Kế hoạch 122/KH-UBND về nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đối với chỉ số thành phần “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” năm 2023 do tỉnh Bắc Giang ban hành

Số hiệu 122/KH-UBND
Ngày ban hành 03/07/2023
Ngày có hiệu lực 03/07/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Giang
Người ký Phan Thế Tuấn
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 122/KH-UBND

Bắc Giang, ngày 03 tháng 7 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

NÂNG CAO CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH (PCI) ĐỐI VỚI CÁC CHỈ SỐ THÀNH PHẦN “CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP” NĂM 2023

Thực hiện Kế hoạch số 21/KH-UBND ngày 11/5/2023 của UBND tỉnh về nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023; sau khi xem xét Tờ trình số 38TTr-SCT ngày 29/6/2023 của Sở Công Thương về việc đề nghị phê duyệt Kế hoạch nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đối với chỉ số thành phần được giao nhiệm vụ tại Kế hoạch số 21/KH-UBND ngày 11/5/2023 (Kế hoạch số 21/KH-UBND); Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đối với các chỉ số thành phần “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” năm 2023 với những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 21/KH-UBND, tập trung cải thiện, nâng cao chỉ số thành phần “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” năm 2023 mà đơn vị được giao nhiệm vụ đầu mối, chủ trì tham mưu thực hiện; góp phần cải thiện mạnh mẽ và thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh; tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của doanh nghiệp tỉnh; tạo động lực, sự đột phá và thu hút nhanh, hiệu quả nguồn lực đầu tư xã hội vào tỉnh;

- Duy trì điểm số chỉ số “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp”; nâng cao cải thiện điểm số chỉ số “Gia nhập thị trường”;

- Nâng cao nhận thức và hành động của công chức, viên chức, người lao động trong việc tham mưu thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nói chung và các chỉ số thành phần được giao đầu mối, chủ trì nói riêng.

2. Yêu cầu

- Bám sát các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 21/KH-UBND; xác định rõ nội dung công việc, thời hạn hoàn thành, biện pháp thực hiện, phân công rõ trách nhiệm; xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, đảm bảo việc phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch.

- Việc triển khai thực hiện Kế hoạch phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, có hiệu quả trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của đơn vị đầu mối, đơn vị chủ trì theo quy định, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, lĩnh vực của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, xác định đây là nhiệm vụ hàng đầu và trực tiếp chỉ đạo thực hiện.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nhiệm vụ được giao đầu mối và giải pháp thực hiện

1.1. Đơn vị đầu mối - Sở Công Thương

a) Nhiệm vụ: Nâng điểm Chỉ số thành phần 8 (CSTP8) “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” đạt trên 6,15 điểm.

b) Giải pháp thực hiện

- Sở Công Thương có nhiệm vụ đôn đốc, kiểm tra các sở, ngành, cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì[1] nâng điểm số các chỉ tiêu thành phần đảm bảo đúng tiến độ, mục tiêu đề ra; tổ chức hội nghị, cuộc họp với các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì để hướng dẫn, thảo luận, trao đổi phương pháp xây dựng kế hoạch nâng cao các chỉ số thành phần được giao nhiệm vụ đối với các đơn vị và đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện các chỉ số thành phần được giao nhiệm vụ;

- Thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện của các sở, ngành, cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì;

- Trên cơ sở báo cáo của các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì, Sở Công Thương có nhiệm vụ tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ đối với chỉ số thành phần báo cáo Chủ tịch UBND theo quý, năm.

1.2. Các cơ quan đơn vị phối hợp: Chi nhánh ngân hàng Nhà nước tỉnh Bắc Giang, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Các nhiệm vụ được giao chủ trì và giải pháp thực hiện

Chủ trì nâng điểm số các chỉ tiêu của chỉ số thành phần “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp”.

2.1. Sở Công Thương

a) Nhiệm vụ: Chủ trì nâng điểm số các chỉ tiêu 8.2. Thủ tục để được CQNN hỗ trợ tăng cường năng lực doanh nghiệp dễ thực hiện - trên hoặc bằng 71,6%; 8.5.Thủ tục để được miễn, giảm chi phí tư vấn thông tin thị trường khi sử dụng dịch vụ tư vấn thuộc mạng lưới tư vấn viên của cơ quan Nhà nước dễ thực hiện - trên hoặc bằng 70,0%; 8.8.Chất lượng cung cấp thông tin liên quan đến các FTA của các cơ quan Nhà nước địa phương đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp - trên hoặc bằng 38,5% ; 8.9. Vướng mắc trong thực hiện các văn bản thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) được cơ quan Nhà nước địa phương giải đáp hiệu quả - trên hoặc bằng 69,0%; 8.10. Tỷ lệ doanh nghiệp có biết đến các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội của các FTAs - trên hoặc bằng 22,9%; 8.11.Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá việc thực hiện thủ tục để hưởng hỗ trợ từ chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các FTAs là thuận lợi - trên hoặc bằng 70,0%; 8.12. Tỷ lệ nhà cung cấp dịch vụ trên tổng số doanh nghiệp - trên hoặc bằng 2,2%; 8.13. Tỷ lệ nhà cung cấp tư nhân và nước ngoài trên tổng số nhà cung cấp dịch vụ - trên hoặc bằng 92,0%.

b) Giải pháp thực hiện

- Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận các thông tin thị trường; xây dựng chuyên mục “Thông tin thị trường” trên Cổng thông tin điện tử của Sở để đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin của doanh nghiệp; công bố công khai đường dây nóng của cán bộ công chức phụ trách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể sử dụng phương thức trao đổi bằng điện thoại, zalo, email với doanh nghiệp nhằm hạn chế tiếp xúc, tiết kiệm thời gian, công sức cho doanh nghiệp trong quá trình nắm bắt thông tin thị trường. Duy trì và cập nhật thường xuyên Cơ sở dữ liệu về công nghiệp và thương mại trên nền Bản đồ số (GIS) dùng chung của tỉnh để các doanh nghiệp có nhu cầu khai thác thông tin;

- Phối hợp với các Bộ, đơn vị thuộc Bộ Công Thương, các thương vụ tại các nước cũng như các sở, ban, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin, phổ biến về hội nhập kinh tế quốc tế cũng như thông tin về thị trường xuất khẩu, các văn bản hướng dẫn về thực thi các FTA của các bộ, ngành nhiều hình thức khác nhau. Qua đó các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hiểu rõ hơn về các FTA thế hệ mới cũng như khai thác, tận dụng các ưu đãi, cơ hội mở rộng thị trường từ các cam kết trong FTA;

- Theo dõi nội dung và tiến trình thực hiện các Hiệp định thương mại tự do, các quy định của pháp luật trong nước cũng như thông lệ quốc tế, thường xuyên cập nhật thông tin về các tiêu chuẩn, quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi về thuế quan, tận dụng tốt cơ hội mà các FTA mang lại để tư vấn, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp. Lập nhóm Zalo với các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ thông tin, quy trình, thủ tục xuất, nhập khẩu, kịp thời tư vấn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp;

[...]