Kế hoạch 1432/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình 20-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do tỉnh Quảng Nam ban hành

Số hiệu 1432/KH-UBND
Ngày ban hành 15/03/2023
Ngày có hiệu lực 15/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Hồ Quang Bửu
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1432/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 15 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH SỐ 20-CTR/TU NGÀY 31/10/2022 CỦA TỈNH ỦY QUẢNG NAM VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 19-NQ/TW NGÀY 16/6/2022 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XIII VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Thực hiện Chương trình số 20-CTr/TU ngày 31/10/2022 của Tỉnh ủy Quảng Nam về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Chương trình số 20); UBND tỉnh Quảng Nam xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Việc xây dựng và ban hành Kế hoạch nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Chương trình số 20 của Tỉnh ủy Quảng Nam để tổ chức thực hiện đạt mục tiêu, định hướng đã đề ra, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống cho người nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

2. Yêu cầu

- Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng quan điểm, mục tiêu và nội dung Nghị quyết số 19 - NQ/TW, Chương trình hành động của Tỉnh ủy nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian trước mắt và lâu dài; xác định rõ nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên cần quan tâm tập trung lãnh chỉ đạo trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Trên cơ sở quan điểm, mục tiêu, nội dung Nghị quyết của Trung ương và Chương trình 20 của Tỉnh ủy, mỗi địa phương, đơn vị cần xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch, dự án cụ thể để chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở địa phương, đơn vị mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải bám sát các nội dung cơ bản của Chương trình số 20 của Tỉnh ủy Quảng Nam có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả; đồng thời, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, bổ sung, cập nhật những chủ trương, nhiệm vụ mới để đáp ứng với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ.

II. MỤC TIÊU: Theo đúng mục tiêu Chương trình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Tỉnh ủy Quảng Nam.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tổ chức tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội: Tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn phát triển mới; tập trung quán triệt sâu sắc quan điểm về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Báo Quảng Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền về nội dung, tình hình và kết quả thực hiện Chương trình số 20 của Tỉnh ủy Quảng Nam tại các địa phương và đơn vị trong tỉnh; tăng thời lượng, nâng cao chất lượng các chuyên mục, phóng sự, tin, bài, tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thông tin kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

2. Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn

Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, học vấn cho nông dân và cư dân nông thôn. Tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ nông dân và cư dân nông thôn phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; thúc đẩy kinh tế nông thôn, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm nghèo; Chương trình đào tạo nghề trong nông nghiệp, nông thôn nhằm nâng cao trình độ, học vấn và năng lực tổ chức sản xuất của nông dân và cư dân nông thôn; đẩy nhanh quá trình chuyển dịch lao động nông nghiệp sang làm việc ở khu vực công nghiệp, dịch vụ; thu hút lao động có trình độ cao về làm việc ở nông thôn.

Nâng cao chất lượng y tế, trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả của y tế cộng đồng cấp xã, cấp huyện đảm bảo hiệu quả phòng chống bệnh lây nhiễm và cải thiện chất lượng khám chữa bệnh cho người dân nông thôn, tạo điều kiện cho nông dân và cư dân nông thôn từng bước tiếp cận dịch vụ cao trong y tế. Thực hiện tốt các chính sách dân số và phát triển; chính sách bình đẳng giới, phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em; chính sách bảo hiểm, nâng cao tỷ lệ nông dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế.

Nâng cao chất lượng văn hóa, thể thao, xây dựng nếp sống văn minh, bảo vệ môi trường khu vực nông thôn; trong đó, chú trọng xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao; bảo tồn và phát huy đa dạng, phong phú về các giá trị văn hóa ở nông thôn; xây dựng và triển khai có hiệu quả các đề án du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái nông thôn.

Triển khai thực hiện tốt Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh; thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ưu tiên nguồn lực đầu tư đối với các huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.

Hội Nông dân, các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh Hợp tác xã và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp phát huy vai trò của mình trong việc cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp luật, kiến thức sản xuất kinh doanh, khoa học - công nghệ. Đẩy mạnh thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Chỉ đạo thực hiện hiệu quả các quy chế, quy định về dân chủ cơ sở, bảo đảm quyền làm chủ của nông dân và cư dân nông thôn theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Phát huy tinh thần đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm, tương thân, tương ái; xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng dân cư vững mạnh, tham gia quản lý xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn. Tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”.

3. Phát triển nền nông nghiệp sinh thái theo hướng bền vững, hiện đại

Tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Rà soát, cập nhật, điều chỉnh sau khi các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng được phê duyệt đảm bảo đồng bộ, thống nhất. Phát triển kinh tế nông thôn dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cùng với phát triển nông nghiệp, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động làm việc ở khu vực công nghiệp, dịch vụ; phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; thu hút lao động có trình độ cao về làm việc ở nông thôn. Đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, làng nghề nông thôn, có chính sách thu hút khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp, dịch vụ đầu tư vào nông thôn, nhất là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động thu hút lao động nông thôn. Bảo tồn, phát triển các ngành nghề, làng nghề, dịch vụ nông thôn. Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái - nông nghiệp. Đẩy mạnh hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, trang trại, các chủ thể sản xuất OCOP.

Tập trung tham mưu thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch thực hiện Kết luận số 91-KL/TU ngày 14/10/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát huy thế mạnh, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của tỉnh. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường, cung cấp đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao năng lực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị; thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong từng vùng và giữa các vùng. Quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng. Cụ thể trên các lĩnh vực như sau:

+ Về nông nghiệp: Tập trung phát triển các cây trồng, con vật nuôi chủ lực, có lợi thế và ổn định để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu (lúa giống, rau, quả, dược liệu, tôm, bò, lợn, gà, gỗ nguyên liệu...). Phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Hình thành các vùng chuyên canh đồng bộ về kết cấu hạ tầng, dịch vụ, phát triển công nghiệp chế biến. Chuyển đổi nhanh và giảm diện tích sản xuất lúa năng suất và hiệu quả thấp, bấp bênh sang phát triển các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện sinh thái và thị trường.

[...]