Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 1379/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án sản xuất, chế biến lâm sản bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh Đồng Nai

Số hiệu 1379/QĐ-UBND
Ngày ban hành 26/04/2021
Ngày có hiệu lực 26/04/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Võ Văn Phi
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1379/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 26 tháng 4 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN SẢN XUẤT, CHẾ BIẾN LÂM SẢN BỀN VỮNG ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 TỈNH ĐỒNG NAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ ban hành Quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam;

Căn cứ Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28 tháng 3 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 4916/TTr-SNN ngày 24 tháng 11 năm 2020 và Văn bản số 1227/SNN-CCKL ngày 30 tháng 3 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án sản xuất, chế biến lâm sản bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh Đồng Nai (kèm theo Đề án), với các nội dung chủ yếu sau:

1. Tên Đề án: Đề án sản xuất, chế biến lâm sản bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh Đồng Nai.

2. Quan điểm

a) Ngành công nghiệp sản xuất, chế biến và thương mại lâm sản là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao; tạo động lực để phát triển rừng, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội, tạo việc làm, ổn định đời sống xã hội; có tác động tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thúc đẩy cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển.

b) Phát triển công nghiệp sản xuất, chế biến và thương mại lâm sản của tỉnh phải gắn với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, tập trung đầu tư vào những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh cao.

c) Đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết từ trồng rừng, nuôi dưỡng, làm giàu rừng đến khai thác, chế biến bảo đảm hợp pháp; tăng cường hợp tác giữa nhà sản xuất với nhà cung cấp, nhà sản xuất với nhà phân phối; ưu tiên đầu tư phát triển nhóm sản phẩm có giá trị gia tăng cao đối với hoạt động xuất khẩu.

3. Mục tiêu Đề án

a) Mục tiêu chung

Phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản tiếp tục là một ngành kinh tế mũi nhọn và đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Phát triển chế biến gỗ và lâm sản theo hướng gắn với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh cao; đầu tư chiều sâu chế biến sản phẩm tinh, đổi mới mạnh công nghệ thiết bị; gắn chế biến với đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu trong tỉnh, trong vùng, góp phần, ổn định đời sống cho người dân trồng rừng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường của tỉnh.

b) Mục tiêu cụ thể

Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025

- Phát triển nguồn nguyên liệu từ rừng trồng trong tỉnh, đáp ứng tối thiểu 28% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, cụ thể:

+ Đầu tư phát triển và sử dụng hiệu quả 35.942 rừng trồng sản xuất tập trung, góp phần duy trì độ che phủ rừng của tỉnh là 28,3%; phát triển, nâng cao diện tích theo hướng kinh doanh gỗ lớn. Ổn định diện tích khai thác rừng trồng tập trung (trong và ngoài 03 loại rừng) khoảng 3.000 ha/năm, với sản lượng khai thác đạt 450.000 m3 năm 2020, và mức tăng trưởng khoảng 10%/năm cho những năm tiếp theo, tiến tới ổn định ở mức 725.000 m3 vào năm 2025.

+ Duy trì nguồn nguyên liệu gỗ từ khai thác cây trồng phân tán, cây vườn nhà, vườn rừng và cây cao su với sản lượng gỗ khoảng 200.000 - 250.000 m3/năm.

- Về giá trị kim ngạch xuất khẩu giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2022 tăng 3 - 5%/năm và từ năm 2023 đến năm 2025 tăng trưởng bình quân đạt 6 - 8%/năm, đưa kim ngạch xuất khẩu sản phẩm từ gỗ, lâm sản đến năm 2025 đạt hơn 2,0 tỷ USD.

- Về sản phẩm: Các sản phẩm chế biến gỗ đạt tiêu chí về chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế và các tiêu chí về quản lý rừng bền vững, đảm bảo 100% sản phẩm gỗ xuất khẩu có nguồn gốc hợp pháp. Chú trọng các mặt hàng chủ lực như: Gỗ nội, ngoại thất và lâm sản ngoài gỗ.

- Về thị trường: Đáp ứng được nhu cầu về đồ gỗ nội và ngoại thất cho thị trường trong tỉnh và tham gia thị trường các khu vực khác trong nước trước hết là các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ. Tiếp tục chú trọng các thị trường xuất khẩu truyền thống là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU và tiếp tục mở rộng các thị trường khác.

[...]