Kế hoạch 1240/KH-UBND năm 2023 thực hiện "Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050", trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

Số hiệu 1240/KH-UBND
Ngày ban hành 23/06/2023
Ngày có hiệu lực 23/06/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Đoàn Ngọc Lâm
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1240/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 23 tháng 6 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN “CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050”, TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

Thực hiện Quyết định số 296/QĐ-BNN-KHCN ngày 16/01/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng nhiệm vụ và giải pháp trong Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh.

- Xác định phát triển khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) là nhiệm vụ quan trọng tạo nền tảng, động lực cho phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh, dựa trên cơ sở nâng cao tiềm lực nghiên cứu và chuyển giao trong nước và tiếp thu thành tựu KHCN nước ngoài, chú trọng công nghệ nguồn, công nghệ lõi, thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ tư; coi trọng phát triển nguồn nhân lực, triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh để phát huy tối đa tài năng, tâm huyết của đội ngũ cán bộ KHCN nông nghiệp, các tổ chức KHCN công lập hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Đồng thời, thu hút các thành phần kinh tế tích cực tham gia phát triển KHCN và ĐMST phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

Các Sở, ban ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động, linh hoạt, tích cực triển khai kế hoạch theo chức năng nhiệm vụ được giao. Việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch đảm bảo tính khoa học, đồng bộ, hiệu quả; thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, giám sát, báo cáo, đánh giá tiến độ thực hiện; tổ chức sơ kết, tổng kết theo quy định.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển KHCN và ĐMST trở thành động lực quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại; xây dựng hệ thống các tổ chức KHCN ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có đủ tiềm lực và trình độ tạo ra các sản phẩm khoa học có giá trị cao, tiếp thu chọn lọc và làm chủ các công nghệ tiên tiến, chuyển giao ứng dụng, nhân rộng vào thực tiễn sản xuất; góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của nông dân, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

2. Mục tiêu cụ thể

- Nâng cao đóng góp của KHCN và ĐMST vào tăng trưởng kinh tế nông nghiệp thông qua các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KHCN của các tổ chức KHCN công lập và khu vực tư nhân. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng ngành nông nghiệp ở mức 50% trở lên.

- Nhân rộng quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trở lên đạt 40% trở lên.

- Tỷ lệ kết quả các nhiệm vụ KHCN có sản phẩm là giống cây trồng, vật nuôi, vật tư đầu vào, quy trình công nghệ, thiết bị, tiến bộ kỹ thuật,... được ứng dụng vào sản xuất đạt 90% vào năm 2025 và đạt trên 95% trở lên vào năm 2030.

- Khuyến khích các doanh nghiệp nông nghiệp sản xuất ứng dụng công nghệ cao (CNC) có sự hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tại các vùng sinh thái theo hướng bền vững: Xây dựng 2-3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC và hỗ trợ để có ít nhất 5-10 doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC; tỷ lệ Doanh nghiệp nông nghiệp có hoạt động ĐMST chiếm 60% vào năm 2025 và 85% vào năm 2030.

- Khuyến khích các doanh nghiệp nông nghiệp sản xuất ứng dụng công nghệ cao (CNC) có sự hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tại các vùng sinh thái theo hướng bền vững: Xây dựng 2-3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC và hỗ trợ để có ít nhất 5-10 doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC; tỷ lệ Doanh nghiệp nông nghiệp có hoạt động ĐMST chiếm 60% vào năm 2025 và 85% vào năm 2030.

III. NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KHCN VÀ ĐMST

1. Phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ

- Huy động, ưu tiên nguồn lực cho nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và ĐMST trong nông nghiệp. Đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật của các tổ chức KHCN công lập đủ điều kiện triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, tiếp nhận, trình diễn và chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới vào thực tiễn sản xuất.

- Chú trọng nâng cao công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ KHCN có tâm huyết, chuyên môn hóa cao trên các lĩnh vực trọng tâm của ngành. Triển khai thực hiện cơ chế chính sách thu hút nguồn lực cán bộ nghiên cứu chất lượng cao thông qua việc tạo môi trường làm việc minh bạch, sáng tạo.

- Tăng cường liên kết giữa tổ chức KHCN với doanh nghiệp trong việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ; phối hợp chặt chẽ công tác đào tạo - nghiên cứu - chuyển giao.

2. Nhiệm vụ trọng tâm theo các ngành, lĩnh vực

a) Lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật:

- Phối hợp với các Trường Đại học, Viện, Trung tâm,... nghiên cứu, chọn tạo và phát triển các giống lúa mới có năng suất, chất lượng, chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất thuận, sử dụng tiết kiệm nước và phân bón, đáp ứng các yêu cầu canh tác giảm phát thải khí nhà kính, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng địa phương trong tỉnh. Tiếp tục cải tiến giống các loại cây trồng chủ lực khác như ngô, lạc,...

- Phối hợp với các Trường Đại học, Viện, Trung tâm,... nghiên cứu, chọn tạo các giống cây công nghiệp, cây ăn quả, rau, hoa và dược liệu chủ lực có năng suất, chất lượng cao.

- Áp dụng công nghệ, quy trình kỹ thuật sản xuất theo hướng ứng dụng CNC, công nghệ số, sản xuất hữu cơ, tuần hoàn gắn với chuỗi giá trị cho các đối tượng cây trồng chủ lực, lợi thế của từng địa phương nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật hóa học, giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.

[...]