Kế hoạch 14391/KH-UBND năm 2018 về thực hiện Chương trình sức khỏe Việt Nam trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Số hiệu 14391/KH-UBND
Ngày ban hành 27/12/2018
Ngày có hiệu lực 27/12/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Nguyễn Hòa Hiệp
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14391/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 27 tháng 12 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH SỨC KHỎE VIỆT NAM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

Thực hiện Quyết định số 1092/QĐ-TTg ngày 02/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình sức khỏe Việt Nam, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình sức khỏe Việt Nam trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Cụ thể hóa và thực hiện đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình sức khỏe Việt Nam trên địa bàn tỉnh Đồng Nai phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương nhằm đảm bảo đạt các mục tiêu đề ra, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

b) Xác định nhiệm vụ trọng tâm để các sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình sức khỏe Việt Nam nhằm tăng cường sự phối hợp để hỗ trợ và tạo thuận lợi cho lĩnh vực y tế phát triển một cách công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế.

2. Yêu cầu

a) Đảm bảo sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ban, ngành, địa phương và được tiến hành thường xuyên, kết nối và thông qua các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng môi trường hỗ trợ, tăng cường năng lực cho mỗi người dân, công tác quản lý và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân.

b) Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng hợp kết quả thực hiện để kịp thời đề ra những giải pháp phù hợp, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra.

II. MỤC TIÊU VÀ CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

Xây dựng môi trường hỗ trợ, tăng cường năng lực cho mỗi người dân; thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn diện nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh, tật và tử vong, nâng cao sức khỏe, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng giống nòi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn tỉnh.

b) Mục tiêu cụ thể

- Mục tiêu 1: Bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực để cải thiện tầm vóc và nâng cao sức khỏe cho người dân;

- Mục tiêu 2: Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của mỗi người dân và cộng đồng để chủ động dự phòng các yếu tố nguy cơ phổ biến đối với sức khỏe nhằm phòng tránh bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, gia đình và cộng đồng;

- Mục tiêu 3: Thực hiện quản lý, chăm sóc sức khỏe liên tục, lâu dài tại tuyến y tế cơ sở để góp phần giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

2. Các chỉ tiêu của Chương trình sức khỏe Việt Nam trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và 2030 của từng lĩnh vực ưu tiên (Phụ lục đính kèm)

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường quản lý chỉ đạo, thực thi chính sách và phối hợp liên ngành

a) Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp để tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình Sức khỏe Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Các sở, ban, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo thực hiện, đưa vào chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và ưu tiên phân bổ kinh phí hằng năm để đạt được các mục tiêu sức khỏe ở từng địa phương trên cơ sở các mục tiêu sức khỏe của tỉnh.

b) Tăng cường trách nhiệm của các sở, ban, ngành và các địa phương để phối hợp triển khai thực hiện các chính sách, hoạt động của Chương trình Sức khỏe Việt Nam trên địa bàn tỉnh thuộc phạm vi do ngành, lĩnh vực phụ trách; tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các chế độ, chính sách về y tế và các lĩnh vực liên quan tới sức khoẻ.

c) Phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng và hỗ trợ xã hội cho người cao tuổi và các đối tượng bảo trợ xã hội khác theo quy định, bảo đảm sự phối hợp và kết nối hiệu quả giữa ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và ngành Y tế.

d) Thực hiện các chính sách, quy định của pháp luật về kiểm soát yếu tố nguy cơ, thúc đẩy các yếu tố tăng cường sức khỏe và phòng, chống bệnh tật:

- Thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật Bảo vệ môi trường; Luật An toàn thực phẩm; Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật Người cao tuổi; Luật Trẻ em; chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020 và các văn bản pháp luật liên quan khác;

- Thực hiện các cơ chế, quy định pháp luật về quản lý, kiểm soát việc quảng cáo, kinh doanh và tăng thuế phù hợp để hạn chế sử dụng thuốc lá, đồ uống có cồn, thực phẩm chế biến sẵn, nước ngọt có ga, phụ gia thực phẩm và một số sản phẩm khác có nguy cơ với sức khỏe, đặc biệt là các sản phẩm dành cho trẻ em;

- Rà soát, đề xuất, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích sản xuất, cung cấp và tiêu thụ các thực phẩm an toàn, dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, sử dụng không gian công cộng, cơ sở luyện tập thể dục, thể thao; phát triển giao thông công cộng, giao thông phi cơ giới, đồng thời bảo đảm các tiện ích cho người khuyết tật, người cao tuổi tại các khu vực công cộng trên địa bàn tỉnh.

[...]