Kế hoạch 1245/KH-UBND năm 2015 về tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) trên địa bàn huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh

Số hiệu 1245/KH-UBND
Ngày ban hành 14/02/2015
Ngày có hiệu lực 14/02/2015
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Huyện Củ Chi
Người ký Lê Minh Tấn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
HUYỆN CỦ CHI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1245/KH-UBND

Củ Chi, ngày 14 tháng 02 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN ĐỐI VỚI DỰ THẢO BỘ LUẬT DÂN SỰ (SỬA ĐỔI) TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN CỦ CHI

Thực hiện Nghị quyết số 857/NQ-UBTVQH13 ngày 25 tháng 12 năm 2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi); Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 02 tháng 01 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi); Quyết định số 473/QĐ-UBND ngày 03 tháng 02 năm 2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi xây dựng Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) trên địa bàn huyện với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

a) Phổ biến, quán triệt sâu rộng đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của Nhân dân, tạo sự đồng thuận của Nhân dân trong việc góp ý vào nội dung dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), bảo đảm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của Nhân dân.

b) Tổ chức thực hiện hiệu quả việc triển khai lấy ý kiến Nhân dân với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp Nhân dân góp ý vào dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi). Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân phải được tiến hành rộng rãi, khoa học, công khai, bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm.

c) Xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ, thống nhất và hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị, các ngành và các xã, thị trấn trong các hoạt động triển khai tổ chức trong việc lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi).

2. Yêu cầu:

a) Việc triển khai thực hiện lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tầng lớp nhân dân góp ý vào Bộ luật dân sự (sửa đổi), bám sát các nội dung, yêu cầu. Đồng thời, quán triệt đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tiễn về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn huyện.

b) Trong quá trình triển khai thực hiện, phải xác định rõ trách nhiệm, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ; đảm bảo sự tham gia tích cực, sự phối hợp đồng bộ, có hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị, các ban, ngành, đoàn thể và các xã, thị trấn; giải quyết kịp thời các vướng mắc, phát sinh trong quá trình trin khai thực hiện;

c) Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND cấp xã, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc lấy ý kiến nhân dân đối với Bộ luật dân sự (sửa đổi).

d) Việc phổ biến, quán triệt tinh thần, nội dung, ý nghĩa của việc tổ chức triển khai lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) phải được coi là một nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên tập trung chỉ đạo thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, khoa học, công khai, dân chủ, chất lượng với các hình thức phù hợp.

II. NỘI DUNG, HÌNH THỨC, ĐỐI TƯỢNG VÀ THỜI GIAN

1. Nội dung lấy ý kiến

a) Lấy ý kiến về toàn bộ dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi). Trong đó, tập trung vào các vấn đề trọng tâm được xác định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Kế hoạch này.

b) Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị mình, tập trung lấy ý kiến sâu về những nội dung liên quan trực tiếp đến phạm vi, lĩnh vực hoạt động của ngành, địa phương mình và những vấn đề mà ngành, địa phương quan tâm như: Nội dung liên quan đến đặc thù phát triển kinh tế - xã hội, phong tục, tập quán.v.v….

2. Hình thức lấy ý kiến

Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) được lấy ý kiến thông qua các hình thức sau đây:

- Góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản;

- Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm;

- Thông qua chuyên mục trên Đài Truyền thanh huyện;

- Các hình thức phù hợp khác.

3. Đối tượng lấy ý kiến

Đối tượng lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) bao gồm: cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể từ huyện đến các xã, thị trấn và Nhân dân trên địa bàn huyện.

4. Thời gian tổ chức lấy ý kiến

Việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) của các cơ quan, ban ngành đoàn thể từ huyện đến các xã, thị trấn và nhân dân trên địa bàn huyện bắt đầu từ ngày ban hành Kế hoạch này và kết thúc ngày 05/4/2015.

Sau thời hạn trên các tổ chức, cá nhân nếu tiếp tục đóng góp ý kiến về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) thì gửi trực tiếp đến Sở Tư pháp thành phố trước ngày 10/4/2015 theo địa chỉ: 141-143 Pasteur, phường 6, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh (hoặc hộp thư điện tử: bttp.stp@tphcm.gov.vn) hoặc gửi đến Bộ Tư pháp, 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội hoặc qua hộp thư điện tử: boluatdansu@moj.gov.vn.

[...]