Kế hoạch 1271/KH-UBND năm 2019 về lập hồ sơ khám, quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Số hiệu 1271/KH-UBND
Ngày ban hành 30/01/2019
Ngày có hiệu lực 30/01/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Nguyễn Hòa Hiệp
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1271/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 30 tháng 01 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

LẬP HỒ SƠ KHÁM, QUẢN LÝ SỨC KHỎE NGƯỜI DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới; Quyết định số 831/QĐ-BYT ngày 11/3/2017 của Bộ Y tế về việc ban hành mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; Chương trình hành động 1379/CTr-BYT ngày 19/12/2017 của Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở theo Quyết định 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2018 - 2020.

Thực hiện kế hoạch số 173/KH-TU ngày 10/4/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. UBND tỉnh ban hành kế hoạch lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân cho người dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

a) Thiết lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho người dân để mọi người dân đều được quản lý, theo dõi, chăm sóc sức khỏe ban đầu; được tư vấn sức khỏe, điều trị hoặc chuyển tuyến phù hợp khi khám bệnh, chữa bệnh.

b) Nâng cao công tác quản lý y tế dự phòng và công tác khám, điều trị tại tuyến y tế cơ sở, góp phần quản lý chặt chẽ hơn hồ sơ sức khỏe của người dân trên địa bàn.

c) Thiết lập hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý sức khỏe, theo dõi tình hình bệnh tật và chăm sóc sức khỏe người dân tỉnh Đồng Nai gắn với bảo hiểm y tế toàn dân.

2. Yêu cầu

Hồ sơ sức khỏe cá nhân phải đảm bảo tính bảo mật, cá nhân được cấp mã định danh y tế duy nhất để xem thông tin về sức khỏe của mình. Phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe người dân đảm bảo tính liên thông, đồng bộ, kết nối với các phần mềm khác từ hệ thống thông tin chương trình mục tiêu y tế, quản lý bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, tiêm chủng, phần mềm khám chữa bệnh, phần mềm quản lý dân cư.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Công tác triển khai hệ thống phần mềm hồ sơ sức khỏe toàn dân

a) Phối hợp với đơn vị cung cấp phần mềm để cài đặt, xây dựng hồ sơ quản lý sức khỏe người dân theo Quyết định số 831/QĐ-BYT ngày 11/3/2017 của Bộ Y tế về việc ban hành mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu.

b) Nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc quản lý sức khỏe toàn dân.

c) Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã trực tiếp sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe người dân.

d) Hồ sơ sức khỏe phải đảm bảo tính bảo mật, cá nhân được cấp mã định danh cá nhân (ID) để xem thông tin về sức khỏe của mình, chỉ có cá nhân mới có quyền cho bác sĩ xem thông tin về sức khỏe của mình để phục vụ công tác khám và điều trị bệnh. Hồ sơ sức khỏe được trích xuất thông tin phục vụ công tác quản lý y tế công cộng.

đ) Phần mềm có khả năng cho phép tra cứu thông tin thông qua sChứng minh nhân dân, số thẻ BHYT hoặc số điện thoại...

2. Lập hồ sơ sức khỏe cá nhân theo mẫu quy định

a) Tiếp nhận các thông tin sẵn có từ cơ sở dữ liệu dân cư của tỉnh Đồng Nai do Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng cục Dân số quản lý để cập nhật các thông tin cơ bản về hành chính vào hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân cho người dân trên địa bàn tỉnh.

b) Đối tượng tham gia quản lý sức khỏe người dân: Trạm y tế các xã, phường, thị trấn; trung tâm y tế các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa; các cơ sở khám chữa bệnh.

c) Đối tượng lập hồ sơ quản lý sức khỏe người dân: Toàn bộ người dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, được phân loại theo các nhóm:

- Trẻ em dưới 06 tuổi.

- Học sinh: Tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

- Sinh viên: Đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề.

- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước, các đơn vị, tổ chức xã hội, doanh nghiệp.

- Người cao tuổi, hưu trí: Người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, người nghỉ hưu, hưởng lương BHXH hàng tháng.

- Người dân lao động tự do và các đối tượng khác.

[...]