ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 120/KH-UBND
|
Bắc Giang, ngày
02 tháng 07 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
NÂNG CAO CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH (PCI) ĐỐI VỚI
CÁC CHỈ SỐ THÀNH PHẦN “CHI PHÍ KHÔNG CHÍNH THỨC” NĂM 2023
Căn cứ Kế hoạch số 21/KH-UBND
ngày 11/5/2023 của UBND tỉnh về nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
(PCI) năm 2023. Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động nâng cao Chỉ số
PCI đối với Chỉ số thành phần “Chi phí không chính thức” năm 2023, như
sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
- Cụ thể hóa nhiệm vụ được giao
tại Kế hoạch số 21/KH-UBND, tập trung triển khai kịp thời, đạt kết quả trong việc
cải thiện, nâng cao Chỉ số thành phần “Chi phí không chính thức” năm
2023 mà đơn vị được giao nhiệm vụ đầu mối, chủ trì tham mưu thực hiện; phối hợp
tốt với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố trong việc thực hiện các nhiệm
vụ chung để duy trì thứ hạng, điểm số đối với Chỉ số thành phần “Chi phí
không chính thức” trong Bộ chỉ số PCI của Bắc Giang năm 2023.
- Nâng cao tinh thần trách nhiệm
của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện nhiệm
vụ được giao; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động về tinh
thần phục vụ người dân và doanh nghiệp; không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng
điều hành, đẩy mạnh chuyển đổi số, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh
doanh, tạo động lực thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
2. Yêu cầu
- Bám sát các nhiệm vụ được
giao tại Kế hoạch số 21/KH-UBND; xác định rõ nội dung công việc, thời hạn hoàn
thành, biện pháp thực hiện, phân công rõ trách nhiệm; xây dựng cơ chế phối hợp
chặt chẽ, đảm bảo việc phối hợp hiệu quả, sát với thực tế; đề ra các giải pháp
cụ thể, rõ ràng, có tính đột phá, sáng tạo và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của
các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch
số 21/KH-UBND.
- Việc triển khai thực hiện Kế
hoạch số 21/KH-UBND phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, có hiệu quả
trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của đơn vị đầu mối, đơn vị chủ trì theo quy định,
gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, lĩnh vực của người đứng đầu
các cơ quan, đơn vị, xác định đây là nhiệm vụ hàng đầu và trực tiếp chỉ đạo thực
hiện.
II. NHIỆM VỤ
VÀ GIẢI PHÁP
1. Các nhiệm
vụ được giao đầu mối và giải pháp thực hiện
1.1. Đơn vị đầu mối - Thanh
tra tỉnh
a) Nhiệm vụ
Căn cứ các nhiệm vụ giao cụ thể
tại Kế hoạch số 21/KH-UBND, Thanh tra tỉnh có trách nhiệm triển khai, tổ chức
thực hiện Kế hoạch trên; đôn đốc, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của
các đơn vị được giao chủ trì duy trì và nâng điểm số các chỉ tiêu của Chỉ số
thành phần 5 “Chi phí không chính thức”. Mục tiêu đạt trên hoặc bằng
8,03 điểm trở lên, tăng 0,01 điểm so với năm 2022.
b) Giải pháp thực hiện
- Triển khai kịp thời các nhiệm
vụ đầu mối, chủ trì theo nội dung được giao tại Kế hoạch 21/KH-UBND; phối hợp tốt
với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố trong việc thực hiện các nhiệm vụ
chung để nâng cao thứ hạng PCI của tỉnh. Tham mưu công văn yêu cầu các đơn vị
chủ trì đề xuất các giải pháp duy trì thứ hạng, nâng điểm các Chỉ số thành phần
“Chi phí không chính thức”, Chỉ số PCI năm 2023.
- Thanh tra tỉnh có nhiệm vụ
đôn đốc, kiểm tra các sở, ngành, cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì nâng điểm số
các chỉ tiêu thành phần đảm bảo đúng tiến độ, mục tiêu đề ra; tham mưu tổ chức
hội nghị, cuộc họp với các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì để hướng
dẫn, thảo luận, trao đổi phương pháp xây dựng kế hoạch nâng cao các chỉ số
thành phần được giao nhiệm vụ đối với các đơn vị đầu tư và đưa ra các giải pháp
nhằm cải thiện các chỉ số thành phần được giao.
- Thường xuyên theo dõi, đôn đốc
các sở, ngành, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì triển khai và thực hiện có hiệu
quả các nội dung tại Kế hoạch số 21/KH- UBND; kịp thời báo cáo, xin ý kiến chỉ
đạo của Chủ tịch UBND tỉnh đối với các chỉ số thành phần trên.
- Trên cơ sở báo cáo của các
đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì, Thanh tra tỉnh có nhiệm vụ tổng hợp, xây dựng
báo cáo kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ đối với chỉ số thành phần mình được
giao phụ trách, báo cáo Chủ tịch UBND đối với các chỉ số thành phần đó theo
quý, năm.
1.2. Các cơ quan, đơn vị chủ
trì - phối hợp thực hiện
Các cơ quan, đơn vị phối hợp thực
hiện Chỉ số thành phần “Chi phí không chính thức” gồm 09 đơn vị: Thanh
tra tỉnh; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Công Thương; Công an tỉnh; Sở Tài nguyên và
Môi trường; Cục Quản lý thị trường tỉnh; Cục Thuế tỉnh; Sở Xây dựng và Tòa án
nhân dân tỉnh.
2. Các nhiệm
vụ được giao chủ trì và giải pháp thực hiện
Chủ trì nâng điểm số các chỉ
tiêu của Chỉ số thành phần “Chi phí không chính thức” theo nhiệm vụ được
giao tại Kế hoạch số 21/KH-UBND.
2.1. Thanh tra tỉnh
a) Nhiệm vụ: Thanh tra tỉnh
được giao chủ trì và có trách nhiệm duy trì, nâng điểm số các chỉ tiêu thuộc Chỉ
số thành phần 5 “Chi phí không chính thức”:
- Chỉ tiêu 5.1: “Các DN cùng
ngành thường phải trả thêm các khoản CPKCT” (% Đồng ý)*. Mục tiêu đạt dưới hoặc
bằng 29,5%;
- Chỉ tiêu 5.2: “Công việc đạt
được kết quả mong đợi sau khi trả CPKCT” (% thường xuyên hoặc luôn luôn). Mục
tiêu đạt trên hoặc bằng 73,5%;
- Chỉ tiêu 5.3: “Hiện tượng
nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN là phổ biến (% Đồng ý). Mục tiêu đạt
dưới hoặc bằng 47,5%;
- Chỉ tiêu 5.4: “Các khoản
CPKCT ở mức chấp nhận được” (% Đồng ý). Mục tiêu đạt trên hoặc bằng 93,5%;
- Chỉ tiêu 5.5: “Tỷ lệ DN có
chi trả CPKCT cho cán bộ thanh, kiểm tra ” (%). Mục tiêu đạt dưới hoặc bằng
6,9%;
- Chỉ tiêu 5.13: “Tỷ lệ DN phải
chi hơn 10% doanh thu cho các loại CPKCT (%). Mục tiêu đạt dưới hoặc bằng 2,5%;
- Chỉ tiêu 5.15: “Chi trả “hoa
hồng” là cần thiết để có cơ hội thắng thầu” (% Đồng ý). Mục tiêu đạt dưới hoặc
bằng 18,5%;
b) Giải pháp thực hiện
- Tổ chức quán triệt, triển
khai các nội dung, nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 21/KH-UBND và Kế hoạch
này đến toàn thể công chức, người lao động thông qua các cuộc họp cơ quan, họp
giao ban, họp chi bộ, nhóm zalo Thanh tra tỉnh; đăng tải Kế hoạch số 21/KH-UBND
và Kế hoạch này trên Cổng thông tin điện tử của Thanh tra.
- Chánh Thanh tra tỉnh chỉ đạo
toàn ngành Thanh tra thực hiện công khai Email, số điện thoại đường dây nóng để
tiếp nhận, phản ánh, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân; thường
xuyên nắm bắt thông tin phản hồi của người dân, doanh nghiệp trong việc tố cáo,
phản ảnh những hành vi tham nhũng, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trong thực
thi công vụ; nhằm ngăn chặn, xử lý, có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây khó
khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Coi việc
cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp
tỉnh (PCI) là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên và trực tiếp chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ
này.
- Rà soát kế hoạch thanh tra,
kiểm tra doanh nghiệp năm 2023, trong đó yêu cầu các cơ quan, đơn vị căn cứ
tình hình thực tế, khả năng triển khai thực hiện kế hoạch, tiến hành rà soát, đề
xuất điều chỉnh giảm các cuộc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp năm 2023; tham
mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định điều chỉnh giảm các cuộc thanh tra, kiểm
tra đối với các doanh nghiệp.
- Phối hợp với thủ trưởng các
cơ quan và các huyện, thành phố thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo
dục pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham
nhũng đến người dân và doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật;
chú trọng tuyên truyền các quy định mới, để các doanh nghiệp nắm được các quy định
của các văn bản pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh, quyền và nghĩa vụ của
cơ quan nhà nước và của doanh nghiệp để ngoài việc kiến nghị, đề xuất cơ quan
có thẩm quyền bảo vệ, doanh nghiệp còn tự bảo vệ mình trước các hành vi tiêu cực,
nhũng nhiễu. Đề nghị các các doanh nghiệp kiên quyết không “lót tay” cho cán bộ,
công chức, không chấp nhận chi những khoản chi phí “bôi trơn” để được hưởng những
lợi ích, những “ưu tiên” ngoài quy định của pháp luật.
- Tiếp tục triển khai các cuộc thanh
tra, kiểm tra theo Kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp đã được Chủ tịch
UBND tỉnh phê duyệt, đảm bảo nguyên tắc không thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/doanh
nghiệp/năm; phối hợp với Thủ trưởng các sở, ngành thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện,
thành phố và các ngành thuộc ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh (Cục
Thuế tỉnh; Chi cục Hải quan KCN; Bảo hiểm xã hội tỉnh; Công an tỉnh trừ lĩnh vực
PCCC thực hiện theo quy định của Luật PCCC năm 2014; Nghị định số 79/2014/NĐ-CP
ngày 31/7/2014 và Chỉ thị số 29/CT-TTG ngày 09/10/2018 của Thủ trướng Chính phủ);
trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp
hàng năm trên địa bàn tỉnh, đảm bảo không để xảy ra chồng chéo trong hoạt động
thanh tra, kiểm tra; công khai kế hoạch thanh tra đến các doanh nghiệp ngay từ
đầu năm; thực hiện nghiêm túc các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch được
phê duyệt; chỉ thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các doanh nghiệp khi có dấu
hiệu vi phạm rõ ràng; tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị
nghiêm túc trong việc thực thi nhiệm vụ, giảm thiểu tối đa các chi phí không
chính thức mà doanh nghiệp phải bỏ ra trong các cuộc thanh tra, kiểm tra.
- Quán triệt công chức, người
lao động cơ quan nghiêm túc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức,
viên chức theo quy định, thực hiện tốt Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của
Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng
nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
- Chủ động phối hợp với các
ngành, các cấp trong việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; có cơ chế kiểm
soát, ngăn ngừa cán bộ, công chức lợi dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu,
gây bức xúc cho doanh nghiệp; giải quyết kịp thời các yêu cầu, đề xuất, kiến
nghị của doanh nghiệp; đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm tạo lập môi trường đầu
tư “minh bạch, thông thoáng, năng động, thân thiện”. Lồng ghép quán triệt
các nội dung về nhiệm vụ, giải pháp duy trì và nâng hạng các Chỉ số thành phần
PCI được giao nhiệm vụ tại Kế hoạch số 21/KH-UBND trong các buổi họp của Đảng,
chính quyền.
- Lãnh đạo Thanh tra tỉnh, Trưởng
các phòng Nghiệp vụ phải đề cao hơn nữa trách nhiệm nêu gương và tăng cường
trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, tăng cường công tác phòng và chống
tham nhũng; kiểm tra việc thực hiện các quy định của nhà nước, tăng cường kỷ luật
kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thật sự
trong sạch, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu công tác. Nâng cao tinh thần trách nhiệm
trong công tác tham mưu, đề xuất thuộc lĩnh vực phụ trách hạn chế sự chồng
chéo, đùn đẩy, tạo cơ hội hình thành các tiêu cực, nhũng nhiễu. Thường xuyên thực
hiện việc rà soát lại đội ngũ cán bộ, công chức kịp thời phát hiện và thay thế
những người kém phẩm chất, yếu năng lực, có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn
cho doanh nghiệp.
- Tăng cường công tác kiểm tra,
giám sát của Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước, của Thanh tra tỉnh trong hoạt
động thanh tra, kiểm tra; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch
thanh tra của các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh và các huyện, thành phố; kiên quyết
xử lý nghiêm cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định
về công tác phòng chống tham nhũng và các quy định về đạo đức công vụ, quy định
của ngành Thanh tra.
c) Cơ quan, đơn vị phối hợp:
Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố.
2.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Nhiệm vụ: Chủ trì
nâng điểm số Chỉ tiêu 5.6: “Tỷ lệ DN chi trả chi phí không chính thức khi thực
hiện các thủ tục đăng ký doanh nghiệp/sửa đổi đăng ký doanh nghiệp”. Mục tiêu đạt
dưới hoặc bằng 6,0%.
b) Giải pháp thực hiện
2.1. Nhóm giải pháp về cải cách
thủ tục hành chính:
(1) Thường xuyên cập nhật, hệ
thống hoá, biên tập thủ tục hành chính đang còn hiệu lực thi hành thuộc thẩm
quyền giải quyết niêm yết công khai đồng thời bản giấy, tra cứu điện tử, tạo mã
QRcode tra cứu TTHC tại Bộ phận “Một cửa” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công
tỉnh; niêm yết công khai bản điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh
và Cổng thông tin của Sở.
(2) Mẫu hoá các TTHC thường
xuyên phát sinh thuộc lĩnh vực thành lập và hoạt động của doanh nghiệp.
(3) Đa dạng các hình thức tuyên
truyền, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh việc việc thực hiện thủ tục
hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và nhận kết quả qua đường bưu điện; đảm
bảo tỷ lệ hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt trên 90% tổng
số hồ sơ tiếp nhận giải quyết.
- Biên tập tài liệu hướng dẫn,
video clip hướng dẫn thực hiện đăng ký doanh nghiệp trực tuyến đăng tải trên Cổng
thông tin của Sở, trên Youtube, phát video hướng dẫn tại Trung tâm Phục vụ hành
chính công tỉnh;
- Công khai số điện thoại,
email hỗ trợ doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến;
- Đưa nội dung tuyên truyền, hướng
dẫn doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư trực tuyến lồng
ghép cùng các chương trình đào tạo khởi sự doanh nghiệp;
- Tiếp tục hỗ trợ 100% chi phí
gửi kết quả giải quyết TTHC qua đường bưu điện giúp cắt giảm tối đa chi phí thời
gian, chi phí tuân thủ TTHC cho người dân, doanh nghiệp.
- Phối hợp với Sở Thông tin và
Truyền thông để tuyên truyền trên Đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn về
một số nội dung liên quan đến đăng ký doanh nghiệp.
2.2. Nhóm giải pháp về chỉ đạo
điều hành, cơ chế kiểm tra giám sát đối với cán bộ công chức, viên chức trong
thực thi công vụ
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm
của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phòng chuyên
môn thực hiện giải quyết thủ tục hành chính. Người đứng đầu đơn vị phải ý thức
sâu sắc vai trò tiên phong trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, không
ngừng đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, tạo niềm
tin của doanh nghiệp vào sự chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước, tạo dựng
hình ảnh chính quyền năng động, thân thiện.
- Lãnh đạo cơ quan, đơn vị thường
xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ được giao, tạo chuyển biến mạnh mẽ
trong thực thi công vụ; năng động, gương mẫu thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ
được giao; chịu trách nhiệm nếu cán bộ thuộc quyền quản lý gây khó khăn phiền
hà, nhũng nhiễu.
- Tuyên truyền, phổ biến các
kênh thông tin tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp trên
Cổng dịch vụ công của tỉnh, cổng dịch vụ công quốc gia, cổng thông tin của Sở,
qua Zalo hỗ trợ DN-HTX tỉnh BG, qua báo đài, hiệp hội doanh nghiệp, ...
- Tuyên tuyền trách nhiệm người
dân không bỏ chi phí không chính thức, không “phong bì” cho công chức và người
môi giới...
- Tuyên truyền giới thiệu người
dân, doanh nghiệp về “Hệ thống thông tin phản ánh hiện trường” qua website (https://pakn.bacgiang.gov.vn)
và ứng dụng Zalo (https://zalo.me/paknbg) để người dân, doanh nghiệp nắm
bắt được cách thức thực hiện, kịp thời phản ánh những phiền hà, nhũng nhiễu khi
thực hiện thủ tục hành chính.
c) Cơ quan, đơn vị phối hợp:
Sở Thông tin và Truyền thông, Thanh tra tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính
công tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, Báo Bắc
Giang, Đài PTTH tỉnh.
2.3. Sở Công Thương
a) Nhiệm vụ: Chủ trì
nâng điểm số Chỉ tiêu 5.7: “Tỷ lệ doanh nghiệp chi trả chi phí không chính thức
khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện”. Mục tiêu
đạt dưới hoặc bằng 7,5%.
b) Giải pháp thực hiện
Sở Công Thương đã thực hiện công
khai Email, số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản hồi của
người dân, doanh nghiệp trong việc tố cáo, phản ánh những hành vi tham nhũng,
nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; công khai kế hoạch
thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; không thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/doanh
nghiệp/năm và không để xảy ra chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra;
thực hiện nghiêm túc các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch được phê duyệt;
chỉ thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các doanh nghiệp khi có dấu hiệu vi phạm
rõ ràng; thực hiện tốt việc giám sát các cuộc thanh tra, kiểm tra.
Phối hợp với Trung tâm Phục vụ
Hành chính công tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát cán bộ công chức, viên chức
trong việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính khi thực thi công vụ, tiếp
xúc với người dân và doanh nghiệp. Lựa chọn, bố trí cán bộ trực tại bộ phận một
cửa là những cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực kinh nghiệm, có kỹ
năng giao tiếp tốt.
Tiếp tục thực hiện công khai
100% thông tin, tài liệu (trừ tài liệu mật) với các nội dung về kế hoạch phát
triển kinh tế - xã hội ngành Công Thương, quy hoạch cụm công nghiệp và các văn
bản quy phạm pháp luật; các TTHC, chủ trương, định hướng thu hút đầu tư, các
chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp và một số lĩnh vực
kinh doanh có điều kiện thuộc ngành Công Thương; các thông tin khác mà cơ quan
nhà nước có trách nhiệm phải cung cấp theo quy định pháp luật tới các doanh
nghiệp, nhà đầu tư khi họ có yêu cầu. Kịp thời tiếp nhận và tháo gỡ khó khăn,
vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư lĩnh vực kinh doanh có điều kiện như
xăng dầu, khí dầu mỏ hoá lỏng, hoá chất,...
c) Cơ quan, đơn vị phối hợp:
Các sở: Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và PTNT, Y tế, Văn
hóa, Thể thao và Du lịch, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải, Kế
hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh.
2.4. Công an tỉnh
a) Nhiệm vụ: Chủ trì
nâng điểm số Chỉ tiêu 5.8: “Tỷ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức cho
cán bộ thanh, kiểm tra phòng cháy, chữa cháy”. Mục tiêu đạt dưới hoặc bằng
32,5%.
b) Giải pháp thực hiện
- Thực hiện tốt công tác quán
triệt, kiểm tra cán bộ chiến sĩ chấp hành nghiêm Điều lệnh Công an nhân dân, kỷ
cương hành chính, giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong, tinh thần, thái độ phục
vụ khi tiếp xúc với doanh nghiệp, người dân theo phương châm 4 xin, 4 luôn,
5 không1; lựa chọn, bố trí cán bộ có trình độ,
năng lực để thực hiện nhiệm vụ tại Bộ phận tiếp nhận, trả kết quả giải quyết
TTHC các cấp.
- Quán triệt, yêu cầu các đơn vị
khi tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp phải có
chương trình, kế hoạch rõ ràng; tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, chỉ
đạo của UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh và hạn chế thấp nhất việc ảnh hưởng tới
hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (quá trình kiểm tra, hướng dẫn
có tiến hành phát phiếu khảo sát lấy ý kiến doanh nghiệp). Nghiêm cấm cán bộ
chiến sỹ có hành vi gây khó khăn, phiền hà, nhũng nhiễu với doanh nghiệp, người
dân.
- Triển khai các biện pháp nhằm
phòng ngừa sai phạm của cán bộ, chiến sĩ, nhất là đối với cán bộ trực tiếp làm
công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn và tiếp nhận giải quyết TTHC với doanh
nghiệp như: (1) Tổ chức quán triệt, kiểm tra việc chấp hành nghiêm Điều lệnh
Công an nhân dân, kỷ cương hành chính, tư thế, lễ tiết, tác phong, tinh thần,
thái độ phục vụ khi tiếp xúc với doanh nghiệp, người dân của cán bộ, chiến sĩ;
(2) Triển khai phiếu khảo sát ý kiến đối với doanh nghiệp được kiểm tra, hướng
dẫn, làm việc; (3) Niêm yết, công khai số điện thoại đường dây nóng, số điện
thoại tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về tham nhũng tiêu cực tại trụ sở làm việc,
trên Trang Thông tin điện tử tổng hợp Công an tỉnh, Trang Zalo Công an tỉnh,
Công an cấp huyện, xã. (4) Tiếp tục triển khai hệ thống camera giám sát, thiết
bị đo lường khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đến giải quyết TTHC,
quét mã QR tại nơi tiếp nhận, trả kết quả TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của
Công an tỉnh. (5) Tiếp tục duy trì hoạt động Tổ tiếp nhận, xử lý thông tin, phản
ánh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư về khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu
tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; tổ chức trực ban 24/24h để tiếp nhận,
xử lý thông tin phản ánh qua đường dây nóng thông tin phản ánh hiện tượng tiêu
cực, tham nhũng của cán bộ, chiến sĩ trong Công an tỉnh hoặc thông tin phản ánh
trên các trang mạng xã hội về hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, chiến
sĩ Công an.
c) Cơ quan, đơn vị phối hợp:
Thanh tra tỉnh, UBND huyện, thành phố.
2.5. Sở Tài nguyên và Môi
trường
a) Nhiệm vụ
- Chủ trì nâng điểm số Chỉ tiêu
5.9: Tỷ lệ doanh nghiệp chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra,
kiểm tra môi trường. Mục tiêu đạt dưới hoặc bằng 13,5%;
- Chỉ tiêu 5.14: Tỷ lệ doanh
nghiệp chi trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh việc thực hiện thủ tục đất
đai. Mục tiêu đạt dưới hoặc bằng 21,5%.
b) Giải pháp thực hiện
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền,
phổ biến pháp luật về đất đai; thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và
phòng, chống tham nhũng đến doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp tự bảo vệ mình
trước các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu.
Xây dựng Kế hoạch thanh tra, kiểm
tra có trọng tâm, trọng điểm; thường xuyên quán triệt tới đội ngũ thực hiện
công tác thanh tra phải tuân thủ nghiêm túc các quy định trong hoạt động thanh
tra.
Tiếp tục thực hiện cải cách thủ
tục hành chính (TTHC), rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục có thể rút ngắn được.
Tăng cường công khai Bộ TTHC trên Trang thông tin điện tử của Sở và các hình thức
khác để doanh nghiệp nắm rõ quy định về thành phần hồ sơ, quy trình, thời hạn…
giải quyết TTHC.
- Nâng cao trách nhiệm và trình
độ chuyên môn của công chức một cửa, kiểm tra sơ bộ hồ sơ ngay từ khi tiếp nhận
(thành phần hồ sơ đảm bảo đầy đủ, hợp lệ) nhằm góp phần giảm thiểu số hồ sơ bị
trả lại hoặc phải yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung.
c) Cơ quan, đơn vị phối hợp:
Thanh tra tỉnh, UBND các huyện, thành phố.
2.6. Cục Quản lý thị trường
tỉnh
a) Nhiệm vụ: Chủ trì
nâng điểm số Chỉ tiêu 5.10: Tỷ lệ doanh nghiệp chi trả chi phí không chính thức
cho cán bộ quản lý thị trường. Mục tiêu đạt dưới hoặc bằng 22,0%.
b) Giải pháp thực hiện
- Chỉ đạo, triển khai đến toàn
thể công chức, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản của Đảng, Nhà nước,
Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trọng tâm là:
Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày
01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật
Phòng chống, tham nhũng; Nghị định số 134/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính
phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP.
- Quán triệt công chức, đặc biệt
là những công chức trực tiếp làm việc kiểm tra, kiểm soát thị trường với các tổ
chức, cá nhân, nghiêm túc chấp hành kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ theo
tinh thần chỉ đạo của tỉnh và Chỉ thị số 13/CT- BCT ngày 29/12/2021 của Bộ Công
Thương về tăng cường kỷ luật, kỷ cương nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công
vụ của lực lượng Quản lý thị trường.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát
công chức trong quá trình thực thi công vụ để kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn
chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà doanh nghiệp của một bộ
phận công chức, trong lĩnh vực kiểm tra, kiểm soát thị trường.
c) Cơ quan, đơn vị phối hợp:
Thanh tra tỉnh, UBND các huyện, thành phố.
2.7. Cục Thuế tỉnh
a) Nhiệm vụ: Chủ trì
nâng điểm số Chỉ tiêu 5.11: “Tỷ lệ doanh nghiệp chi trả chi phí không chính thức
cho cán bộ thanh, kiểm tra thuế”. Mục tiêu đạt dưới hoặc bằng 21,0%.
b) Giải pháp thực hiện
- Thường xuyên chấn chỉnh, quán
triệt nâng cao ý thức, trách nhiệm đội ngũ công chức nói chung và công chức làm
công tác thanh tra, kiểm tra thuế nói riêng, xác định đây là một trong những
nhiệm vụ trọng tâm bởi đội ngũ công chức làm công tác thanh, kiểm tra tiếp xúc
nhiều nhất với doanh nghiệp và đây cũng là lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực nhất;
nghiêm cấm các hành vi vòi vĩnh, nói với doanh nghiệp không đúng chính sách để
doanh nghiệp phải nhờ vả, đặt điều kiện.
- Thực hiện nghiêm túc Luật Quản
lý thuế và các quy trình nghiệp vụ của ngành, công tác phòng chống tham nhũng,
lãng phí. Đẩy mạnh phương pháp thực thi công vụ của cán bộ công chức, thực sự lấy
người nộp thuế là trung tâm để phục vụ, thực thi công vụ đúng mực. Định kỳ thực
hiện việc rà soát, đánh giá năng lực, trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ
công chức để thực hiện điều động, luân chuyển, đặc biệt là đội ngũ công chức
thường xuyên tiếp xúc với người nộp thuế; xây dựng cơ chế giám sát hiệu quả, thực
hiện luân chuyển ngay và xử lý nghiêm đối với công chức có thái độ, hành vi gây
khó khăn, tiêu cực khi thực hiện giải quyết thủ tục hành chính từ đó lựa chọn
công chức phù hợp, đủ năng lực, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp để thực hiện
công tác thanh tra, kiểm tra thuế/bộ phận một cửa.
- Tăng cường tính kịp thời và
hiệu quả trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thanh tra, kiểm
tra. Luôn đổi mới phương pháp và kỹ năng thanh tra, kiểm tra thuế; triển khai
các chương trình, biện pháp phù hợp với từng đối tượng, nhóm đối tượng, theo
lĩnh vực, theo chuyên ngành. Phối hợp với các đơn vị trong việc rà soát lập kế
hoạch tránh việc trùng lặp, chồng chéo đảm bảo thanh tra, kiểm tra không quá 01
lần/năm; rút ngắn nhất thời gian, không làm cản trở hoạt động bình thường của
doanh nghiệp. Tăng cường phát huy vai trò giám sát các cuộc thanh tra, kiểm tra
đối với công chức được phân công nhiệm vụ giám sát; lãnh đạo đơn vị phải thường
xuyên trao đổi, kịp thời nắm bắt, tiếp nhận những ý kiến, phản ánh của doanh
nghiệp về hoạt động của Đoàn thanh tra, kiểm tra trong quá trình làm việc trực
tiếp tại doanh nghiệp.
- Đa dạng kênh thông tin kịp thời
tiếp nhận ý kiến phản ánh từ người nộp thuế liên quan đến hành vi tiêu cực của
công chức. Đề cao vai trò người đứng đầu trong việc xử lý nghiêm minh những dấu
hiệu, hiện tượng cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật, kỷ cương, vi phạm phát ngôn
trong thực thi công vụ.
- Đẩy mạnh việc kiểm tra hồ sơ
khai thuế tại trụ sở cơ quan Thuế, kịp thời phát hiện những sai sót để hướng dẫn
điều chỉnh, đồng thời xử lý nghiêm các sai phạm về kê khai thuế; đẩy mạnh và
nâng cao chất lượng việc thực hiện phân tích rủi ro, đánh giá những rủi ro trọng
yếu để thực hiện thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, giảm thời gian
làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp. Xây dựng đạo đức văn hóa theo hướng phục vụ
người nộp thuế đối với cán bộ công chức ngành thuế.
c) Cơ quan, đơn vị phối hợp:
Thanh tra tỉnh, UBND các huyện, thành phố.
2.8. Sở Xây dựng
a) Nhiệm vụ: Chủ trì
nâng điểm số chỉ tiêu “Tỷ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức cho cán bộ
thanh, kiểm tra xây dựng”. Mục tiêu đạt dưới hoặc bằng 58%.
b) Giải pháp thực hiện
* Giải pháp chung: Thực hiện đầy
đủ 07 nhóm giải pháp tại mục III, Kế hoạch số 21/KH-UBND.
* Giải pháp cụ thể:
- Tăng cường tuyên truyền, phổ
biến, hướng dẫn quy định pháp luật, cho 02 nhóm đối tượng cụ thể:
+ Nhóm đối tượng là cán bộ,
công chức, viên chức, thanh tra được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra có liên
quan đến lĩnh vực xây dựng và doanh nghiệp tham gia hoạt động xây dựng: Tăng cường
công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định pháp luật về xây dựng,
về công tác thanh tra, kiểm tra; về mục đích phòng ngừa vi phạm, giúp cơ quan,
tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; nâng cao nhận thức,
trình độ chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ; tuyên truyền, giáo dục để cán bộ,
công chức, viên chức, thanh tra nâng cao vai trò, trách nhiệm, đạo đức công vụ,
nghiêm túc trong thực thi nhiệm vụ, nghiêm cấm việc nhận quà, chi phí của doanh
nghiệp dưới mọi hình thức khi thanh tra, kiểm tra liên quan đến xây dựng.
+ Nhóm đối tượng là người dân,
doanh nghiệp: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật
về xây dựng, về công tác thanh tra, kiểm tra; về mục đích hoạt động thanh tra,
kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tạo môi trường đầu
tư, kinh doanh bình đẳng, tuân thủ pháp luật; chú trọng tuyên truyền quy định về
quyền và nghĩa vụ của cơ quan nhà nước và của doanh nghiệp trong thanh tra, kiểm
tra để ngoài việc kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền bảo vệ, doanh nghiệp
còn tự bảo vệ mình trước các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu; doanh nghiệp không
“lót tay” cho cán bộ, công chức, thanh tra, kiểm tra, không chấp nhận chi những
khoản chi phí “bôi trơn” để được hưởng những lợi ích, những “ưu tiên” ngoài quy
định của pháp luật.
- Việc xây dựng kế hoạch và tiến
hành thanh tra, kiểm tra liên quan lĩnh vực xây dựng
+ Tăng cường việc ứng dụng công
nghệ thông tin trong việc xây dựng, quản lý thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm
tra hàng năm đối với doanh nghiệp (chỉ thanh tra, kiểm tra khi xác định
doanh nghiệp tiềm ẩn sai sót, vi phạm cao); đối với xây dựng kế hoạch thanh
tra, kiểm tra doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực xây dựng đảm bảo nguyên tắc
không thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/doanh nghiệp/năm; phối hợp với Thanh tra tỉnh
rà soát, xử lý tốt việc chồng chéo trước khi trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt,
đảm bảo kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hàng năm trên địa bàn tỉnh
không để xảy ra chồng chéo; công khai, gửi kế hoạch thanh tra, kiểm tra đến các
doanh nghiệp ngay từ đầu năm; thực hiện nghiêm túc các cuộc thanh tra, kiểm tra
theo kế hoạch được phê duyệt; chỉ thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các
doanh nghiệp khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.
+ Đối với kiểm tra trật tự xây
dựng: Cơ quan chủ trì kiểm tra thực hiện nghiêm quy trình kiểm tra theo quy định
tại Quyết định số 65/2021/QĐ -UBND ngày 29/11/2021 của UBND tỉnh đảm bảo công
khai, minh bạch, khách quan; tăng cường công tác theo dõi thường xuyên, nắm
tình hình, chỉ kiểm tra đột xuất đối với các doanh nghiệp khi có dấu hiệu vi phạm
rõ ràng.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát
đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra liên quan lĩnh vực xây dựng
Tăng cường công tác kiểm tra,
giám sát của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước, của Sở Xây dựng và Chủ tịch
UBND các huyện, thành phố trong hoạt động thanh tra, kiểm tra liên quan lĩnh vực
xây dựng; phân công nhiệm vụ gắn với trách nhiệm của Trưởng đoàn (hoặc người chủ
trì) và các thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra khi để xảy ra hành vi tiêu cực,
vi phạm pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm cán bộ,
công chức, viên chức, thanh tra có hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, tham
nhũng, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện ngay việc
điều chuyển, phân công, bố trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức,
thanh tra có dư luận xấu trong quá trình thực thi công vụ; xử lý nghiêm những
cán bộ, công chức, viên chức, thanh tra lợi dụng vị trí việc làm nhũng nhiễu, tự
ý đặt ra các khoản thu không chính thức, gây khó khăn trong thanh tra, kiểm tra
lĩnh vực xây dựng đối với người dân, doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện hành vi
vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý, không
xử lý hành chính.
- Tăng cường tiếp xúc, đối thoại
doanh nghiệp và tiếp nhận, kiểm tra, xử lý các phản ánh, kiến nghị của doanh
nghiệp
Hàng năm tổ chức tối thiểu 01 hội
nghị tiếp xúc, đối thoại của đơn vị mình với các doanh nghiệp để nắm bắt, tiếp
thu thông tin, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp; thực hiện công khai
Email, số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người
dân, doanh nghiệp về những hành vi tham nhũng, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức,
viên chức, thanh tra trong thực thi nhiệm vụ; nhằm ngăn chặn, xử lý có hiệu quả
tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong quá
trình thanh tra, kiểm tra, giải quyết công việc.
c) Cơ quan, đơn vị phối hợp:
Các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành (Giao thông vận tải, Công
Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); các Sở, ngành có thanh tra, kiểm
tra liên quan đến lĩnh vực xây dựng (Thanh tra tỉnh, Kế hoạch và Đầu tư, Tài
chính, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh); UBND các huyện,
thành phố.
2.9. Toà án nhân dân tỉnh
a) Nhiệm vụ: Chủ trì
nâng điểm số chỉ tiêu 5.16: “Có tranh chấp song không lựa chọn Tòa án để giải
quyết do lo ngại tình trạng “chạy án” là phổ biến” (%). Mục tiêu năm 2023 đạt
dưới hoặc bằng 16.5%.
b) Giải pháp thực hiện
- Tiếp tục tổ chức nghiên cứu, quán
triệt tới toàn thể cán bộ, công chức, người lao động về vai trò, mục đích và ý
nghĩa của việc nâng điểm các chỉ số thành phần Chi phí không chính thức và cải
thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) (Trọng
tâm là Nghị quyết số 105-NQ/TU của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 21/KH-UBND ngày
11/5/2023 của UBND tỉnh).
Xác định rõ hơn nữa vai trò,
trách nhiệm của người đứng đầu và công chức ngành Tòa án trong thực hiện nhiệm
vụ nâng điểm chỉ số thành phần Chi phí không chính thức và cải thiện môi trường
đầu tư kinh doanh của tỉnh; góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín, vị thế của Tòa
án nhân dân.
- Tăng cường rà soát, nghiên cứu,
cải cách thủ tục hành chính, cải cách thủ tục tư pháp trong hệ thống Toà án
nhân dân nhằm tạo thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp dễ dàng thực hiện
các loại thủ tục; giúp giảm bớt thời gian, công sức và chi phí đi lại. Soạn thảo
các hướng dẫn chi tiết, chu đáo thông qua các biểu mẫu có sẵn thông tin để
đương sự, doanh nghiệp tham khảo, có in sẵn số điện thoại, Zalo, thư điện tử của
lãnh đạo đơn vị và cán bộ trực tiếp giải quyết; thực hiện hướng dẫn đương sự,
doanh nghiệp qua mạng xã hội …
- Đẩy mạnh công tác thông tin,
tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử, Báo Bắc Giang, Báo Công lý và các
phương tiện truyền thông nhằm công khai, minh bạch các các thủ tục hành chính,
thủ tục tư pháp, các thông tin cần thiết đối với doanh nghiệp. Phối hợp với Ban
Quản lý các Khu công nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch
- Đầu tư, UBND các huyện, thành phố trong việc triển khai các hoạt động liên
quan đến doanh nghiệp. Nghiên cứu, đề xuất thiết lập đường dây nóng, Zalopage
Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang để tăng cường tiếp nhận và cung cấp thông tin
liên quan đến công tác Tòa án; tích cực triển khai các giải pháp, biện pháp cụ
thể, thiết thực và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân; có tính
đột phá, sáng tạo, đổi mới, tạo ra những thay đổi nhằm cải thiện các chỉ số
thành phần PCI năm 2023 “Chi phí không chính thức”. Phân công nhiệm vụ rõ người,
rõ việc, rõ kết quả, rõ trách nhiệm. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin
trong hoạt động của Tòa án nhân dân để rút ngắn thời gian giải quyết các vụ việc,
vụ án.
- Nâng cao chất lượng công tác
giải quyết, xét xử các loại vụ việc, vụ án, tập trung cao, rút ngắn thời gian
trong tất cả các khâu liên quan đến tiếp nhận đơn, thụ lý và giải quyết án kinh
doanh thương mại. Đảm bảo các phán quyết của Toà án đúng pháp luật, đảm bảo
công lý, công bằng để cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng, sẵn sàng sử dụng Tòa án
để giải quyết các tranh chấp; tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành các phán quyết
của Tòa án. Xây dựng mới và thực hiện tốt các quy chế phối hợp, kiểm tra chéo
nhằm tạo niềm tin của doanh nghiệp vào pháp luật.
- Tiếp tục triển khai thực hiện
nghiêm túc việc “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí
Minh”. Xây dựng phong cách làm việc, giao tiếp, ứng xử chuyên nghiệp của đội
ngũ cán bộ, công chức đối với người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh việc thực hiện
phong trào thi đua theo chủ đề xuyên suốt “Phụng công, thủ pháp, chí công,
vô tư”, với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” và chủ đề “Trách
nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý”. Tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực,
nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp; không để xảy ra tình trạng doanh
nghiệp phải chi phí không chính thức khi lựa chọn Tòa án là cơ quan giải quyết
tranh chấp. Đẩy nhanh công tác giải quyết các khiếu nại, tố cáo của doanh nghiệp
(nếu có) theo đúng quy định của pháp luật. Khi có đơn thư, dư luận, phản ánh,
các đơn vị phải tiến hành kiểm điểm, xử lý nghiêm sai phạm (nếu có). Người đứng
đầu các đơn vị phải liên đới chịu trách nhiệm về sai phạm của cấp dưới. Đồng thời
động viên, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
c) Cơ quan, đơn vị phối hợp:
UBND các huyện, thành phố.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn
vị được giao nhiệm vụ nâng điểm số đối với chỉ số, chỉ tiêu của chỉ số thành phần
“Chi phí không chính thức” phải chủ động lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát,
triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại phần II tại Kế hoạch
này. Quán triệt, triển khai Kế hoạch này đến toàn thể công chức, viên chức, người
lao động trong cơ quan, đơn vị theo hình thức phù hợp, đảm bảo hiệu quả; đồng
thời chủ động tham mưu, đề xuất thực hiện các nhiệm vụ được giao đảm bảo chất
lượng, tiến độ theo yêu cầu. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết
quả thực hiện nhiệm vụ được phân công. Kết quả thực hiện Kế hoạch này là một
trong những tiêu chí để xem xét, đánh giá, chấm điểm, xếp loại người đứng đầu
các sở, ngành năm 2023.
2. Giao Thanh tra tỉnh (đơn vị
đầu mối) tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị được giao
chủ trì, tham mưu, xây dựng báo cáo kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ đối với
chỉ số thành phần trên gửi Chủ tịch theo quý, năm (trước ngày 10 của tháng đầu
tiên quý tiếp theo và trước ngày 10 tháng 12 hàng năm).
3. Các cơ quan, đơn vị được
giao nhiệm chủ trì có trách nhiệm nghiên cứu nội dung Kế hoạch này, chủ động
trong việc phối hợp triển khai thực hiện theo nhiệm vụ được phân công; tổng hợp,
xây dựng báo cáo kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ đối với chỉ tiêu thành
phần mình được giao phụ trách gửi đơn vị được giao nhiệm vụ đầu mối hàng quý,
năm (báo cáo gửi trước ngày 02 của tháng đầu tiên quý tiếp theo và báo cáo
năm trước ngày 02/12/2023) theo chỉ đạo và các chế độ báo cáo khác theo yêu
cầu./.
Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh (b/c);
- Các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh;
- Các cơ quan TW trên địa bàn tỉnh;
- UBND huyện, thành phố;
- VP UBND tỉnh:
+ LĐVP, TH, KTN;
+ TT PVHCC, HCTC (t/k);
+ Lưu :VT, NC-KSTTHC.
|
CHỦ TỊCH
Lê Ánh Dương
|
1 (4 xin: Xin chào, Xin lỗi, Xin cảm ơn,
Xin phép. 4 luôn: Luôn mỉm cười, Luôn nhẹ nhàng, Luôn lắng nghe; Luôn giúp đỡ.
5 không: Không cửa quyền hách dịch, khó khăn, phiền hà; Không quan liêu, vô cảm,
vô trách nhiệm; Không tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm; Không xu nịnh, chạy
chọt, gian dối; Không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ).