Kế hoạch 12/KH-UBND năm 2023 triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn thành phố Cần Thơ

Số hiệu 12/KH-UBND
Ngày ban hành 16/01/2023
Ngày có hiệu lực 16/01/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Nguyễn Thực Hiện
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 16 tháng 01 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI HỒ SƠ SỨC KHỎE ĐIỆN TỬ GIAI ĐOẠN 2023 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Quyết định số 831/QĐ-BYT ngày 11 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về ban hành mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu;

Căn cứ Quyết định số 5349/QĐ-BYT ngày 12 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử;

Căn cứ Quyết định số 2373/QĐ-BYT ngày 31 tháng 8 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn thực hiện một số tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới/xã nông thôn mới nâng cao và huyện nông thôn mới/huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế;

Căn cứ Quyết định số 2955/QĐ-BYT ngày 28 tháng 10 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số y tế thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 11 tháng 4 năm 2017 của Thành ủy Cần Thơ “Về xây dựng thành phố Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2016 - 2025”;

Căn cứ Đề án số 08-ĐA/TU ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Thành ủy Cần Thơ về xây dựng Y tế thông minh, trọng tâm là Y tế công cộng giai đoạn 2021-2030;

Căn cứ Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về Kế hoạch triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Cần Thơ;

Căn cứ Kế hoạch số 147/KH-UBND ngày 06 tháng 7 năm 2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Cần Thơ;

Căn cứ Kế hoạch số 205/KH-UBND ngày 04 tháng 10 năm 2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022 trên địa bàn thành phố Cần Thơ;

Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2023 như sau:

1. THỰC TRẠNG VÀ SỰ CẦN THIẾT

1. Thực trạng

Năm 2017, Sở Y tế thành phố Cần Thơ triển khai thí điểm mô hình phòng khám bác sỹ gia đình kết hợp phần mềm bác sĩ gia đình tại một số Trạm Y tế trên địa bàn (do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giải pháp Kỹ thuật số DH hỗ trợ miễn phí thiết kế lắp đặt và vận hành). Dữ liệu hồ sơ sức khỏe của người dân được lưu trữ tạm thời tại Trung tâm Công nghệ thông tin thuộc Sở Thông tin và Truyền thông. Đến nay, sau 05 năm triển khai, đã cài đặt phần mềm tại 80 Trạm Y tế trên địa bàn, tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe bằng Hồ sơ sức khỏe điện tử đạt từ 12% năm 2017 tăng lên 46% năm 2018 và hiện nay là 82% dân số. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như sau:

- Về hạ tầng công nghệ thông tin, hầu hết các Trạm Y tế được trang bị máy tính, máy in, hệ thống mạng internet để triển khai các hoạt động phục vụ nhiệm vụ chuyên môn. Tuy nhiên, do được đầu tư qua nhiều năm, nhiều máy tính hiện đã xuống cấp, có cấu hình và dung lượng không đáp ứng với việc triển khai các phần mềm ứng dụng mới, trong đó phần mềm quản lý sức khỏe cá nhân.

- Mặc dù tỷ lệ Hồ sơ sức khỏe điện tử hiện bao phủ khoảng 82% dân số nhưng dữ liệu chưa đầy đủ theo quy định của Bộ Y tế, chủ yếu là thông tin hành chính thu thập trong quá trình khám chữa bệnh; Hồ sơ sức khỏe điện tử hiện chỉ thu thập và cập nhật dữ liệu từ các trạm y tế và chưa triển khai kết nối dữ liệu y tế với các cơ sở y tế tuyến quận huyện, thành phố và tuyến trung ương, đặc biệt chưa kết nối được với dữ liệu nền tảng tiêm chủng COVID-19 do chưa liên thông với trục tích hợp dữ liệu y tế và Trung tâm dữ liệu của thành phố.

- Việc cập nhật, liên thông thông tin sức khỏe người dân tại các cơ sở y tế vào phần mềm quản lý sức khỏe còn chậm so với yêu cầu.

2. Sự cần thiết

Triển khai phần mềm quản lý sức khỏe đảm bảo mỗi người dân thành phố Cần Thơ có Hồ sơ sức khỏe điện tử và đem lại các lợi ích cụ thể sau:

- Giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời, từ đó chủ động phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe.

- Cung cấp cho cán bộ y tế đầy đủ các thông tin về sức khỏe, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ; kết hợp với thăm khám, cán bộ y tế có thể đánh giá toàn diện về sức khỏe của người bệnh, giúp phát hiện bệnh sớm, chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời, giảm chi phí khám bệnh, chữa bệnh của người dân.

- Giúp ngành y tế quản lý dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời. Qua đó tổng hợp, phân tích dữ liệu thông tin, xây dựng các dự báo, hoạch định chính sách, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân.

- Giúp các huyện trên địa bàn thành phố thực hiện một số tiêu chí, chỉ tiêu trong lĩnh vực y tế thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới/xã nông thôn mới nâng cao và huyện nông thôn mới/huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.

II. MỤC TIÊU, GIẢI PHÁP

1. Mục tiêu chung

Thiết lập Hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân trên địa bàn, từng bước hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân thành phố Cần Thơ.

2. Mục tiêu cụ thể

[...]