Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 118/KH-UBND triển khai Tiểu dự án 2, Dự án 5 “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Sơn La, năm 2023

Số hiệu 118/KH-UBND
Ngày ban hành 04/05/2023
Ngày có hiệu lực 04/05/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Tráng Thị Xuân
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 118/KH-UBND

Sơn La, ngày 04 tháng 5 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI TIỂU DỰ ÁN 2, DỰ ÁN 5 “BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC DÂN TỘC” THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA, NĂM 2023

Căn cứ Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (sau đây gọi là Chương trình);

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2017/NĐ-CP; Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên;

Căn cứ Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Ủy ban Dân tộc về hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025;

Căn cứ các Thông tư của Bộ Tài chính số 15/2022/TT-BTC ngày 04/3/2022 quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình MTQG 1719; Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Thông tư 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 về quy định chế độ công tác phí, chế độ hội nghị;

Căn cứ các Kế hoạch của UBND tỉnh Sơn La số 257/KH-UBND ngày 27/10/2022 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh Sơn La, giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 116/KH-UBND ngày 28/4/2023 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh Sơn La, năm 2023;

Căn cứ Quyết định số 2566/QĐ-UBND ngày 08/12/2022 của UBND tỉnh về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2023;

Căn cứ Thông báo số 163/TB-VPUB ngày 27/4/2023 của Văn phòng UBND tỉnh về kết quả Phiên họp lần thứ 22, UBND tỉnh Sơn La khóa XV,

Theo đề nghị của Ban Dân tộc tỉnh tại Tờ trình số 23/TTr-BDT ngày 24/4/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Tiểu dự án 2, Dự án 5 “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc” thuộc Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2023, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nâng cao, cập nhật kiến thức dân tộc, văn hóa dân tộc thiểu số, chính sách dân tộc cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc; Bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nắm bắt phong tục tập quán từng dân tộc, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về công tác vận động quần chúng; công tác tuyên truyền và thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn vùng dân tộc miền núi. Làm tốt công tác phối hợp, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh đối với công tác dân tộc góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị, giữ vững an ninh, quốc phòng, an toàn xã hội tại cơ sở là người dân tộc thiểu số.

2. Yêu cầu

Xác định rõ trách nhiệm và nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của nhiệm vụ đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp để thực hiện tốt mục tiêu đề ra. Chỉ đạo chặt chẽ, khoa học, đảm bảo đúng nội dung các lớp đào tạo tập huấn, bồi dưỡng theo khung chương trình đào tạo quy định, đạt chất lượng hiệu quả cao nhất.

Quán triệt đầy đủ, kịp thời nội dung của chương trình đề ra và chấp hành tốt nội quy quy định, đồng thời tích cực học tập, nghiên cứu tiếp thu các kiến thức cơ bản vận dụng vào thực tiễn ở cơ sở.

II. ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN

1. Nhóm đối tượng 3: Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn cấp huyện; Trưởng, Phó ban ngành trực thuộc huyện ủy, thành ủy; Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã); Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học nội trú, bán trú ở địa bàn đông đồng bào dân tộc thiểu số.

2. Nhóm đối tượng 4: Công chức, viên chức trực tiếp tham mưu, theo dõi về công tác dân tộc ở cơ quan cấp huyện; cán bộ, công chức cấp xã; bí thư chi bộ, trưởng thôn ở địa bàn đông đồng bào dân tộc thiểu số.

III. NỘI DUNG NHIỆM VỤ

1. Bồi dưỡng Kiến thức dân tộc tổ chức cho nhóm đối tượng 3, đối tượng 4. Thời gian bồi dưỡng kiến thức dân tộc tập trung 05 ngày/lớp.

2. Bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số (tiếng dân tộc Thái) cho nhóm đối tượng 3, đối tượng 4 ở cấp huyện, xã. Thời gian bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số 300 tiết/lớp.

3. Chương trình, tài liệu bồi dưỡng: Chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức dân tộc do Ủy ban Dân tộc ban hành.

IV. HÌNH THỨC, THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM

1. Kế hoạch mở lớp

- Bồi dưỡng kiến thức dân tộc: tổ chức 07 lớp gồm 350 học viên nhóm đối tượng 3, 04 lớp gồm 200 học viên nhóm đối tượng 4 (có hưởng lương từ ngân sách nhà nước) và 45 lớp gồm 2.250 học viên nhóm đối tượng 4 (những người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước).

- Bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số (tiếng dân tộc Thái), tổ chức 06 lớp gồm 240 học viên.

[...]