Kế hoạch 1279/KH-UBND về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ năm 2024

Số hiệu 1279/KH-UBND
Ngày ban hành 03/04/2024
Ngày có hiệu lực 03/04/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Nguyễn Thanh Hải
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1279/KH-UBND

Phú Thọ, ngày 03 tháng 04 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN THỰC PHẨM, GIA TĂNG CHẾ BIẾN VÀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG NÔNG LÂM THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NĂM 2024

Thực hiện Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm, thủy sản năm 2023 trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng: tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm, thủy sản xếp loại A, B đạt trên 98,5%; sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, bền vững tiếp tục được mở rộng: Diện tích các cây trồng được cấp chứng nhận VietGAP đạt gần 2 nghìn ha, gấp 6 lần so với năm 2022 (trong đó: chè 424,3 ha, bưởi 628 ha, lúa 678 ha, chuối 145 ha, hồng không hạt Gia Thanh 20 ha, rau 59 ha); mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn (diện tích được chứng nhận hữu cơ đạt 24 ha, trong đó: rau 8 ha, chè 10 ha, cây ăn quả 6 ha); sản xuất bưởi theo hướng an toàn đạt trên 3,0 nghìn ha, tăng 42% so với năm 2023; diện tích cây trồng chính sản xuất theo các quy trình an toàn, ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM, quản lý cây trồng tổng hợp ICM đạt 80%[1]; thiết lập, cấp và quản lý 251 mã số vùng trồng với tổng diện tích 4,5 nghìn ha, tăng 229 mã số (3,8 nghìn ha) so với năm 2022; tỷ lệ đàn vật nuôi được sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất tốt, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm đối với đàn lợn đạt 40%, đàn gà đạt 39,7%. số lượng sản phẩm được chứng nhận OCOP tăng cao, đến nay toàn tỉnh có 237 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, tăng 98 sản phẩm so với năm 2022[2]. Xây dựng thêm 15 chuỗi sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản an toàn, nâng tổng số chuỗi toàn tỉnh đạt 108 chuỗi. Công tác thông tin tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm tiếp tục được tăng cường và phát huy hiệu quả[3]; vận động 70.200 cơ sở sản xuất ban đầu, sơ chế, kinh doanh nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn (chiếm 92% tổng số cơ sở)… công tác đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh đã có sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các cấp, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể và nhân dân; chất lượng nông lâm thủy sản tiếp tục được cải thiện, nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản còn một số hạn chế, khó khăn: quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết, khó khăn trong việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn; tỷ lệ diện tích sản phẩm được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (VietGAP, RA, hữu cơ…) còn đạt thấp; nhận thức của một bộ phận người dân về sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản an toàn còn hạn chế; còn tình trạng các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, vật tư nông nghiệp vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm…

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và nâng cao hiệu quả công tác quản lý về an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng và phát triển thị trường nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2024; thực hiện Quyết định số 613/QĐ-BNN- CCPT ngày 28 tháng 02 năm 2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành Kế hoạch đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024; theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 39/TTr-SNN ngày 28 tháng 3 năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2024, với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp theo Chỉ thị 17-CT/TW ngày 21 tháng 10 năm 2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Kế hoạch đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Kế hoạch phát triển nông lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh;

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP); quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm; kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ khâu đầu vào trong sản xuất, kinh doanh gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông lâm thủy sản;

- Đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, các mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có hiệu quả gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh; xây dựng thương hiệu, tạo niềm tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm chuỗi nông lâm thủy sản an toàn, bảo đảm người dân được tiếp cận và sử dụng lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững.

2. Yêu cầu

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đảm bảo sâu sát, cụ thể, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh;

- Xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ phân công cụ thể cho các cấp, ngành, địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo phát huy hiệu quả; tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

II. MỤC TIÊU

- Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đạt 100%;

- Tỷ lệ các cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn tăng lên đạt 93,0% (71.076/76.426 cơ sở) tăng 764 cơ sở so với năm 2023;

- Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát vi phạm các quy định ATTP giảm 10% so với năm 2023;

- Tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 22000 hoặc tương đương tăng 10% (tăng thêm 05 -10 cơ sở) so với năm 2023;

- Diện tích cây trồng chủ lực (chè, bưởi, rau,…), số cơ sở chăn nuôi, nuôi thủy sản áp dụng và được chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (như VietGAP, GAHP và tương đương tăng 10% so với năm 2023;

- Tiếp tục phát triển, mở rộng quy mô 108 chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn hiện có; xây dựng và phát triển thêm ít nhất 15 chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn với các sản phẩm thiết yếu, sản phẩm chủ lực của địa phương, chuỗi liên kết gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và người cung ứng với thị trường tiêu thụ;

- Sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên đạt trên 308 sản phẩm, tăng 71 sản phẩm so với năm 2023;

- Tổ chức từ 8 đến 10 lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ các cơ quan cấp huyện, cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm; mỗi địa phương tổ chức từ 01 đến 02 lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ cấp xã và người dân.

III. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo

- Tập trung đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo sát sao, quyết liệt, hiệu quả; phát huy tinh thần, trách nhiệm, sự quan tâm của người đứng đầu các sở, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo thực hiện; xác định công tác đảm bảo an toàn thực phẩm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các cơ quan, đơn vị, địa phương để tập trung chỉ đạo triển khai cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch, dự án đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tiễn;

- Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, chính quyền địa phương với Ủy ban Mặt trận tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp triển khai các Chương trình phối hợp từ cấp tỉnh đến cơ sở về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giám sát sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản an toàn theo quy định;

- Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tổ chức sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (GAP, HACCP, ISO 22000,...); phát triển hợp tác xã, liên kết chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn, truy xuất được nguồn gốc gắn với xúc tiến thương mại, phát triển thị trường;

- Xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình tuyên truyền, giám sát cộng đồng về an toàn thực phẩm tại các xã nông thôn mới; mô hình chợ đầu mối, chợ truyền thống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để tổng kết, đánh giá và nhân rộng.

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ