Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 14524/KH-UBND năm 2021 thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Số hiệu 14524/KH-UBND
Ngày ban hành 24/11/2021
Ngày có hiệu lực 24/11/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Võ Văn Phi
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14524/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 24 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC HỆ THỐNG CƠ QUAN QUẢN LÝ CHUYÊN NGÀNH THÚ Y CÁC CẤP, GIAI ĐOẠN 2021 - 2030" TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030”;

Căn cứ Văn bản số 2173/BNN-TY ngày 14 tháng 4 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tổ chức triển khai Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 4325/TTr-SNN ngày 13 tháng 9 năm 2021; Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030” như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp của tỉnh được kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực, đảm bảo tổ chức, thực hiện các hoạt động chăn nuôi, thú y hiệu lực, hiệu quả; kiểm soát tốt dịch bệnh động vật, an toàn thực phẩm (ATTP) bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, phát triển ổn định ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), văn bản chỉ đạo của tỉnh về chăn nuôi, thú y; các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành được rà soát, bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu quản lý;

b) Hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y của tỉnh được kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực theo đúng chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn;

c) Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh động vật: củng cố, tăng cường năng lực và hoạt động có hiệu quả hệ thống giám sát dịch bệnh tại địa phương nhằm phát hiện sớm ổ dịch, phân tích nhận định tình hình dịch tễ, dự báo và cảnh báo kịp thời các loại dịch bệnh động vật; đến năm 2030 có 800 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh (ATDB), 04 vùng ATDB theo quy định của Việt Nam, 03 vùng chăn nuôi gia cầm liên huyện ATDB đối với bệnh cúm gia cầm (CGC), Niu-cát-xơn đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ chức thế giới (OIE); xây dựng 01 - 02 cơ sở ATDB trên đối tượng thủy sản chủ lực của tỉnh;

d) Nâng cao năng lực kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, quản lý ATTP đối với sản phẩm có nguồn gốc động vật; tỷ trọng gia súc và gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt tương ứng khoảng 70% và 90% vào năm 2025, khoảng 80% và 95% vào năm 2030;

đ) Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý chăn nuôi, phòng chống dịch, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ; nhận dạng, truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh;

e) Nâng cao năng lực quản lý thuốc thú y và quản lý các dịch vụ thú y;

g) Nâng cao năng lực công tác Chẩn đoán xét nghiệm.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành chăn nuôi thú y

- Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về cơ chế, chính sách, quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật, những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý chuyên ngành chăn nuôi, thú y để kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách của tỉnh phù hợp với thực tiễn.

- Tuyên truyền phổ biến các cơ chế chính sách và các quy định của nhà nước về chăn nuôi, thú y cho các đối tượng liên quan.

2. Kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống tổ chức các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp trên địa bàn tỉnh

- Giữ nguyên hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành Thú y theo quy định tại Điều 6, Luật Thú y năm 2015 cụ thể như sau:

+ Chi cục Chăn nuôi và Thú y có chức năng quản lý chuyên ngành thú y thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (gọi là cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh);

+ Trạm Chăn nuôi và Thú y thuộc Chi cục có chức năng quản lý chuyên ngành thú y đặt tại huyện, thành phố (gọi là cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện).

+ Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định bố trí nhân viên thú y xã, phường, thị trấn (gọi là mạng lưới cộng tác viên thú y cơ sở).

- Kiện toàn, củng cố lại hệ thống các phòng chuyên môn, nghiệp vụ, Trạm Chẩn đoán xét nghiệm, trạm Kiểm dịch đầu mối giao thông; các trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện; nhân viên thú y cấp xã.

- Xây dựng Đề án vị trí việc làm, xác định số lượng người làm việc, biên chế công chức, viên chức cần thiết đáp ứng yêu cầu thực tế, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

- Tăng cường thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ công chức, viên chức.

[...]