Chỉ thị 18/CT-UBND năm 2020 về tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Số hiệu 18/CT-UBND
Ngày ban hành 20/08/2020
Ngày có hiệu lực 20/08/2020
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Văn Phương
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/CT-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 20 tháng 8 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG GIẢI PHÁP ĐẢM BẢO AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Trong những năm qua, công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trên địa bàn tỉnh được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, nhận thức của chủ sử dụng lao động và người lao động về ATVSLĐ từng bước được nâng cao, điều kiện làm việc không ngừng được cải thiện, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2020 công tác ATVSLĐ còn bộc lộ nhiều thiếu sót. Khu vực có quan hệ lao động trong lĩnh vực thi công xây dựng đã xảy ra 06 vụ tai nạn lao động làm chết 06 người; khu vực không có quan hệ lao động có nguy cơ gây mất an toàn lao động. Nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động là do các công trình vi phạm quy trình an toàn trong thi công xây dựng, vi phạm các quy định của pháp luật về ATVSLĐ như: Xây dựng kế hoạch tổng hợp về ATVSLĐ trong thi công xây dựng nhưng không cụ thể, đầy đủ nội dung theo quy định, không lập biện pháp thi công hoặc có lập nhưng chưa cụ thể, đầy đủ, không cử người giám sát công tác ATVSLĐ, không huấn luyện, không trang bị hoặc có trang bị nhưng không đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ của các cấp, ngành chưa chặt chẽ, công tác phối hợp thiếu chuyên nghiệp, thường xuyên.

Nhằm chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc đảm bảo công tác ATVSLĐ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tiếp tục tuyên truyền, tập huấn về ATVSLĐ đối với người sử dụng lao động, người lao động và nhân dân để phòng ngừa tai nạn lao động trong công việc, đặc biệt là công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; vận hành máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về qui trình an toàn lao động.

b) Tăng cường thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất việc thực hiện công tác ATVSLĐ tại các đơn vị, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thường xảy ra tai nạn lao động như: Xây dựng, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng,...; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và thông báo công khai những vi phạm pháp luật về ATVSLĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng; kiến nghị khởi tố vụ án vi phạm ATVSLĐ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm chết người.

c) Phối hợp với cơ quan Công an tiến hành điều tra, xác định nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết người để có biện pháp khắc phục nguyên nhân nhằm ngăn ngừa tai nạn lao động tương tự xảy ra.

d) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp thực hiện nội dung nêu tại Chỉ thị này; định kỳ trước 30/11 hàng năm hoặc theo yêu cầu đột xuất tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định.

2. Sở Y tế: Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, giám sát, thanh tra, tập huấn chuyên môn vệ sinh lao động, quan trắc môi trường lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, khám sức khỏe định kỳ, khám, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, phương án sơ cấp cứu, kỹ thuật về vệ sinh lao động cho người lao động nhất là đối với những doanh nghiệp hoạt động các lĩnh vực có nhiều yếu tố độc hại, có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp.

3. Công an tỉnh: Phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tổ chức điều tra, giải quyết các vụ tai nạn lao động chết người và tai nạn lao động khác có dấu hiệu tội phạm trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Công Thương: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra việc quản lý, sử dụng, bảo quản, kinh doanh, vận chuyển hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, xăng dầu đảm bảo thực hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình về ATVSLĐ tại các công trường, khu vực khai thác, chế biến khoáng sản thuộc phạm vi quản lý của ngành.

5. Sở Xây dựng: Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn lao động trong xây dựng; tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng, chú trọng những công trình trọng điểm có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động.

6. Sở Giao thông vận tải: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan giám sát, kiểm tra ATVSLĐ tại các công trình xây dựng cầu đường, công trình giao thông, chú trọng các công trình trọng điểm, có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường: Phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ đã cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết.

8. Ban Quản lý Kinh tế - Công nghiệp tỉnh: Chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị hoạt động trong khu công nghiệp thực hiện các quy định pháp luật về ATVSLĐ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATVSLĐ.

Thực hiện báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác ATVSLĐ, tình hình tai nạn lao động theo quy định.

9. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh:

a) Chỉ đạo Liên đoàn lao động cấp huyện, Công đoàn khu công nghiệp, Công đoàn các ngành hướng dẫn công đoàn cơ sở phối hợp chủ doanh nghiệp thực hiện tốt việc tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng về ATVSLĐ nhằm phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

b) Đổi mới hình thức, nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ; hướng dẫn, phổ biến mô hình, kinh nghiệm cho người lao động tự phát hiện các nguy cơ, sự cố mất ATVSLĐ.

c) Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cấp công đoàn với các cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về ATVSLĐ để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục.

10. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về ATVSLĐ; lồng ghép tuyên truyền về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với các chương trình khác phù hợp.

11. UBND thành phố Huế, các thị xã và các huyện:

a) Tuyên truyền, phổ biến nội dung Chỉ thị này tới các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATVSLĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương đến với các doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực chính thức và phi chính thức.

b) Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATVSLĐ đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

c) Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn:

- Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động (phi chính thức) trên địa bàn để phòng ngừa tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ.

[...]