Kế hoạch 144/KH-TLĐ năm 2021 thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

Số hiệu 144/KH-TLĐ
Ngày ban hành 26/10/2021
Ngày có hiệu lực 26/10/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Người ký Ngọ Duy Hiểu
Lĩnh vực Thương mại

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 144/KH-TLĐ

Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 03-CT/TW CỦA BAN BÍ THƯ VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CUỘC VẬN ĐỘNG “NGƯỜI VIỆT NAM ƯU TIÊN DÙNG HÀNG VIỆT NAM” TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới (sau đây gọi là Cuộc vận động); căn cứ Kế hoạch số 326/KH-MTTW-BCĐTWCVĐ ngày 19/7/2021 của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động; Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng Liên đoàn) xây dựng Kế hoạch thực hiện Cuộc vận động như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tạo sự thống nhất trong toàn hệ thống về triển khai thực hiện Cuộc vận động. Thông qua tổ chức thực hiện Cuộc vận động nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc của đoàn viên, người lao động (ĐV, NLĐ), từ đó chủ động, tích cực hưởng ứng và tham gia Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đạt “mục tiêu kép” trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

2. Yêu cầu

Các cấp công đoàn căn cứ tình hình thực tế của ngành, địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch, lựa chọn chủ đề cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn; quá trình thực hiện phải đảm bảo thực chất, mang lại hiệu quả thiết thực cho ĐV, NLĐ; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Cuộc vận động ở các cấp công đoàn.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Công tác tuyên truyền, vận động

Tổ chức học tập, quán triệt Cuộc vận động đến ĐV, NLĐ; đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền ĐV, NLĐ thực hiện Cuộc vận động, nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy trí tuệ, bản lĩnh, ý chí tự lực, tự cường, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của ĐV, NLĐ trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá và sử dụng hàng Việt Nam; thực hiện Cuộc vận động là thiết thực góp phần phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội; dùng hàng Việt Nam là đảm bảo công ăn, việc làm, thu nhập cho chính ĐV, NLĐ. Phát huy vai trò nêu gương của các đồng chí Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn, lãnh đạo các cấp công đoàn, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong hệ thống công đoàn trong việc thực hiện Cuộc vận động.

Tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động của các cấp công đoàn, của ĐV, NLĐ trong việc thực hiện Cuộc vận động.

Khuyến khích, động viên ĐV, NLĐ, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong hệ thống công đoàn ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu và dịch vụ là các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam; các cơ quan, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam phù hợp với các cam kết quốc tế và luật pháp Việt Nam.

2. Triển khai Cuộc vận động gắn với hoạt động công đoàn

Gắn việc thực hiện Cuộc vận động với các chương trình, hoạt động, các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của tổ chức Công đoàn nhằm vận động ĐV, NLĐ thi đua lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tạo ra sản phẩm, hàng hóa chất lượng cao, giá cả hợp lý, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương và đất nước.

Tiếp tục thực hiện Chương trình “Phúc lợi đoàn viên”, chủ động đàm phán, ký kết các thỏa thuận mới với các đối tác, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi để ĐV, NLĐ có cơ hội tiếp cận, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chất lượng của các doanh nghiệp trong nước với giá ưu đãi (giảm giá từ 5% đến 40%).

Phối hợp với các cơ quan chức năng và doanh nghiệp tổ chức có hiệu quả các “Phiên chợ công nhân, phiên chợ nghĩa tình”, “Gian hàng giảm giá”, “Chợ lưu động”, “Siêu thị Công đoàn” ... với hàng hóa là thương hiệu Việt ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu nhà trọ công nhân phục vụ ĐV, NLĐ.

3. Tham gia với các cơ quan chức năng thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Cuộc vận động

Vận động ĐV, NLĐ phát huy vai trò giám sát, phát hiện, tố giác kịp thời các đối tượng sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, phân phối hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không có xuất xứ, nguồn gốc, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phân phối hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn

- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động; định hướng cho các cơ quan báo chí, bản tin, trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử, các trang mạng xã hội của các cấp công đoàn tuyên truyền và xây dựng các chương trình, chuyên mục về triển khai thực hiện Cuộc vận động.

- Xây dựng chương trình, nội dung, thời gian làm việc, nắm tình hình triển khai thực hiện Cuộc vận động theo sự phân công của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động cho đồng chí Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động.

- Tổng hợp báo cáo kết quả triển khai thực hiện Cuộc vận động trong hệ thống công đoàn.

2. Ban Chính sách - Pháp luật Tổng Liên đoàn

Rà soát, nghiên cứu việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến Cuộc vận động, đến ĐV, NLĐ; đề xuất Nhà nước xem xét, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hỗ trợ ĐV, NLĐ.

3. Ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn

- Tham mưu cho Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đàm phán, ký kết các thỏa thuận mới với các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để ĐV, NLĐ có cơ hội tiếp cận, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp trong nước với giá ưu đãi (giảm giá từ 5% đến 40%); tham gia các đoàn giám sát của các cơ quan chức năng.

[...]