Kế hoạch 14523/KH-UBND năm 2021 về Phát triển sản xuất tôm càng xanh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 14523/KH-UBND
Ngày ban hành 24/11/2021
Ngày có hiệu lực 24/11/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Võ Văn Phi
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14523/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 24 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT TÔM CÀNG XANH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 79/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 và Quyết định số 4354/QĐ-BNN-TCTS ngày 02 tháng 11 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án phát triển sản xuất và xuất khẩu tôm càng xanh;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 4326/TTr-SNN ngày 13 tháng 9 năm 2021 về việc ban hành kế hoạch “Phát triển tôm càng xanh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch “Phát triển tôm càng xanh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, nội dung cụ thể như sau:

I. HIỆN TRẠNG NUÔI TÔM CÀNG XANH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Thông tin chung về vùng nuôi tôm càng xanh

Đồng Nai là tỉnh có diện tích mặt nước lớn nhất vùng Đông Nam bộ. Tổng diện tích mặt nước là 69.392 ha, gồm 65.192 ha nước ngọt và 4.200 ha nước lợ. Tổng diện tích có tiềm năng nuôi thủy sản của tỉnh là 49.393,3 ha, trong đó chủ yếu là nuôi thủy sản nước ngọt. Sản lượng và năng suất nuôi trồng thủy sản tăng dần qua từng năm; hoạt động nuôi trồng thủy sản phát triển dần theo chiều sâu nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào các mô hình nuôi cho năng suất cao, sản xuất theo quy trình nuôi VietGAP. Hoạt động nuôi trồng thủy sản phân bố đều khắp tỉnh và phân chia thành 2 vùng riêng biệt là vùng nước ngọt và vùng nước lợ. Diện tích có khả năng nuôi tôm là 1.973,8 ha, trong đó đối tượng chủ yếu là tôm thẻ chân trắng được nuôi nhiều ở huyện Long Thành, Nhơn Trạch và tôm càng xanh chủ yếu nuôi ở huyện Tân Phú, Định Quán. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tổng diện tích nuôi tôm càng xanh khoảng 68 ha đạt sản lượng đạt khoảng 130 tấn. Trong đó, huyện Tân Phú có diện tích nuôi là 67 ha đạt sản lượng trung bình 128 tấn, đã thành lập 01 tổ hợp tác (THT) nuôi tôm càng xanh với diện tích 44 ha (có 27,2 ha nuôi tôm càng xanh của THT này đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP). Huyện Định Quán có 01 ha nuôi tôm càng xanh, đạt sản lượng 1,7 tấn và có xu hướng phát triển nuôi tăng dần lên đến năm 2030.

Giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 bên cạnh huyện Tân Phú là địa bàn trọng điểm để phát triển nuôi tôm càng xanh, còn có các địa phương như: Định Quán, Vĩnh Cửu, Long Thành, Nhơn Trạch,... có khả năng chuyển đổi một số ao nuôi thủy sản khác sang nuôi tôm càng xanh theo phương thức chuyên canh hoặc luân canh.

Trong những năm qua, việc phát triển nuôi tôm càng xanh của tỉnh có định hướng nhưng thiếu bền vững, nguyên nhân do người nuôi tuy có đầu tư nuôi bán thâm canh nhưng đa phần đều chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải; hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo (hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất thủy sản vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhiều vùng chưa đáp ứng với các quy chuẩn kỹ thuật); phát triển nuôi tôm càng xanh theo quy mô nhỏ lẻ chiếm đa số, thiếu hệ thống ao xử lý nước nên dễ xảy ra dịch bệnh; nguồn nước dễ bị phát sinh ô nhiễm do ảnh hưởng từ quá trình sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt,... chưa xây dựng được nguồn lực hỗ trợ tương xứng trong phát triển nuôi ở quy mô thâm canh, chưa xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủy sản bền vững; các cơ sở nuôi nhỏ lẻ thường thiếu vốn sản xuất, phải mua thiếu vật tư đầu vào, chịu lãi suất cao.

Ngoài ra, hiện tượng khí hậu thời tiết đang có những biến chuyển theo chiều hướng xấu, tác động tiêu cực đến sản xuất tôm càng xanh trong thời gian gần đây, nhất là trong giai đoạn tới khi Việt Nam là một trong các quốc gia chịu tác động nhiều do biến đổi khí hậu gây ra, các vùng nuôi tôm càng xanh hiện tại của tỉnh cần phải thay đổi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nhất là các mô hình công nghệ cao, ứng dụng công nghệ số,...; Do đó, việc khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển con tôm càng xanh của tỉnh phù hợp với lợi thế về nguồn tài nguyên nước mặt, chế độ thủy văn thuận lợi phải được phát huy, phát triển, giúp người nông dân từng bước chuyển đổi và đa dạng cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn các xã có tiềm năng nhằm tạo cơ hội cho sự phát triển nuôi tôm càng xanh theo hướng bền vững, hiệu quả và tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập để sản lượng và năng suất nuôi tôm càng xanh tiếp tục được nâng lên đạt chỉ tiêu được giao gắn với các vùng nuôi tôm càng xanh áp dụng các quy trình nuôi VietGAP, tuân thủ các quy định về kiểm soát an toàn thực phẩm vùng nuôi, truy suất được nguồn gốc sản phẩm, tạo các thương hiệu đặc trưng của vùng.

Tôm càng xanh hiện tại được nuôi tập trung hầu hết tại huyện Tân Phú; mùa vụ nuôi tôm càng xanh từ tháng 5 đến tháng 01 năm sau. Việc bố trí hệ thống ao nuôi: Phần lớn hộ nuôi chưa tuân thủ đúng việc bố trí hệ thống ao nuôi và lắng lọc xử lý nước, nông hộ tận dụng tốt đa diện tích ao hiện có để thả nuôi tôm càng xanh.

So sánh nuôi tôm càng xanh với các đối tượng cá nuôi truyền thống: nuôi tôm càng xanh mang lại lợi nhuận cao hơn tính trên 01 đơn vị ha mặt nước. Tuy nhiên đòi hỏi kỹ thuật từ khâu cải tạo ao đến chăm sóc, bên cạnh đó đầu tư về thức ăn và con giống cũng cao hơn. Với giá bán 160.000-180.000đ/kg tôm càng xanh thương phẩm, sản lượng thu hoạch 1,5-3 tấn/ha sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt từ 200-250 triệu đồng/ha.

Cung ứng con giống phục vụ nuôi tôm càng xanh: Trên địa bàn tỉnh hiện có 01 cơ sở chuyên sản xuất giống tôm càng xanh cung cấp cho các hộ nuôi của tỉnh, đồng thời bán ấu trùng tôm cho một số cơ sở giống của các tỉnh bạn. Quy mô của cơ sở sản xuất giống gồm khu phục vụ hoạt động nuôi dưỡng tôm bố mẹ, cho sinh sản, ương dưỡng ấu trùng lên tôm post khoảng 3ha, hệ thống bể nuôi ấu trùng là 180 bể (4m3/bể), tổng công suất khoảng 40-50 triệu post/năm. Đây là điều kiện thuận lợi, chủ động được nguồn giống cung cấp cho các vùng nuôi tôm càng xanh của tỉnh. Nhu cầu tôm càng xanh giống của tỉnh hiện dao động từ 10 triệu - 11 triệu post/năm. Trong những năm gần đây, chất lượng tôm càng xanh giống ngày càng suy giảm, tốc độ tăng trưởng chậm do con giống bị thoái hóa dần, nuôi thời gian kéo dài. Do đó, vấn đề cấp thiết hiện nay của nông dân rất cần giống tôm càng xanh chất lượng tốt, giúp nâng cao tỷ lệ sống, tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, đáp ứng nhu cầu cho người nuôi, nhất là giống tôm càng xanh toàn đực.

2. Các yếu tố tác động đến hoạt động nuôi tôm càng xanh

2.1. Yếu tố thuộc quản lý nhà nước

Là yếu tố quyết định cho sự phát triển nuôi tôm càng xanh. Trong thời gian qua, công tác quy hoạch, định hướng của Nhà nước và việc áp dụng các cơ chế chính sách đã tác động, mang lại lợi ích và hiệu quả nhất định cho ngành nuôi trồng thủy sản nói chung và hoạt động nuôi tôm càng xanh của tỉnh. Tuy nhiên, việc thực hiện một số chính sách còn chậm, chưa toàn diện dẫn đến chưa phát huy hết tiềm năng của ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.

Các chính sách để thu hút doanh nghiệp đã có, tuy nhiên, việc đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu thử nghiệm, chuyển giao, hình thành các chuỗi liên kết từ cung ứng con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường đến chế biến vẫn chưa thu hút được doanh nghiệp tham gia đáp ứng như cầu thị trường.

2.2. Yếu tố thuộc người sản xuất

Đa số người sản xuất được tiếp cận các kiến thức chuyên môn, kỹ thuật tiên tiến và áp dụng vào sản xuất. Tuy nhiên, việc vận dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn nuôi của nông hộ còn hạn chế, một bộ phận nông hộ còn bảo thủ, vẫn quản lý hệ thống nuôi dựa vào kinh nghiệm là chính; một bộ phận nhỏ do chưa có nhận thức tốt, dẫn đến vẫn còn tồn tại các hiện tượng tiêu cực trong nuôi tôm càng xanh như: bán tôm chạy bệnh bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng, xử lý xác tôm chết, rác thải trong hoạt động nuôi, ... chưa đúng các quy định hiện hành, gây ảnh hưởng đến môi trường; ...

Để giảm thiểu chi phí, người sản xuất chưa quan tâm đầu tư hệ thống xử lý chất thải; vẫn còn một bộ phận nông hộ bất chấp sử dụng con giống không rõ nguồn gốc để giảm chi phí mua giống. Ngoài ra, người sản xuất chưa nhiệt tình áp dụng các quy trình nuôi tiến tiến như các quy trình nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), GAP, hữu cơ, ...vì việc thực hiện các quy trình này đòi hỏi người nông hộ phải thực hiện rất nhiều khâu từ giám sát, đánh giá và ghi chép, kiểm tra, chứng nhận,... làm tăng chi phí sản xuất, trong khi sản phẩm tôm càng xanh thương phẩm đạt các chứng nhận an toàn/áp dụng các quy trình nuôi tiến tiến chưa có sự khác biệt về giá cả trên thị trường so với các sản phẩm thông thường.

2.3. Yếu tố thị trường

Thị trường là yếu tố tác động lớn đến hoạt động sản xuất tôm càng xanh.

- Thị trường yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất tôm càng xanh: Con giống quyết định phần lớn sự thành công trong nuôi tôm càng xanh. Hiện nay, chất lượng con Post tôm càng xanh ngày càng suy giảm do ảnh hưởng khi cho sinh sản từ đàn tôm càng xanh bố mẹ đã bị thoái hóa, dẫn đến hộ nuôi bị ảnh hưởng nhiều trong quá trình nuôi như tỷ lệ hao hụt ban đầu cao, tôm chậm lớn,... Trong thời gian tới, cần nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới trong sản xuất giống để đưa vào cho sinh sản, cải tạo lại đàn giống, nông hộ được sử dụng giống chất lượng cao, sạch bệnh, tăng trưởng nhanh, sẽ giúp rút ngắn thời gian nuôi, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và hiệu quả sản xuất bằng các biện pháp như thả nuôi giống tốt, giống sạch bệnh, giá hợp lý, đúng thời vụ, mật độ hợp lý giúp hạn chế sử dụng thuốc trong quá trình nuôi, góp phần tạo sản phẩm tôm sạch, bền vững với môi trường.

+ Thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, vật tư thủy sản thiết yếu: Đồng Nai là nơi tập trung của hầu hết các Doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản lớn của cả nước như: công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, công ty TNHH Grobest Việt Nam, công ty TNHH Provimi, Công ty Virbac Việt Nam, Công ty TNHH Woosung, công ty sản xuất thức ăn tôm Growmax, ... góp phần kết nối trực tiếp thức ăn từ nhà sản xuất xuống tận vùng nuôi, giúp giảm chi phí sản xuất. Thức ăn tôm là yếu tố đầu vào quan trọng góp phần tăng năng suất, quyết định tăng trưởng của tôm nuôi. Sử dụng thức ăn có chất lượng cao, quản lý tốt, hệ số thức ăn càng thấp sẽ làm giảm đáng kể sự ô nhiễm của môi trường nuôi trong những tháng cuối chu kỳ nuôi. Hệ số chuyển đổi thức ăn ảnh hưởng trực tiếp, tỷ lệ thuận với chất thải ra trong ao, hệ số cao chất thải nhiều.

+ Có nhiều nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản là một điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi tôm càng xanh trên địa bàn tỉnh. Thị trường thức ăn tôm hiện nay cũng do các công ty đầu tư nước ngoài như: CP, Cargill, Grobest Landfound, Grobest Industrial, Unipresident, CJ ... chi phối rất mạnh với thị phần khoảng 85%. Hầu như tất cả các công ty sản xuất thức ăn đều có nhiều thương hiệu thức ăn dành riêng cho tôm. Đa phần nông dân nuôi tôm sản xuất ở mức độ nhỏ lẻ, vốn đầu tư còn hạn chế, nên họ chấp nhận mua những loại thức ăn có giá rẻ hơn, nông hộ chưa quan tâm chất lượng đặt lên hàng đầu, trình độ kỹ thuật nuôi còn hạn chế làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trọng cho con tôm càng xanh. Thức ăn cho tôm hiện khá cao, và ngày càng tăng cao nhiều hơn; do đó để giảm chi phí đầu vào trong nuôi tôm thì cần phải nghiên cứu ở tầm vĩ mô để có những định hướng, những giải pháp cân phải tác động mạnh hơn nữa để “hạ nhiệt giá cám tôm”. Mối quan hệ giữa người nông dân với các nhà cung ứng thức ăn cho đến thời điểm hiện tại chủ yếu dựa vào tính tự phát.

- Thị trường đầu ra là yếu tố quyết định sự sống còn đối với hoạt động nuôi tôm càng xanh, vấn đề đặt ra cần phải tìm hướng giải quyết hiện nay cũng như thời gian tới đó là việc thu mua, chế biến, lưu giữ, tiêu thụ tôm càng xanh để nông dân được yên tâm sản xuất, không phải lo tự bơi trong thị trường tôm thương phẩm.

Trên địa bàn huyện Tân Phú đã xây dựng 1 vùng nuôi tôm càng xanh đạt chuẩn VietGAP với sản lượng 135 tấn/năm, tuy nhiên thực tế hiện tại cho thấy, con tôm càng xanh thương phẩm dù đã đạt chứng nhận VietGAP, vẫn tiêu thụ theo phương thức mua bán truyền thống, thông qua các thương lái tại địa phương, giá thu mua tôm thương phẩm đạt chuẩn ATTP không khác biệt so với sản phẩm cùng loại, nên không tạo động lực để nông hộ tiếp tục duy trì tái chứng nhận vùng nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.

Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu để có những hướng đi mới cho sản phẩm tôm càng xanh vì trở ngại lớn nhất trong chế biến, bảo quản sản phẩm tôm càng xanh là tỷ lệ thịt sử dụng giữa thành phẩm/con thấp nên khi đưa tôm càng xanh vào sơ chế, chế biến như các mặt hàng tôm thẻ, tôm sú sẽ rất khó đạt được hiệu quả kinh tế cao. Vì thế, hướng tiêu thụ chính trước mắt vẫn là tiêu thụ dưới dạng còn sống nguyên con.

[...]