Kế hoạch 2671/KH-UBND năm 2022 triển khai Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Số hiệu 2671/KH-UBND
Ngày ban hành 20/04/2022
Ngày có hiệu lực 20/04/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Đặng Trí Dũng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2671/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 20 tháng 4 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA VỀ AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG GIAI ĐOẠN 2022 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 16/02/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2021- 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh (sau đây viết tt là Kế hoạch) với các nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

a) Chăm lo cải thiện điều kiện làm việc; phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động; bảo đảm an toàn tính mạng cho người lao động, tài sản của Nhà nước, tài sản của doanh nghiệp, của tổ chức, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh.

b) Phát huy tính chủ động, sáng tạo trong kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19, tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, đưa hoạt động của doanh nghiệp, người lao động dần trở lại tình trạng bình thường mới; tăng cường vai trò quản lý Nhà nước về công tác an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh; nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động và người lao động.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

a) Mục tiêu 1: Trung bình hằng năm giảm 4% tần suất tai nạn lao động chết người.

b) Mục tiêu 2: Trung bình hằng năm tăng thêm 5% số người lao động được khám bệnh nghề nghiệp; 5% số cơ sở được quan trắc môi trường lao động.

c) Mục tiêu 3: Trên 90% số người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động cấp huyện và trong ban quản lý các khu công nghiệp được tập huấn nâng cao năng lực về an toàn, vệ sinh lao động.

d) Mục tiêu 4: Trên 80% số người lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động; 80% số người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.

đ) Mục tiêu 5: Trên 80% số người làm công tác y tế cơ sở được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.

e) Mục tiêu 6: Trên 80% số làng nghề, hợp tác xã có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tiếp cận thông tin phù hợp về an toàn, vệ sinh lao động.

g) Mục tiêu 7: Trên 80% người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bồi thường, trợ cấp theo quy định của pháp luật.

h) Mục tiêu 8: 100% số vụ tai nạn lao động chết người được khai báo, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động

a) Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

b) Cơ quan phối hợp: Sở Y tế, Liên đoàn Lao động tỉnh và UBND các huyện, thành phố.

c) Các hoạt động cụ thể:

- Tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn, vệ sinh lao động của các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

- Cử cán bộ tham gia các chương trình, lớp tập huấn về an toàn, vệ sinh lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức và học tập trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh bạn trong việc quản lý, tổ chức triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp.

- Triển khai các hoạt động kiểm tra về công tác an toàn, vệ sinh lao động; điều tra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; phổ biến hướng dẫn các đơn vị thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc.

- Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất và nhân lực cho hệ thống thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác an toàn, vệ sinh lao động; quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa đặc thù an toàn lao động; quan trắc môi trường lao động; chẩn đoán, giám định, điều trị và phục hồi chức năng cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

- Triển khai tin học hóa trong hoạt động quản lý, bảo đảm đồng bộ và kết nối hệ thống thông tin trong công tác khai báo tai nạn lao động, triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, triển khai các dịch vụ công trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động.

- Kiện toàn cơ sở dữ liệu về an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh (ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý; điều tra, thu thập số liệu thống kê), ưu tiên vào các dữ liệu về điều kiện lao động của người làm nghề nặng nhọc, độc hại nguy hiểm; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; môi trường lao động.

2. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, huấn luyện nâng cao nhận thức về an toàn, vệ sinh lao động

[...]