Kế hoạch 125/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án phát triển thủy sản bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Sơn La

Số hiệu 125/KH-UBND
Ngày ban hành 28/04/2022
Ngày có hiệu lực 28/04/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Nguyễn Thành Công
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 125/KH-UBND

Sơn La, ngày 28 tháng 4 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN THỦY SẢN BỀN VỮNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 VÀ THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN THỦY SẢN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA

Thực hiện Quyết định số 1960/QĐ-BNN-TCTS ngày 06/5/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 922/QĐ-UBND ngày 17/5/2021 của UBND tỉnh Sơn La về việc phê duyệt Đề án phát triển thủy sản bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2022-2030 và định hướng đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Sơn La phù hợp với Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam và điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của tỉnh.

- Khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh; tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sơn La.

2. Yêu cầu

- Thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 theo đúng mục tiêu, quan điểm được phê duyệt; đồng thời đạt được các kết quả, mục tiêu của Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Sơn La.

- Xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, nội dung cần thực hiện để phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh an toàn, bền vững.

- Phân công, quy định trách nhiệm cụ thể cho các Sở, ban ngành, đơn vị liên quan, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố trong công tác triển khai, thực hiện Kế hoạch.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Sản xuất giống

- Chủ động nguồn giống có chất lượng tốt tại chỗ đáp ứng nhu cầu con giống phục vụ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.

- Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất giống thủy sản phù hợp với yêu cầu địa phương.

- Bổ sung, thay thế đàn cá bố mẹ hiện có, nhập đàn cá bố mẹ các loài nuôi mới, đảm bảo chất lượng đàn cá bố mẹ phục vụ sản xuất giống thủy sản.

- Giống thủy sản phục vụ nuôi trồng thủy sản, bổ sung nguồn lợi thủy sản phải đảm bảo chất lượng, được sản xuất, ương dưỡng từ các cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; đảm bảo sản lượng và đa dạng đối tượng giống thủy sản phục vụ nuôi trồng thủy sản.

2. Nuôi trồng thủy sản

- Phát triển nuôi trồng thủy sản các đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh, có giá trị kinh tế cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Khai thác hiệu quả diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản ao, hồ chứa thủy lợi, hồ chứa thủy điện. Phát triển nghề nuôi cá hồ chứa, nuôi lồng bè an toàn, bền vững.

- Hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung nhằm sản xuất hàng hóa lớn, cung cấp nguyên liệu phục vụ chế biến, tiêu dùng và xuất khẩu; hình thành các chuỗi sản xuất liên kết gia tăng giá trị sản phẩm thủy sản nuôi.

- Xây dựng, củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản; tăng số lượng doanh nghiệp sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP, thủy sản hữu cơ; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất thủy sản nhằm nâng cao giá trị gia tăng, giảm chi phí sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch và phát triển bền vững ngành thủy sản (theo Quyết định số 1095/QĐ-BNN-TCTS ngày 15/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt kế hoạch ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản giai đoạn 2021-2025).

- Phát triển nuôi trồng thủy sản cá nước lạnh những vùng có đủ điều kiện nguồn nước, nhiệt độ, khí hậu thích hợp với các loài cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi) nhằm tạo sản lượng lớn, tập trung để cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và tham gia thị trường xuất khẩu các sản phẩm từ cá nước lạnh.

- Thực hiện công tác quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thủy sản nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất, kịp thời cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp xử lý, phòng ngừa khi môi trường thủy sản mất an toàn, giảm thiểu thiệt hại do môi trường gây ra, hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, hiệu quả.

- Thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản, các biện pháp giảm thiểu rủi ro, thiệt hại trong sản xuất thủy sản do biến đổi khí hậu, thiên tai.

2.1. Sản xuất thủy sản đến năm 2030

- Diện tích nuôi trồng thủy sản: 5.000 ha (trong đó diện tích ao hồ nhỏ: 3.250ha, diện tích mặt nước nuôi cá lồng 1.750 ha).

[...]