Kế hoạch 150/KH-UBND năm 2018 thực hiện Chỉ thị 18/CT-TTg về nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động Chữ thập đỏ trong tình hình mới do tỉnh Hòa Bình ban hành

Số hiệu 150/KH-UBND
Ngày ban hành 23/11/2018
Ngày có hiệu lực 23/11/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hòa Bình
Người ký Nguyễn Văn Chương
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 150/KH-UBND

Hòa Bình, ngày 23 tháng 11 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 18/CT-TTG NGÀY 09/7/2018 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC NHÂN ĐẠO VÀ HOẠT ĐỘNG CHỮ THẬP ĐỎ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 09/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động Chữ thập đỏ trong tình hình mới; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác nhân đạo; tăng cường sự phối hợp giữa Hội Chữ thập đỏ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các Sở, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở trong việc thực hiện công tác nhân đạo và hoạt động Chữ thập đỏ trong tình hình mới.

2. Củng cố, nâng cao năng lực tham mưu của Hội Chữ thập đỏ các cấp đối với cấp ủy đảng, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động Chữ thập đỏ tại địa phương, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh; qua đó tiếp tục củng cố, phát triển tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Chữ thập đỏ các cấp.

3. Việc thực hiện Chỉ thị phải đảm bảo tiến hành đồng bộ, nghiêm túc, nội dung thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức; phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác nhân đạo và hoạt động Chữ thập đỏ trong tình hình mới.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Các cấp ủy, chính quyền, các Sở, Ban, ngành, đoàn thể tổ chức phổ biến, quán triệt Chỉ thị đến cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, người lao động trong hệ thống tổ chức của mình, nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm đối với công tác nhân đạo trong tình hình mới.

2. Trên cơ sở tình hình cụ thể của từng địa phương, đơn vị, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện đảm bảo có hiệu quả, tránh hình thức.

3. Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác nhân đạo nhằm huy động tối đa các nguồn lực xã hội và sự tham gia của các cơ quan, tổ chức và nhân dân trong công tác nhân đạo và các nội dung hoạt động Chữ thập đỏ trên địa bàn tỉnh.

4. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền đối với tổ chức và hoạt động của Hội Chữ thập đỏ, xác định nhiệm vụ công tác nhân đạo trong chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của từng cơ quan, đơn vị; thực hiện củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ và phát triển tổ chức Hội, nhất là ở cơ sở, trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học để thực hiện tốt nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ Hội Chữ thập đỏ đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng, có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết, có năng lực vận động quần chúng làm công tác Chữ thập đỏ nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác nhân đạo trong tình hình mới.

5. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động của Hội Chữ thập đỏ; tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật về hoạt động nhân đạo; quan tâm, bố trí đủ kinh phí, biên chế, hỗ trợ cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động cho các cấp Hội; ban hành chế độ, chính sách đặc thù cho cán bộ chuyên trách của Hội và các cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút nguồn lực, thành lập Quỹ Chữ thập đỏ và triển khai “Tháng nhân đạo” vào tháng 5 hàng năm để tổ chức hoạt động nhân đạo, phù hợp với tình hình của địa phương. Chỉ đạo các cấp Hội triển khai và tổ chức thực hiện tốt Luật hoạt động Chữ thập đỏ; phát huy vai trò của Hội Chữ thập đỏ tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách xã hội, tham gia xóa đói, giảm nghèo và thực hiện các chương trình, đề tài, dự án, tổ chức các hoạt động kinh tế, dịch vụ vì mục tiêu nhân đạo.

6. Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Chữ thập đỏ các cấp theo hướng phát triển bền vững; thực hiện hiệu quả 7 lĩnh vực hoạt động được quy định trong Luật hoạt động Chữ thập đỏ; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ đối tượng và vận động nguồn lực cho hoạt động nhân đạo; đẩy mạnh việc triển khai thực hiện và phối hợp thực hiện hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động do Hội Chữ thập đỏ phát động.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Hội Chữ thập đỏ tỉnh

- Tập trung xây dựng tổ chức Hội theo hướng tinh gọn, đủ khả năng thực hiện đầy đủ các hoạt động theo Luật hoạt động Chữ thập đỏ; quan tâm củng cố và phát triển tổ chức Hội ở cơ sở, trong cơ quan, trường học, doanh nghiệp; nhân rộng các mô hình hiệu quả; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tính chuyên nghiệp của cán bộ Hội; phát triển và sử dụng hiệu quả lực lượng hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ.

- Phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng trình Ủy ban nhân dân tỉnh Đề án về tổ chức bộ máy và hoạt động của Hội Chữ thập đỏ các cấp. Trong đó đề xuất cụ thể danh mục các nhiệm vụ do cấp ủy, chính quyền địa phương giao nhằm xây dựng Hội Chữ thập đỏ là tổ chức nòng cốt trong thực hiện các hoạt động nhân đạo và phong trào Chữ thập đỏ tại địa phương; tham gia với các sở, ngành, xây dựng chính sách an sinh xã hội cho người nghèo, nạn nhân chiến tranh, thiên tai, thảm họa và các đối tượng dễ bị tổn thương khác.

- Hàng năm, chủ động tham mưu chỉ đạo triển khai các hoạt động xã hội nhân đạo, hiến máu, hiến mô tạng nhân đạo, chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng, sơ cấp cứu, phòng ngừa, ứng phó thảm họa và xây dựng cộng đồng an toàn. Tập trung tổ chức tốt “Tháng nhân đạo” (cao điểm trong tháng 5) và phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” (từ tháng 11 đến tết âm lịch).

- Tiếp tục đổi mới hoạt động Hội theo hướng dựa vào cộng đồng, gắn bó với người dân, thực chất, hiệu quả. Nắm chắc địa chỉ và nhu cầu của các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; phối hợp chặt chẽ với các Sở, Ban, ngành, đoàn thể thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; mở rộng hình thức trao tặng công trình nhân đạo, cùng các cấp ủy đảng, Chính quyền định hướng và tổ chức các hoạt động nhân đạo đúng mục đích, đối tượng, theo hướng phát triển bền vững, với sự nêu gương của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.

- Chú trọng công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc tổ chức triển khai thực hiện công tác Chữ thập đỏ và phong trào nhân đạo tại các huyện, thành phố và cơ sở; thực hiện tốt công tác đánh giá, sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện; kịp thời ghi nhận, biểu dương, tôn vinh và đề xuất cơ quan có thẩm quyền khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác nhân đạo và hoạt động Chữ thập đỏ.

- Hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch; tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

2. Sở Nội vụ

Phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện, quản lý nhà nước về hoạt động Chữ thập đỏ theo quy định; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách cụ thể đối với cán bộ Hội Chữ thập đỏ trong việc đảm bảo biên chế, kiện toàn tổ chức bộ máy của Hội nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

3. Sở Tài chính

Căn cứ khả năng ngân sách, đề xuất đảm bảo kinh phí từ ngân sách cho hoạt động Chữ thập đỏ được quy định tại Luật hoạt động Chữ thập đỏ; kinh phí đối ứng cho các dự án được tài trợ của Hội Chữ thập đỏ và đề nghị đối ứng theo quy định; Phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút nguồn lực để triển khai các hoạt động nhân đạo.

4. Các Sở: Y tế, Giao thông vận tải

Tiếp tục phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh đẩy mạnh truyền thông về phòng chống tai nạn thương tích, nhất là tai nạn giao thông, đuối nước; đào tạo, huấn luyện và nâng cao năng lực sơ cấp cứu cho đội ngũ tình nguyện viên Chữ thập đỏ; chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng dễ bị tổn thương, người cao tuổi... ; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện, hiến mô, tạng, hiến bộ phận cơ thể người; tuyên truyền phòng chống dịch bệnh; tiếp tục phối hợp triển khai các hoạt động khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào nghèo, vùng sâu vùng xa...

[...]