Kế hoạch 125/KH-UBND năm 2020 về thực hiện nhập liệu, điện tử hóa thông tin hộ tịch lịch sử trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Số hiệu 125/KH-UBND
Ngày ban hành 22/07/2020
Ngày có hiệu lực 22/07/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Nguyễn Long Hải
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 125/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 22 tháng 7 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NHẬP LIỆU, ĐIỆN TỬ HÓA THÔNG TIN HỘ TỊCH LỊCH SỬ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Quyết định số 2173/QĐ-BTP ngày 11/12/2015 của Bộ Tư pháp về việc phê duyệt Đề án "Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc"; Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 23/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024; Công văn số 1437/BTP-CNTT ngày 25/4/2019 của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn số hóa Sổ hộ tịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn xây dựng Kế hoạch thực hiện nhập liệu, điện tử hóa (số hóa) thông tin hộ tịch lịch sử trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc với nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Chuyển đổi dữ liệu hộ tịch từ sổ giấy sang dữ liệu số theo hướng hình thành hệ thống thông tin hộ tịch với cấu trúc chuẩn tại tất cả các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn tỉnh.

- Hiện đại hóa công tác đăng ký và quản lý hộ tịch; thiết lập Hệ thống thông tin hộ tịch đồng bộ, thông suốt giữa các cơ quan đăng ký hộ tịch ở địa phương; bảo đảm việc kết nối để chia sẻ, cung cấp thông tin với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, bảo đảm tối đa lợi ích cho người dân góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hộ tịch trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đăng ký và quản lý hộ tịch; đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; góp phần cải thiện các Chỉ số đang thực hiện trên địa bàn tỉnh, như: Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Chỉ số Hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS)…

- Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao và bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ.

2. Yêu cầu

- Việc triển khai thực hiện số hóa cần bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ theo Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt, các Chương trình, Kế hoạch có liên quan của tỉnh; đảm bảo Đề án được triển khai nghiêm túc, đúng tiến độ và có hiệu quả. Kế thừa nguồn lực, dữ liệu hộ tịch điện tử sẵn có tại địa phương, phù hợp với yêu cầu đăng ký và quản lý hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch và theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

- Phát huy vai trò chủ động, tích cực, trách nhiệm của các cơ quan đăng ký hộ tịch trong việc thực hiện Đề án, nhất là trong việc bảo đảm cơ sở vật chất và phương tiện làm việc đáp ứng được việc kết nối Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp có liên quan trên địa bàn tỉnh.

- Xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong việc triển khai thực hiện, bảo đảm số hóa dữ liệu hộ tịch lịch sử từ ngày 30/6/2017 trở về trước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và nhập thông tin vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch toàn quốc chính xác, đầy đủ, kịp thời, thống nhất và hiệu quả.

- Các thông tin hộ tịch sau khi được nhập liệu, điện tử hóa vào phần mềm của Bộ Tư pháp phải đảm bảo lưu trữ tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, để chủ động quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu của tỉnh và thực hiện liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin khác của tỉnh.

II. NGUYÊN TẮC, PHẠM VI, LỘ TRÌNH THỰC HIỆN SỐ HÓA

1. Nguyên tắc thực hiện

- Mỗi sự kiện hộ tịch lịch sử đã được đăng ký tại các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn tỉnh chỉ được số hóa một lần.

- Trong mỗi giai đoạn, ưu tiên nhập trước dữ liệu về đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử và xác nhận tình trạng hôn nhân để tạo thông tin cơ sở cho việc thực hiện số hóa các loại việc còn lại.

- Thông tin hộ tịch được nhập là thông tin hiện tại đã được chỉnh lý (đã được thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch…).

2. Phạm vi thực hiện

Số hóa thông tin hộ tịch lịch sử thực hiện trong phạm vi toàn tỉnh với các thông tin ghi trong Sổ hộ tịch gốc tại Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã đã được đăng ký từ ngày 30/6/2017 trở về trước.

3. Lộ trình thực hiện

Số hóa dữ liệu hộ tịch lịch sử thực hiện qua 05 giai đoạn:

- Giai đoạn 1 (năm 2020): Số hóa và cập nhật dữ liệu hộ tịch được đăng ký theo quy định của Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành từ ngày 01/01/2016 đến hết ngày 30/6/2017.

- Giai đoạn 2 (năm 2021): Số hóa và cập nhật dữ liệu hộ tịch được đăng ký theo quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch từ năm 2006 đến hết năm 2015.

- Giai đoạn 3 (năm 2022): Số hóa và cập nhật dữ liệu hộ tịch được đăng ký theo quy định của Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 của Chính phủ về đăng ký hộ tịch từ năm 1998 đến hết năm 2005.

- Giai đoạn 4 (năm 2023): Số hóa các sổ hộ tịch đã được đăng ký từ năm 1976 đến hết năm 1997.

- Giai đoạn 5 (năm 2023): Số hóa các sổ hộ tịch đã đăng ký từ năm 1975 trở về trước.

[...]