Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 130/KH-UBND năm 2021 về chủ động phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò trên địa bàn thành phố Cần Thơ

Số hiệu 130/KH-UBND
Ngày ban hành 23/06/2021
Ngày có hiệu lực 23/06/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Nguyễn Ngọc Hè
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 130/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 23 tháng 6 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

CHỦ ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG BỆNH VIÊM DA NỔI CỤC Ở TRÂU, BÒ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Thực hiện Công điện số 631/CĐ-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch chủ động phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò trên địa bàn thành phố Cần Thơ, với những nội dung sau:

I. THÔNG TIN TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH

1. Thông tin tóm tắt về bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò

Bệnh Viêm da nổi cục (tên tiếng Anh là Lumpy Skin Disease, viết tắt là LSD) là bệnh truyền nhiễm do vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Vi rút này không gây bệnh trên người. Bệnh lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; tiếp xúc giữa gia súc bệnh và gia súc khỏe mạnh; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch; thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 04 - 14 ngày. Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh khoảng 10 - 20%; tỷ lệ chết khoảng 1 - 5%; triệu chứng chính của bệnh bao gồm: sốt cao (có thể trên 41°C), bỏ ăn, giảm tiết sữa, da và niêm mạc nổi những nốt sần có đường kính khoảng 2 - 5 cm, đặc biệt là ở vùng da cổ, đầu, bầu vú, cơ quan sinh dục và vùng đáy chậu; các biện pháp phòng, chống bệnh chính bao gồm chủ động theo dõi, giám sát để kịp thời phát hiện sớm các trường hợp trâu, bò mắc bệnh, tiêu hủy trâu, bò mắc bệnh và tiêm phòng cho trâu, bò.

2. Tình hình dịch bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò

Theo báo cáo của Cục Thú y, từ tháng 10/2020 bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) ở trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và đến ngày 25/5/2021 bệnh đã xảy ra tại 2.306 xã của 32 tỉnh, thành phố, với tổng số gia súc mắc bệnh hơn 60.176 con, số chết và tiêu hủy trên 9.539 con. Dự báo trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh VDNC tiếp tục phát sinh và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao do: vật chủ trung gian truyền bệnh phát triển (ruồi, muỗi, ve, mòng,...); một số địa phương chưa bố trí kinh phí phòng, chống dịch, đặc biệt là kinh phí mua vắc xin và tổ chức tiêm phòng bệnh VDNC,… Tại thành phố Cần Thơ chưa phát sinh bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò.

II. HIỆN TRẠNG CHĂN NUÔI TRÂU, BÒ TẠI THÀNH PHỐ CẦN THƠ

1. Tổng đàn trâu, bò: hiện có khoảng 404 trang trại và hộ chăn nuôi trâu bò, với tổng đàn 4.682 con, trong đó: chăn nuôi trâu có 21 trang trại, hộ chăn nuôi, tổng đàn 265 con; chăn nuôi bò có 383 trang trại, hộ chăn nuôi, tổng đàn 4.417 con (chăn nuôi bò sữa: 63 trang trại, hộ chăn nuôi, tổng đàn 1.572 con).

2. Về quy mô và phương thức nuôi:

- Chăn nuôi trâu có 17 hộ, tổng đàn 128 con và 04 trang trại (quy mô nhỏ), tổng đàn 137 con. Chăn nuôi bò có 359 hộ, tổng đàn 3.566 và 24 trang trại (01 trại quy mô lớn, 02 trại quy mô vừa và 21 trại quy mô nhỏ) tổng 851 con bò.

- Chăn nuôi trâu, bò của thành phố chủ yếu là nuôi nhốt kết hợp với chăn thả có kiểm soát và nuôi bán công nghiệp; phân bố ở hầu hết các quận, huyện, trong đó đàn bò tập trung chủ yếu ở quận Bình Thủy, quận Cái Răng, huyện Cờ Đỏ và huyện Vĩnh Thạnh; riêng đối với đàn trâu thì được nuôi nhiều ở quận Ô Môn, quận Cái Răng và huyện Cờ Đỏ.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: Chủ động ngăn chặn, giám sát, phát hiện sớm, kịp thời triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò đạt hiệu quả cao.

2. Mục tiêu cụ thể

- Giảm thiểu thấp nhất nguy cơ bệnh VDNC ở trâu, bò xâm nhiễm vào thành phố Cần Thơ, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhập, quá cảnh qua thành phố và kiểm soát giết mổ gia súc và các khu vực chăn nuôi có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh.

- Chủ động giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp trâu, bò có biểu hiện nghi mắc bệnh VDNC trên địa bàn thành phố Cần Thơ, xử lý dứt điểm, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Giảm thiểu tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội, môi trường do dịch bệnh gây ra.

- Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC từ thành phố đến cơ sở chăn nuôi; bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu trên 80% số trâu, bò thuộc diện tiêm phòng.

IV. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Khi chưa phát hiện bệnh

a) Về công tác tổ chức thực hiện

Tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương và địa phương như: Công điện số 631/CĐ-TTg ngày 17/5/2021 của Thủ tướng chính phủ về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò; Công điện khẩn số 7575/CĐ-BNN-TY ngày 31/10/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tập trung nguồn lực và khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò; Chỉ thị số 8634/CT-BNN-TY ngày 09/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC trên trâu, bò; Công văn số 1076/BNN-TY ngày 24/02/2021 của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tổ chức tiêm phòng khẩn cấp vắc xin phòng bệnh VDNC ở trâu, bò và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo khác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y về việc phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục ở trâu bò.

b) Giải pháp về kỹ thuật

- Giải pháp về kiểm soát vận chuyển, giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y

+ Kiểm soát chặt chẽ các trường hợp vận chuyển trâu, bò ra vào thành phố tại các Trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, không thực hiện kiểm dịch thú y, nhất là trâu, bò và sản phẩm của trâu, bò vào thành phố tiêu thụ.

+ Phối hợp với Công an thành phố, Cục Quản lý thị trường thành phố, UBND quận, huyện và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm soát việc lưu thông, tiêu thụ gia súc, sản phẩm gia súc trên địa bàn.

+ Tăng cường kiểm dịch vệ sinh thú y, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ, vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc và hướng dẫn thực hiện ký cam kết không mua bán gia súc bệnh, nghi bệnh, chết không rõ nguyên nhân.

[...]