Kế hoạch 129/KH-UBND năm 2020 về thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Số hiệu 129/KH-UBND
Ngày ban hành 22/09/2020
Ngày có hiệu lực 22/09/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Người ký Lê Ngọc Khánh
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 129/KH-UBND

Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 22 tháng 9 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO GIỮA CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ LIÊN MINH CHÂU ÂU (EVFTA) CỦA TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU

Thực hiện Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 06/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA),

Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, đồng bộ, có hiệu quả Hiệp định EVFTA và Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Hiệp định EVFTA.

- Nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh hiểu về tầm quan trọng và sự tác động của Hiệp định EVFTA đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai Hiệp định EVFTA; tạo cơ sở để các cấp, các ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai Hiệp định EVFTA phù hợp với tình hình thực tế.

2. Yêu cầu

- Công tác triển khai thực hiện Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 06/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phải có sự phối hợp chặt chẽ thường xuyên giữa các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố; giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân.

- Thực hiện hiệu quả việc phổ biến thông tin chính sách và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc triển khai Hiệp định EVFTA. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tận dụng tốt các cơ hội về mở rộng thị trường khi triển khai Hiệp định.

II. NHỮNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước tham gia Hiệp định

- Tăng cường phổ biến về EVFTA cho các đối tượng có liên quan, đặc biệt là các đối tượng có thể chịu tác động như nông dân, cơ quan quản lý cấp tỉnh và địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, hợp tác xã, cộng đồng doanh nghiệp thông qua các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử, in ấn các ấn phẩm, tài liệu, các chương trình phát thanh và truyền hình, các lớp tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về nội dung cam kết cũng như các công việc cần triển khai để thực thi hiệu quả EVFTA.

- Thiết lập và củng cố mạng lưới đầu mối thông tin về EVFTA trên địa bàn tỉnh để cung cấp thông tin, hướng dẫn và làm rõ các nội dung cam kết và các vấn đề có liên quan đến Hiệp định.

- Chú trọng đào tạo, tập huấn cho các cán bộ thuộc cơ quan quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực như: Thuế, đầu tư, thương mại, dịch vụ, hải quan, môi trường, sở hữu trí tuệ...và cho doanh nghiệp về các quy định và cam kết cụ thể có liên quan đến Hiệp định EVFTA theo từng chuyên ngành, lĩnh vực cụ thể, đảm bảo các doanh nghiệp cũng như các cán bộ thuộc cơ quan quản lý nhà nước hiểu rõ, hiểu đúng, từ đó giúp việc thực thi Hiệp định được đầy đủ và hiệu quả.

2. Công tác xây dựng pháp luật, thể chế

- Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả các cam kết và nghĩa vụ của Việt Nam khi tham gia Hiệp định EVFTA.

- Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để chủ động kiến nghị các cơ quan Trung ương sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với Hiệp định EVFTA.

- Thường xuyên theo dõi, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành trên hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia về văn bản pháp luật. Đăng tải công khai, chính xác nội dung các văn bản, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các đơn vị, tổ chức và cá nhân trong quá trình tìm hiểu và áp dụng vào hoạt động điều hành, sản xuất, kinh doanh của đơn vị.

- Nâng cao nhận thức và năng lực pháp lý, đặc biệt là luật pháp quốc tế, các điều ước về thương mại quốc tế, trước hết là cho cán bộ chủ chốt các ngành và chính quyền các cấp, doanh nghiệp, cán bộ làm công tác tố tụng, đội ngũ luật sư và những người trực tiếp làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo hội nhập quốc tế tỉnh và các cơ quan đầu mối phụ trách lĩnh vực hội nhập quốc tế trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho bộ phận, cá nhân phụ trách việc thực thi Hiệp định EVFTA tại các sở, ngành, địa phương để nâng cao công tác phối hợp đảm bảo việc thực thi Hiệp định được hiệu quả, đầy đủ.

3. Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực

- Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) theo Quyết định số 1869/QĐ-UBND ngày 19/7/2018 của UBND tỉnh. Đồng thời nâng cao các chỉ số chất lượng quản trị và dịch vụ hành chính công để đảm bảo môi trường đầu tư, kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, hấp dẫn và thuận lợi cho các thành phần kinh tế; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh đảm bảo phù hợp với lộ trình cam kết của Hiệp định EVFTA.

- Tập trung cơ cấu lại công nghiệp, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xây dựng chính sách phát triển công nghiệp phải đảm bảo sự gắn kết giữa phát triển công nghiệp với thương mại, thúc đẩy công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, gắn sản xuất với thị trường. Đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại trong chế biến nâng cao giá trị sản phẩm; ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu; áp dụng tiêu chuẩn, chất lượng quốc tế vào quá trình quản lý và sản xuất, kinh doanh hàng hóa. Tổ chức triển khai có hiệu quả Quyết định số 895/QĐ-UBND ngày 09/4/2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

- Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời phát triển kinh tế nông thôn theo mô hình sản xuất tiên tiến, ứng dụng khoa học - công nghệ, an toàn, thân thiện với môi trường. Phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, tạo sản phẩm chất lượng cao có giá trị xuất khẩu. Gắn hoạt động kinh tế của các làng nghề với hoạt động dịch vụ du lịch và bảo tồn phát triển văn hóa truyền thống; xây dựng thương hiệu, đăng ký quy tắc xuất xứ hàng hóa, đảm bảo các yêu cầu về bằng sáng chế, nhãn hiệu, bản quyền, bí mật thương mại, các hình thức khác của quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương đảm bảo nội dung cam kết của hiệp định quốc tế.

- Tiếp tục xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, nông dân, hợp tác xã phù hợp với các cam kết quốc tế. Triển khai thực hiện Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, có lồng ghép nội dung của Đề án "Nghiên cứu khả năng tích ứng giữa hệ thống cảng biển và dịch vụ logistics tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với năng lực sản xuất, xuất khẩu hàng hóa của vùng, khu kinh tế và tiềm năng tiêu thụ hàng hóa của vùng, khu kinh tế và tiềm năng tiêu thụ hàng nhập khẩu của các điểm đến tiêu dùng".

[...]