Thứ 4, Ngày 06/11/2024

Kế hoạch 122/KH-UBND năm 2012 thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật tỉnh Hà Giang giai đoạn 2012-2020

Số hiệu 122/KH-UBND
Ngày ban hành 14/09/2012
Ngày có hiệu lực 14/09/2012
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Đàm Văn Bông
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 122/KH-UBND

Hà Giang, ngày 14 tháng 09 năm 2012

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TRỢ GIÚP NGƯỜI KHUYẾT TẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2012 - 2020

Thực hiện Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 05/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Hà Giang xây dựng Kế hoạch trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2012-2020, cụ thể như sau:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN TRỢ GIÚP NGƯỜI TÀN TẬT GIAI ĐOẠN 2006-2011

1. Thực trạng người tàn tật trên địa bàn tỉnh

Theo số liệu điều tra về người tàn tật trên địa bàn toàn tỉnh Hà Giang có 8.547 đối tượng, trong đó có 1.192 người tàn tật là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, 3.314 trẻ em. Tập trung chủ yếu ở các dạng tật như vận động, thị giác, thính giác, ngôn ngữ, thần kinh, thiểu năng trí tuệ... Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tàn tật là do bẩm sinh, bệnh tật, hậu quả của chiến tranh và tai nạn giao thông, kết hôn cận huyết, tai nạn lao động, di truyền... Đời sống của người tàn tật trên địa bàn tỉnh còn khó khăn, 90% số người tàn tật là người dân tộc thiểu số, 90% số người tàn tật sống ở nông thôn và có 31.58% số người tàn tật sống trong hộ nghèo, ít có điều kiện tiếp xúc với thông tin, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Trình độ học vấn của người tàn tật rất thấp, có khoảng 20% số người tàn tật từ 6 tuổi trở lên biết chữ, khoảng dưới 10% tốt nghiệp phổ thông cơ sở, hầu hết người tàn tật không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, tỷ lệ người tàn tật có việc làm và tham gia làm việc của tỉnh Hà Giang thấp, số người có việc làm chủ yếu thuộc khu vực nông thôn, có thu nhập rất thấp, đa phần dưới mức lương tối thiểu.

2. Kết quả thực hiện trợ giúp người tàn tật

2.1. Công tác chỉ đạo, triển khai

Thực hiện Quyết định số 239/2006/QĐ-TTg ngày 24/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp người tàn tật giai đoạn 2006 - 2010, trên cơ sở chính sách của Nhà nước, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ, ngành Trung ương về chính sách trợ giúp đối với người tàn tật, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ chính sách đối với người tàn tật trên địa bàn tỉnh, đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng, tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về các chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước đối với người tàn tật, vào dịp kỷ niệm ngày người tàn tật Việt Nam 18/4, ngày quốc tế người tàn tật 3/12 hàng năm...

2.2. Về chính sách trợ cấp

Thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, Hà Giang rất chú trọng thực hiện chính sách trợ cấp đối với người tàn tật, đặc biệt là chính sách trợ cấp đối với người có công, thương binh, bệnh binh, chính sách trợ cấp xã hội đối với người tàn tật, từng bước cải thiện cuộc sống cho người tàn tật. Tính đến thời điểm năm 2011 toàn tỉnh có 6.142 người tàn tật được hưởng trợ cấp, trong đó: 1.192 người tàn tật là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; 1.019 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị hậu quả chất độc hóa học được hưởng chế độ; 98 người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp do Quỹ BHXH chi trả; 3.833 người tàn tật thuộc đối tượng xã hội, được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên hàng tháng tại cộng đồng. Mức trợ cấp đối với các đối tượng người tàn tật thuộc diện đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh cao hơn 1,33 lần mức trợ cấp tối thiểu do Chính phủ quy định, đời sống các đối tượng tàn tật được hưởng trợ cấp cơ bản ổn định.

2.3. Chỉnh hình phục hồi chức năng, chăm sóc sức khoẻ

Trong những năm qua, đặc biệt là từ khi Nhà nước ban hành Quyết định 139 và luật Bảo hiểm y tế, 100% người tàn tật trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí. Đồng thời, với sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước và các tổ chức xã hội, Sở Lao động - TBXH đã phối hợp với Ủy ban dân số gia đình và trẻ em, hội chữ thập đỏ tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang, Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật tỉnh (2006-2011) tổ chức khám, điều trị phục hồi chức năng cho hơn 3.000 lượt trẻ tàn tật; cung cấp, hỗ trợ chỉnh hình, phục hồi chức năng cho 142 thương binh và 24 trẻ em, cấp 222 xe lăn, trợ giúp y tế cho 8.547 người. Phẫu thuật mắt, phẫu thuật tim, phẫu thuật vận động, phẫu thuật sứt môi hở hàm ếch cho 704 em.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có riêng một cơ sở sản xuất dụng cụ chỉnh hình và phục hồi chức năng cho người tàn tật và một Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật chuyên phục vụ nhu cầu phục hồi chức năng cho nhóm đối tượng tàn tật là trẻ em.

2.4. Học văn hóa, học nghề

Năm 2008, được sự trợ giúp của tổ chức Caritas - Thụy Điển, tỉnh đã triển khai thực hiện dự án hỗ trợ trẻ khiếm thính trên địa bàn các huyện Quản Bạ, Vị Xuyên và thành phố Hà Giang, đào tạo tập huấn đội ngũ giáo viên then chốt dạy các lớp hòa nhập cho một số trường trên địa bàn tỉnh, các kiến thức, kỹ năng cần thiết, nâng cao năng lực về phương pháp kiểm tra, đánh giá trẻ tàn tật, đặc biệt là phương pháp chăm sóc giáo dục trẻ tàn tật, đồng thời triển khai điều tra phân loại 3.314 trẻ em tàn tật trong độ tuổi đi học trên địa bàn toàn tỉnh; Tổ chức các buổi truyền thông, hội thảo, tập huấn phụ huynh bằng các tài liệu như áp phích, tờ rơi, sách hướng dẫn; các văn bản mang tính quy phạm pháp luật đối với giáo dục trẻ tàn tật, nâng cao nhận thức cho các bậc phụ huynh, qua đó đẩy mạnh việc chăm sóc hỗ trợ trẻ tàn tật ở trường và ở gia đình. Phê duyệt phương án giáo dục chuyên biệt trẻ em tàn tật, mở 6 lớp giáo dục tiền hòa nhập cho 56 trẻ tàn tật: 27 trẻ thiểu năng trí tuệ, 20 trẻ khó khăn về nghe, nói và 09 trẻ khiếm thính, tổ chức học tập tại Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật tỉnh. Theo số liệu điều tra số trẻ em tàn tật trong độ tuổi đi học, hòa nhập tại cộng đồng 1.988 em; tổ chức đào tạo nghề được cho 239 người tàn tật, công tác đào tạo nghề gắn với việc làm cho người tàn tật còn rất khó khăn, sau khi học nghề, các đối tượng rất khó tìm được việc làm phù hợp.

2.5. Lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao

Tỉnh đã quan tâm và hỗ trợ các hoạt động văn hóa thể thao cho người tàn tật một số vận động viên, nghệ nhân có năng khiếu về thể thao văn nghệ đã được Tỉnh trợ giúp tham gia các hội thi văn hóa - thể thao, các giải thi đấu thể thao trong nước và quốc tế đã đạt nhiều thành tích cao, động viên khen thưởng kịp thời, kết quả có 23 vận động viên tham gia thi đấu đoạt hơn 60 huy chương các loại. Các hoạt động văn hóa văn nghệ của người tàn tật cũng được duy trì thường xuyên, năm 2007 thành lập 1 đội văn nghệ quần chúng gồm 12 người do quỹ Đan Mạch hỗ trợ văn hóa vùng dân tộc ít người tại Việt Nam, hàng năm các ngày lễ và ngày kỷ niệm của người tàn tật (ngày người tàn tật Việt nam 18/4 và ngày Quốc tế người tàn tật 3/12) đã tổ chức giao lưu văn nghệ hoạt động sôi nổi, được nhân dân đồng tình cổ vũ.

2.6. Tiếp cận và sử dụng các công trình công cộng

Hiện nay hầu hết các công trình công cộng chưa thuận lợi cho người tàn tật tiếp cận, sử dụng, chưa có lối đi riêng cho người tàn tật, ngay cả tại các cơ quan Nhà nước. Các phương tiện giao thông (trừ chuyên dụng) không thuận lợi cho sự tiếp cận cũng như sử dụng của người tàn tật.

2.7. Việc hình thành và hoạt động của tổ chức bảo trợ, tổ chức của người tàn tật

Là một Tỉnh miền núi khó khăn, song được các Cấp ủy, Chính quyền và Nhân dân trong Tỉnh đồng tình hưởng ứng, quan tâm trợ giúp người tàn tật, năm 2004 UBND tỉnh cho thành lập Hội người tàn tật tỉnh Hà Giang, đến nay đã phát triển được 8/11 chi hội ở 8 huyện, thành phố với trên 800 hội viên. Việc thành lập các tổ chức hội của những người tàn tật đã giúp phát huy hơn nữa vai trò của người tàn tật trong các hoạt động đời sống xã hội. Tăng cường sự quan tâm của các cấp chính quyền và sự ủng hộ giúp đỡ; tài trợ của các cá nhân, các đơn vị, các doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước.

3. Đánh giá về những mặt được, tồn tại và khó khăn

3.1. Những kết quả đạt dược

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, nhiều hoạt động hướng tới người tàn tật đã được quan tâm tổ chức thực hiện cụ thể như sau:

- Công tác tuyên truyền, triển khai các hoạt động trợ giúp người tàn tật đã góp phần nâng cao nhận thức của các gia đình, cộng đồng xã hội, các cấp chính quyền và chính bản thân người tàn tật về quyền bình đẳng của người tàn tật trong việc tham gia các hoạt động xã hội.

- Đời sống của đại đa số người tàn tật được nâng lên rõ rệt thông qua các hoạt động chăm sóc, giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần của Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước. Ngoài ra, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo và giải quyết việc làm đã tích cực tác động đến đời sống của đại đa số người tàn tật trên địa bàn tỉnh.

- Việc thực hiện các chế độ chính sách trợ giúp được triển khai đồng bộ, số đối tượng người khuyết tật nặng được hưởng trợ cấp xã hội tăng nhanh, Mức trợ cấp đối với các đối tượng người tàn tật thuộc diện đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh cao hơn 1,33 lần mức trợ cấp tối thiểu do Chính phủ quy định đã phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội trên địa bàn, một số đối tượng đã được học nghề tạo việc làm ổn định.

[...]