Kế hoạch 137/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình an toàn, vệ sinh lao động tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 137/KH-UBND
Ngày ban hành 04/04/2022
Ngày có hiệu lực 04/04/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Thanh Bình
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 137/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 04 tháng 4 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2022 của Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 20212025, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 với nội dung cụ thể sau:

I. MỤC TIÊU, PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG

1. Mục tiêu:

a) Mục tiêu chung: Chăm lo cải thiện điều kiện làm việc; phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe cho người lao động; bảo đảm an toàn tính mạng cho người lao động, tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân, góp phần xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế theo Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị.

b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- Trung bình hằng năm giảm 4% tần suất tai nạn lao động chết người.

- Trung bình hàng năm tăng thêm 5% số người lao động được khám bệnh nghề nghiệp; 5% số cơ sở thực hiện quan trắc môi trường lao động.

- Trên 90% người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ các huyện, thị xã, thành phố Huế, Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp xã được tập huấn nâng cao năng lực về ATVSLĐ.

- Trên 80% người lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ được huấn luyện về ATVSLĐ; 80% người làm công tác ATVSLĐ và 80% an toàn vệ sinh viên được huấn luyện về ATVSLĐ.

- Trên 80% người làm công tác y tế cơ sở được huấn luyện về ATVSLĐ.

- Trên 80% số làng nghề, hợp tác xã có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tiếp cận thông tin phù hợp về ATVSTĐ.

- Trên 80% người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bồi thường, trợ cấp theo quy định của pháp luật.

- 100% số vụ tai nạn lao động chết người được khai báo, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

3. Phạm vi: Chương trình ATVSLĐ được triển khai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến tất cả ngành nghề; ưu tiên các ngành nghề, công việc có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã và làng nghề.

4. Đối tượng: Người làm công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ, người sử dụng lao động và người lao động

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, huấn luyện nâng cao nhận thức về ATVSLĐ

- Tiếp tục quán triệt Luật An toàn, vệ sinh lao động, Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2022 của Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2021- 2025 và các văn bản hướng dẫn về ATVSLĐ để người sử dụng lao động và người lao động thực hiện nghiêm công tác ATVSLĐ trong quá trình sản xuất, kinh doanh; đồng thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 20/8/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường giải pháp đảm bảo ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh Thừa thiên Huế.

- Tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền về công tác ATVSLĐ, sử dụng nền tảng số để lan tỏa nhanh hơn các thông điệp tuyên truyền như trên các trang thông tin điện tử, zalo, facebook, ứng dụng Hues, ... Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và các hoạt động nâng cao hiệu quả phong trào quần chúng làm công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động, ưu tiên người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ.

- Hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ cho người nông dân, xã viên theo phương pháp giáo dục hành động; vận động nông dân, xã viên đăng ký cam kết đảm bảo ATVSLĐ.

2. Phát động Tháng hành động về ATVSLĐ hàng năm:

Tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động gắn với Tháng Công nhân hàng năm, tạo đợt cao điểm về tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động và các cấp, các ngành về thực hiện công tác ATVSLĐ; đồng thời đẩy mạnh các chương trình phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình.

3. Đẩy mạnh nghiên cứu, tư vấn, hỗ trợ cải thiện điều kiện lao động, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:

- Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ về an toàn vệ sinh lao động; hỗ trợ triển khai mô hình các giải pháp kỹ thuật an toàn để phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, trong các ngành có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (khai thác và chế biến khoáng sản, gia công cơ khí, hóa chất, xây dựng và một số ngành nghề khác).

- Tăng cường tư vấn các biện pháp và mô hình cải thiện điều kiện làm việc đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, làng nghề, hợp tác xã, hộ gia đình làm các nghề, công việc có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

[...]