Kế hoạch 139/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2018 do tỉnh Lạng Sơn ban hành

Số hiệu 139/KH-UBND
Ngày ban hành 09/08/2017
Ngày có hiệu lực 09/08/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Lý Vinh Quang
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 139/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 09 tháng 8 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP BỀN VỮNG NĂM 2018

Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc, có tổng diện tích tự nhiên là 831.009 ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 679.729 ha, chiếm 81,5% tổng diện tích tự nhiên. Vì vậy, sản xuất lâm nghiệp có vai trò, vị trí quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, đặc biệt đối với đời sống của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa và biên giới. Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của ngành lâm nghiệp toàn quốc, ngành lâm nghiệp Lạng Sơn đã có nhiều cố gắng, tranh thủ các nguồn lực đầu tư cho phát triển lâm nghiệp, cũng như huy động nội lực của địa phương để bảo vệ và phát triển rừng. Diện tích rừng trồng tăng qua các năm, độ che phủ rừng của tỉnh tăng từ 49,8 % năm 2011 lên 60,5% năm 2016. Tuy nhiên, ngành lâm nghiệp Lạng Sơn vẫn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém, như: Phát triển rừng chưa gắn được với phát triển công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ; diện tích trồng rừng lớn nhưng chất lượng rừng chưa cao, lâm sản ngoài gỗ chưa được quan tâm bảo tồn và phát triển; chưa chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng lâm nghiệp...

Để triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động nguồn lực, tổ chức lồng ghép với các chương trình, dự án trên địa bàn để thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành kế hoạch thực hiện trong năm 2018 như sau:

Phần I

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2017

I. HIỆN TRẠNG RỪNG VÀ ĐẤT RỪNG

Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp: 679.729,82 ha, cụ thể như sau:

1. Hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp

- Tổng diện tích đất có rừng (bao gồm cả diện tích rừng ngoài quy hoạch): 503.292,6 ha ; trong đó:

+ Rừng tự nhiên: 293.589,73 ha;

+ Rừng trồng: 209.702,87 ha.

- Tổng diện tích đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp: 176.437,22 ha (trong đó có 19.234,01 ha đất đã trồng rừng nhưng chưa thành rừng theo tiêu chí quy định tại Thông tư số 34/2009/TT-BNNPTNT ngày 10/6/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tiêu chí xác địch và phân loại rừng).

2. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp phân theo mục đích sử dụng

- Diện tích trong quy hoạch 3 loại rừng: 633.794,3 ha, trong đó:

+ Rừng đặc dụng: 8.288,06 ha;

+ Rừng phòng hộ: 131.870,1 ha;

+ Rừng sản xuất: 493.636 ha.

- Diện tích ngoài quy hoạch: 45.935,5 ha.

Mặc dù diện tích đất trống còn tương đối lớn nhưng phân tán nhỏ lẻ, rải rác và tập trung chủ yếu ở vùng xa, độ dốc lớn, địa hình phức tạp, diện tích có khả năng trồng rừng mới chỉ chiếm khoảng 40-50%.

3. Các nguồn lực hiện có

Toàn tỉnh hiện nay có khoảng 460.358 người trong độ tuổi lao động, chiếm 62,79% tổng dân số, trong đó lao động nữ chiếm 50,71%. Tỷ lệ lao động khu vực nông thôn chiếm 79,78%, lao động khu vực thành thị chiếm 20,22%. Tiềm năng lao động của Lạng Sơn là khá dồi dào, lực lượng lao động có cơ cấu độ tuổi trẻ; tuy nhiên tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp (32%), thiếu lao động có tay nghề, thừa lao động phổ thông ở nông thôn, đặc biệt vào những lúc nông nhàn.

Nguồn vốn đầu tư phát triển rừng của tỉnh Lạng Sơn chủ yếu từ ngân sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương chủ yếu đầu tư cho trồng cây phân tán, hàng năm trồng khoảng 3.000 ha cây phân tán, vốn đầu tư khoảng 5 - 6 tỷ đồng. Ngoài ra, có một số doanh nghiệp và người dân đã đầu tư trồng rừng bằng vốn vay, vốn tự có, nhưng còn hạn chế.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2017

1. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch (đến 30/6/2017)

a) Về khoán bảo vệ rừng:

- Bảo vệ 7.140,0 ha rừng đặc dụng Hữu Liên do ngân sách nhà nước đảm bảo;

- Diện tích rừng đã giao cho các tổ chức, cá nhân hộ gia đình người dân tự bảo vệ.

[...]