Kế hoạch 873/KH-GDĐT-CTTT về triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong Ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020
Số hiệu | 873/KH-GDĐT-CTTT |
Ngày ban hành | 19/03/2020 |
Ngày có hiệu lực | 19/03/2020 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký | Lê Hoài Nam |
Lĩnh vực | Giáo dục,Tài nguyên - Môi trường,Văn hóa - Xã hội |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 873/KH-GDĐT-CTTT |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 3 năm 2020 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN TRONG NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ NĂM 2020
Căn cứ Chỉ thị số 04/CT-UBND, ngày 17 tháng 02 năm 2020 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn Thành phố.
Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai kế hoạch công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn Thành phố đến Thủ trưởng các đơn vị một số nội dung sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là thiệt hại về người, tài sản và các công trình trường học trên địa bàn thành phố, đồng thời khắc phục khẩn trương, hiệu quả sau thiên tai, sự cố.
- Phối hợp chặt chẽ với Ban, ngành, đoàn thể tại địa phương kịp thời sơ tán học sinh, sinh viên, người lao động ở khu vực xung yếu, có nguy cơ cao đến nơi an toàn khi có thiên tai, sự cố.
- Chủ động khắc phục hậu quả, sự cố, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau thiên tai.
2. Yêu cầu
- Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc Chị thị 04/CT-UBND ngày 17 tháng 02 năm 2020 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn Thành phố theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả).
- Cán bộ, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh, sinh viên và học sinh theo dõi chặt chẽ diễn biến của thiên tai, nghiêm chỉnh chấp hành các hướng dẫn, thông báo của ngành, chính quyền, cơ quan chức năng tại địa phương.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
- Thành lập Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại đơn vị, các cơ sở giáo dục toàn thành phố. Công tác phòng chống thiên tai (gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, lụt, mưa lớn, giông lốc, sạt lở…) và cứu nạn (gồm: do bão lũ, vỡ đê, hồ, đập, cháy nổ, động đất, sập đổ nhà, công trình, rò rỉ, phát tán chất độc, tai nạn, thảm họa…) được tiến hành chủ động, kịp thời nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
- Xây dựng Qui chế hoạt động của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại đơn vị, các cơ sở giáo dục. Có kế hoạch tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó với thiên tai cho người lao động, học sinh, sinh viên.
III. CÁC BIỆN PHÁP THỰC HIỆN
Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các cơ sở giáo dục thực hiện các nội dung như sau:
- Triển khai thực hiện Luật Phòng chống thiên tai, Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai, Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ Quy định chi tiết, Luật Phòng, chống thiên tai, Quyết định số 5745/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2008 và Quyết định số 3523/QĐ-UBND ngày 31 tháng 8 năm 2010 của ủy ban nhân dân thành phố.
- Quán triệt thực hiện hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng” chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả khi thiên tai xảy ra.
- Xây dựng kế hoạch chi tiết với phương án triển khai cụ thể nhằm ứng phó với các loại hình thiên tai và phương án tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết và tổ chức tập huấn, diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương án được duyệt.
- Phối hợp cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường phổ biến pháp luật về phòng, chống thiên tai, lồng ghép trong các chương trình, nội dung giáo dục tại đơn vị. Tuyên truyền, thông tin, cảnh báo, nâng cao ý thức cho người lao động, học sinh, sinh viên về phòng tránh, hạn chế rủi ro, thiệt hại, phổ biến, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh, ứng phó với các tình huống, sự cố khi thiên tai xảy ra.
- Thành lập đội xung kích, tình nguyện phụ trách công tác tuyên truyền trong các cơ sở giáo dục. Tham gia các lớp bồi dưỡng và nâng cao năng lực xử lý tình huống, chỉ huy, điều hành tại chổ, năng lực sơ cấp cứu, tìm kiếm cứu nạn tại đơn vị.
- Cập nhật thường xuyên thông tin, báo cáo kịp thời các rủi ro thiên tai ảnh hưởng tại đơn vị lên cấp trên.
- Thường xuyên kiểm tra hệ thống cây xanh, máng xối, cống thoát nước… gây nguy hiểm khi thiên tai xảy ra.
- Thực hiện công tác kiểm tra, lưu trữ hồ sơ, thực hiện sơ kết, tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo định kỳ, báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo hàng năm (cuối tháng 4).
Bộ phận thường trực: Ông Phạm Duy Phương, Chuyên viên Phòng Chính trị tư tưởng – Sở Giáo dục và Đào tạo. ĐT: 0934.973.168; (028).38.299.682. Mail: pdphuong.sgddt@tphcm.edu.vn
Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Thủ trưởng các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện./.