Kế hoạch 1435/KH-UBND năm 2014 thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020 do tỉnh Hà Nam ban hành

Số hiệu 1435/KH-UBND
Ngày ban hành 22/08/2014
Ngày có hiệu lực 22/08/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Nam
Người ký Trần Hồng Nga
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1435/KH-UBND

Hà Nam, ngày 22 tháng 8 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI CÔNG TÁC CAI NGHIỆN MA TÚY ĐẾN NĂM 2020

Thực hiện Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dự phòng và điều trị nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy; kìm chế sự gia tăng số người nghiện mới, hỗ trợ người nghiện tiếp cận với các dịch vụ điều trị nghiện thành công, tạo điều kiện để người nghiện tái hòa nhập cộng đồng, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn từ nay đến năm 2015

- Nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về dự phòng và điều trị nghiện ma túy, phấn đấu trên 80% cán bộ chính quyền các cấp và trên 60% người dân ở độ tuổi trưởng thành hiểu biết cơ bản về ma túy, các biện pháp, mô hình dự phòng và điều trị nghiện ma túy.

- Nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dự phòng và điều trị nghiện, phấn đấu trên 80% cán bộ tham gia công tác dự phòng và điều trị nghiện được đào tạo kiến thức cơ bản về điều trị nghiện; trên 50% cán bộ làm công tác tư vấn về dự phòng và điều trị nghiện được đào tạo và được cấp chứng chỉ; trên 90% cán bộ y tế tại cơ sở điều trị nghiện ma túy có đầy đủ văn bằng, chứng chỉ theo quy định về điều trị nghiện.

- Nâng tỷ lệ số người nghiện được điều trị so với số người nghiện có hồ sơ quản lý lên 70% vào năm 2015, trong đó giảm tỷ lệ điều trị bắt buộc tại Trung tâm xuống còn 20% vào năm 2015.

- Phấn đấu tăng tỷ lệ người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng có việc làm đạt 50% vào năm 2015.

b) Giai đoạn 2016 - 2020

- Nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về dự phòng và điều trị nghiện ma túy, phấn đấu 100% cán bộ chính quyền các cấp và trên 80% người dân ở độ tuổi trưởng thành hiểu biết cơ bản về ma túy, các biện pháp, mô hình dự phòng và điều trị nghiện ma túy.

- Nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dự phòng và điều trị nghiện, phấn đấu trên 90% cán bộ tham gia công tác dự phòng và điều trị nghiện được đào tạo kiến thức cơ bản về điều trị nghiện; 100% cán bộ làm công tác tư vấn về dự phòng và điều trị nghiện được đào tạo và được cấp chứng chỉ; 100% cán bộ y tế tại cơ sở điều trị nghiện ma túy có đầy đủ văn bằng, chứng chỉ theo quy định về điều trị nghiện.

- Nâng tỷ lệ số người nghiện được điều trị so với số người nghiện có hồ sơ quản lý lên 90% vào năm 2020, trong đó giảm tỷ lệ điều trị bắt buộc tại Trung tâm xuống còn 6% vào năm 2020.

- Phấn đấu tăng tỷ lệ người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng có việc làm đạt 70% vào năm 2020.

II. NỘI DUNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức về nghiện ma túy, dự phòng và điều trị nghiện ma túy

- Xây dựng chương trình, tài liệu truyền thông về ma túy, nghiện ma túy, các biện pháp dự phòng và điều trị nghiện phù hợp với đội ngũ cán bộ quản lý các cấp và các tầng lớp nhân dân.

- Tăng cường công tác thông tin, truyền thông đến các tầng lớp nhân dân về ma túy, nghiện ma túy, các biện pháp dự phòng và điều trị nghiện với nhiều hình thức, nội dung đa dạng phong phú dễ hiểu;

- Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan truyền thông các cấp; vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thành viên: Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia công tác phòng, chống ma túy, dự phòng và điều trị nghiện; lồng ghép công tác tuyên truyền về dự phòng và điều trị nghiện với chương trình phòng chống ma túy, HIV/AIDS, gắn với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và nội dung xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn, ma túy, mại dâm.

2. Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về dự phòng và điều trị nghiện

Rà soát, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác điều trị nghiện, trên cơ sở đó đề xuất các Bộ, ngành Trung ương, Chính phủ xem xét điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các chính sách, khuyến khích xã hội hóa đối với lĩnh vực liên quan đến đổi mới công tác cai nghiện trên địa bàn tỉnh.

3. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác dự phòng và cai nghiện ma túy

- Tăng cường vai trò lãnh đạo chỉ đạo của Cấp ủy, chính quyền các cấp, sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với công tác dự phòng, điều trị nghiện;

- Chuẩn hóa bộ máy, tổ chức, nhân sự ở các cơ sở điều trị nghiện theo quy định; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật và quy trình cai nghiện của các cơ sở cai nghiện tự nguyện.

- Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực về dự phòng và điều trị nghiện cho cán bộ quản lý, cán bộ y tế xã, phường, thị trấn, cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, tình nguyện viên Đội công tác xã hội tình nguyện xã, phường, thị trấn và những người trực tiếp tham gia công tác điều trị nghiện; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ về tư vấn điều trị nghiện cho cán bộ làm công tác tư vấn tại các cơ sở điều trị nghiện, cơ sở chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng; tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng và cấp chứng chỉ về điều trị thay thế, điều trị cắt cơn nghiện và các rối loạn tâm thần, thể chất ở người nghiện cho cán bộ y tế công tác tại các cơ sở điều trị nghiện, điểm chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng. Cụ thể:

[...]