Kế hoạch 1297/KH-UBND thực hiện công tác trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2023

Số hiệu 1297/KH-UBND
Ngày ban hành 10/03/2023
Ngày có hiệu lực 10/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Trần Anh Tuấn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1297/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 10 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÔNG TÁC TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM NĂM 2023

Thực hiện Quyết định số 1175/QĐ-UBND ngày 04/5/2021 của UBND tỉnh phê duyệt Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2030, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện công tác trẻ em với các nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp giữa các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, sự tham gia của gia đình, cá nhân và cộng đồng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác trẻ em để tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án về công tác trẻ em trên địa bàn tỉnh.

b) Xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện để thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em; từng bước rút ngắn khoảng cách chênh lệch về điều kiện sống giữa các nhóm trẻ, giữa các vùng, miền, dân tộc…; chủ động phòng ngừa, kiểm soát và giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích, bóc lột lao động bảo đảm sự an toàn cho mọi trẻ em; loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, giảm thiểu nguy cơ trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

2. Yêu cầu

a) Các Sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các hội, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố bám sát nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Kế hoạch này để xây dựng kế hoạch thực hiện công tác trẻ em năm 2023 theo chức năng, nhiệm vụ tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương và triển khai thực hiện đạt hiệu quả.

b) Huy động nguồn lực và sự tham gia đóng góp tích cực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các tầng lớp Nhân dân để thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch, đề án... về công tác trẻ em.

II. MỤC TIÊU CHỦ YẾU

1. 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc dưới các hình thức như: được hưởng trợ cấp xã hội; được trợ giúp về khám bệnh, chữa bệnh, chỉnh hình, phục hồi chức năng; được hỗ trợ về giáo dục; được tư vấn, tham vấn, tiếp cận dịch vụ bảo vệ trẻ em; được hưởng các phúc lợi xã hội và các hình thức trợ giúp khác.

2. 80% trở lên đội ngũ làm công tác trẻ em cấp xã; cộng tác viên dân số, gia đình, trẻ em và nhân viên y tế thôn, khối phố được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

3. 100% huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn duy trì, kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em và có quy chế hoạt động hiệu quả; hình thành nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã, bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác trẻ em.

4. Thực hiện có chất lượng, hiệu quả Tháng hành động vì trẻ em, Diễn đàn trẻ em các cấp, ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán cho trẻ em... Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Xây dựng, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch về công tác trẻ em của Trung ương, của tỉnh

a) Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của HĐND tỉnh liên quan đến trẻ em; các Chương trình, Đề án, Kế hoạch giai đoạn và hằng năm đã được UBND tỉnh phê duyệt về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; chú trọng ưu tiên quy hoạch xây dựng khu vui chơi, bể bơi dành cho trẻ em nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

b) Xây dựng Kế hoạch phối hợp liên ngành về phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2023 - 2030.

c) Tham mưu Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận và các đoàn thể ở các cấp để thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

d) Lồng ghép, đưa nhiệm vụ thực hiện quyền trẻ em, thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em vào chương trình, kế hoạch công tác năm của các Sở, ban, ngành có liên quan.

đ) Thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ngành, đơn vị liên quan và địa phương trong việc nắm bắt, trao đổi thông tin, giải quyết các vụ việc vi phạm quyền trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

g) Bố trí ngân sách địa phương để thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch, mô hình về công tác trẻ em. Vận động và sử dụng hiệu quả, minh bạch nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho trẻ em, hỗ trợ trẻ em mồ côi, trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh và hỗ trợ, cải thiện tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng..., chú trọng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

h) Thực hiện trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên về thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em và thực hiện các chính sách đối với trẻ em...

2. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em

a) Tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, cá nhân, cộng đồng và xã hội về các vấn đề về trẻ em và tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong tình hình mới; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác trẻ em trên địa bàn tỉnh.

b) Đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực trẻ em và các chương trình, kế hoạch về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đã được UBND tỉnh phê duyệt; tăng cường tuyên truyền phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước, bạo lực, xâm hại trẻ em và các hình thức bạo lực, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, chú trọng công tác phòng, chống đuối nước trẻ em trong mùa hè. Đổi mới các hoạt động truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật, các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em, các mô hình bảo vệ trẻ em bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với từng nhóm đối tượng, văn hóa vùng miền, từng địa bàn dân cư, đặc biệt nhân các ngày chủ điểm về trẻ em như Tết Nguyên đán, Tháng hành động Vì trẻ em, Diễn đàn trẻ em, Ngày quốc tế thiếu nhi (01/6), Tết Trung thu, Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, Ngày gia đình Việt Nam…

c) Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị tham gia vào thực hiện công tác trẻ em, nhất là phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội các cấp để tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tham gia có hiệu quả các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh.

[...]