Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 139/KH-UBND năm 2019 về thực hiện phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

Số hiệu 139/KH-UBND
Ngày ban hành 17/09/2019
Ngày có hiệu lực 17/09/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kiên Giang
Người ký Mai Anh Nhịn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 139/KH-UBND

Kiên Giang, ngày 17 tháng 09 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM, CỨU NẠN ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG

Thực hiện Quyết định số 649/QĐ-TTg ngày 30/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2020.

Nhằm chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra, góp phần phát triển bền vững kinh tế- xã hội của tỉnh; Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn (sau đây gọi tắt là PCTT&TKCN) đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, như sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của toàn dân, toàn xã hội với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.

2. Kế hoạch phòng, chống thiên tai được thực hiện đồng bộ theo 3 giai đoạn: Phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả. Nội dung phòng, chống thiên tai phải được lồng ghép trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

3. Chú trọng công tác quản lý rủi ro thiên tai, lấy phòng ngừa là chính; bám sát Phương châm “4 tại chỗ”. Thực hiện các giải pháp quản lý tổng hợp, đồng bộ theo hệ thống, lưu vực liên ngành, liên vùng; ứng dụng khoa học công nghệ kết hợp với kinh nghiệm truyền thống.

4. Kế hoạch phòng, chống thiên tai phải kết hợp giữa khôi phục và nâng cấp sau thiên tai với yêu cầu xây dựng lại tốt hơn. Phòng, chống thiên tai phải kết hợp giải pháp công trình và phi công trình; đầu tư xây dựng công trình phòng, chống thiên tai phải kết hợp đa mục tiêu, có trọng tâm, trọng điểm.

5. Sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào phòng, chống thiên tai.

II. MỤC TIÊU.

1. Mục tiêu tổng quát

Tăng cường quản lý Nhà nước về phòng, chống thiên tai, nâng cao năng lực, tính chủ động của toàn xã hội trong phòng, chống thiên tai, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, kết hợp giữa phòng, chống thiên tai với phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, giảm thiểu rủi ro thiên tai.

2. Mục tiêu cụ thể

- Từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, nâng cấp trang thiết bị về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn.

- Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, nhất là đối với hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt, bão, áp thấp nhiệt đới, sạt lở bờ sông, sạt lở bờ biển, sạt lở đá núi.

- Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, thực hiện đồng bộ các hoạt động phòng, chống thiên tai gắn với phát triển kinh tế - xã hội và phát triển của các ngành, nâng cao hiệu quả đầu tư.

- Làm cơ sở để tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn.

III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Nội dung kế hoạch

a) Tuyên truyền phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức về thiên tai

- Thông qua các phương tiện truyền thông và các cơ quan thông tin đại chúng, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức cho người dân về các loại hình thiên tai thường xảy ra và phương pháp phòng, chống; hiểu biết những rủi ro do thiên tai có thể gây ra cho con người, hoa màu, vật nuôi, nhà cửa, các lĩnh vực kinh tế và cơ sở hạ tầng.

- Đẩy mạnh phổ biến pháp luật, kiến thức phòng, chống thiên tai cho toàn xã hội để nhân dân hiểu đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật, nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi, hình thành ý thức chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, xã hội.

- Đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, ngôn ngữ, phương thức truyền thông, để phổ biến kiến thức phòng, chống thiên tai tới cộng đồng phù hợp với từng vùng, từng đối tượng, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; sử dụng các phương tiện truyền thông truyền thống, lưu động, mạng xã hội tiếp nhận thông tin phản hồi của người dân; triển khai các chiến dịch quốc gia vì một xã hội an toàn trước thiên tai.

- Huy động sự tham gia của các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội, các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức chính trị- xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp và người dân trong quá trình xây dựng chiến lược, hoạch định chính sách, đề xuất và triển khai kế hoạch, chương trình, dự án trong hoạt động phòng, chống thiên tai.

b) Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực chỉ đạo, chỉ huy và đào tạo nguồn nhân lực.

- Kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn các cấp và các ngành có liên quan. Phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN ở các cấp. Tổ chức xây dựng và củng cố lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cấp xã với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ, từng bước nâng cao năng lực dân sự trong ứng phó thiên tai tại cơ sở.

- Tổ chức đào tạo, đào tạo lại cho cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai; nâng cao năng lực hoạt động đội ngũ cán bộ về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn. Bổ sung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để đảm bảo điều kiện làm việc của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn các cấp.

[...]