Kế hoạch 140/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” trên địa bàn thành phố Cần Thơ

Số hiệu 140/KH-UBND
Ngày ban hành 06/09/2017
Ngày có hiệu lực 06/09/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Nguyễn Thanh Dũng
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 140/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 06 tháng 9 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “CƠ CẤU LẠI HỆ THỐNG CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG GẮN VỚI XỬ LÝ NỢ XẤU GIAI ĐOẠN ĐOẠN 2016 - 2020” TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Thực hiện Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn thành phố Cần Thơ, với nội dung cụ thể như sau:

I. Mục tiêu

1. Triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu nhằm lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng với lãi suất hợp lý, cải thiện thanh khoản, nâng cao chất lượng tín dụng và nâng cao sự an toàn, lành mạnh, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng.

2. Tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đầu tư thương mại, tiêu dùng, hỗ trợ thị trường phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

II. Nhiệm vụ, giải pháp

1. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh thành phố Cần Thơ:

a) Chỉ đạo các Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn xây dựng Phương án Cơ cấu lại quỹ tín dụng nhân dân gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017-2020 và phê duyệt Phương án do các Quỹ tín dụng nhân dân xây dựng.

b) Chỉ đạo các Chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn xử lý nợ xấu và phòng ngừa, hạn chế nợ xấu gia tăng trong tương lai, tích cực chủ động triển khai các giải pháp:

- Rà soát, đánh giá lại chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ để có biện pháp xử lý thích hợp;

- Tăng cường trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu;

- Tiếp tục cơ cấu lại nợ, hỗ trợ vốn để khách hàng khắc phục khó khăn và phục hồi;

- Bổ sung, hoàn thiện hồ sơ pháp lý tài sản bảo đảm;

- Thu nợ và tăng cường xử lý tài sản bảo đảm;

- Kiểm soát chặt chẽ và giảm chi phí hoạt động;

- Hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh trong tương lai.

c) Theo dõi sát thị trường tài chính tiền tệ trên địa bàn để kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các Chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn; giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại của các Quỹ tín dụng nhân dân, đặc biệt trong việc xử lý thu hồi giấy phép, thực hiện phá sản các Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động yếu kém, đảm bảo giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

d) Thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với các Chi nhánh tổ chức tín dụng cố tình che giấu nợ xấu, không thực hiện nghiêm túc các giải pháp xử lý đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước trong quá trình xử lý nợ xấu, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm pháp luật.

đ) Phối hợp với các Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, đơn vị có liên quan, các đơn vị báo chí triển khai thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách về giải pháp cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu để tạo sự hiểu biết thống nhất và sự đồng thuận cao trong xã hội.

2. Giao Sở Tài chính:

Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng lộ trình và bố trí nguồn xử lý các khoản nợ xấu liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản có nguồn vốn từ ngân sách địa phương, nợ xấu từ hoạt động cho vay theo các chương trình dự án, chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh; xây dựng phương án xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân thành phố quản lý.

3. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân quận, huyện hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư sớm triển khai kế hoạch, hoàn tất các thủ tục đầu tư, nghiệm thu khối lượng hoàn thành để có đủ điều kiện thanh toán theo quy định; kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch của các chủ đầu tư, khắc phục tình trạng chậm trễ trong việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư, đấu thầu, nghiệm thu, thanh toán vốn; tổ chức kiểm tra đánh giá tiến độ thi công, giải ngân của các dự án, nhất là đối với vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia. Rà soát khắc phục và không để phát sinh nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản.

b) Phối hợp với Sở Tài chính nghiên cứu, xây dựng lộ trình và bố trí nguồn xử lý các khoản nợ xấu liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản có nguồn vốn từ ngân sách địa phương, nợ xấu từ hoạt động cho vay theo các chương trình dự án, chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh.

c) Phối hợp với Sở Tài chính xây dựng phương án xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân thành phố quản lý.

4. Giao Sở Thông tin và Truyền thông:

Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh thành phố Cần Thơ, các Sở, ban ngành thành phố, đơn vị có liên quan trong công tác chỉ đạo, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.

[...]