Kế hoạch 291/KH-UBND năm 2018 thực hiện Chỉ thị 18/CT-TTg về nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động Chữ thập đỏ trong tình hình mới do tỉnh Hà Tĩnh ban hành
Số hiệu | 291/KH-UBND |
Ngày ban hành | 11/09/2018 |
Ngày có hiệu lực | 11/09/2018 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Hà Tĩnh |
Người ký | Đặng Quốc Vinh |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 291/KH-UBND |
Hà Tĩnh, ngày 11 tháng 9 năm 2018 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHỈ THỊ 18/CT-TTG NGÀY 09/7/2018 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC NHÂN ĐẠO VÀ HOẠT ĐỘNG CHỮ THẬP ĐỎ TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 09/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động Chữ thập đỏ trong tình hình mới (gọi là Chỉ thị số 18/CT-TTg), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Tổ chức quán triệt, tuyên truyền và triển khai sâu rộng các nội dung Chỉ thị số 18/CT-TTg nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các ngành, đoàn thể đối với công tác nhân đạo và hoạt động của Hội Chữ thập đỏ trong tình hình mới;
- Củng cố, phát triển tổ chức; đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Chữ thập đỏ các cấp;
- Tạo sự thống nhất, ủng hộ và phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp về thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong triển khai các hoạt động nhân đạo;
- Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác nhân đạo trong tình hình mới.
II. NỘI DUNG
1. Tổ chức quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg
- Chính quyền các cấp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức phổ biến, tuyên truyền nội dung Chỉ thị số 18/CT-TTg đến tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên và người lao động nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm đối với hoạt động nhân đạo, từ thiện;
- Xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị ...phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương, đơn vị;
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nhân đạo trong tình hình mới, góp phần tích cực vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
2. Củng cố, phát triển tổ chức Hội, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Chữ thập đỏ các cấp
2.1. Củng cố, phát triển tổ chức Hội
Xây dựng tổ chức, bộ máy Hội Chữ thập đỏ các cấp bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, đủ khả năng, thực hiện đầy đủ các hoạt động theo Luật Hội Chữ thập đỏ. Thường xuyên củng cố, phát triển tổ chức Hội tại địa bàn dân cư, trong các bệnh viện, trường học, cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, các tổ chức tôn giáo...; tập trung phát triển số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng tình nguyện viên và cộng tác viên Chữ thập đỏ.
Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Hội Chữ thập đỏ các cấp đảm bảo về số lượng; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tính chuyên nghiệp của cán bộ Hội trong các hoạt động nhân đạo nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác nhân đạo trong tình hình mới;
Nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, trước hết là chế độ, chính sách đối với cán bộ chuyên trách của Hội, cơ chế huy động, thu hút nguồn lực cho công tác nhân đạo và hoạt động Chữ thập đỏ.
2.2. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động.
- Hội Chữ thập đỏ các cấp chủ động tham mưu, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác Chữ thập đỏ trong việc phòng ngừa thiên tai, ứng phó thảm họa; Phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” và thực hiện tốt Tháng Nhân đạo hàng năm;
- Đổi mới nội dung hoạt động Hội theo hướng phát triển bền vững, dựa vào cộng đồng, gắn bó với người dân, đảm bảo thực chất, hiệu quả, nắm chắc những đối tượng khó khăn. Chủ động tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền các chủ trương, biện pháp triển khai hoạt động xã hội, nhân đạo, hiến máu, hiến mô tạng nhân đạo, chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng, sơ cấp cứu, phòng ngừa, ứng phó thảm họa và xây dựng cộng đồng an toàn.
- Đổi mới phương thức hoạt động Hội theo hướng vừa vận động cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ đảm nhận giúp đỡ đối tượng, vừa chủ động, tích cực vận động các tổ chức, cá nhân trợ giúp đối tượng theo tinh thần Cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo", qua đó thực hiện vai trò cầu nối, điều phối của Hội trong hoạt động nhân đạo;
- Thực hiện tốt công tác đối ngoại nhân đạo, thu hút nguồn lực và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với hoạt động nhân đạo.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nội vụ:
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu chỉ đạo thực hiện Thông báo số 677-TB/TU ngày 20/7/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sắp xếp các tổ chức Hội quần chúng đặc thù hoạt động trên địa bàn tỉnh; tham mưu ban hành các quy định về công tác cán bộ, biên chế, chính sách đối với cán bộ Hội Chữ thập đỏ cấp tỉnh, cấp huyện và Chủ tịch Hội cấp xã, phường, thị trấn sau khi hợp nhất các tổ chức hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
- Phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh tham mưu UBND tỉnh tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hoạt động Chữ thập đỏ; nghiên cứu, tham mưu chỉ đạo thực hiện Kết luận số 102 - KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị về Hội quần chúng, Chỉ thị số 43 - CT/TW ngày 08/6/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
2. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy định về hỗ trợ ngân sách nhà nước cho Hội Chữ thập đỏ các cấp; tham mưu bố trí kinh phí triển khai các nhiệm vụ nhân đạo, kinh phí đối ứng cho các dự án do quốc tế tài trợ. Phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút nguồn lực để triển khai các hoạt động nhân đạo.