còn hạn chế.

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

1. Căn cứ pháp lý

Từ thực trạng về giáo dục nghề nghiệp trong những năm qua như đã nêu trên và các văn bản được ban hành, Kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp được xây dựng căn cứ vào:

- Luật Giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII.

[...]