Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 118/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế biển tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 118/KH-UBND
Ngày ban hành 28/07/2022
Ngày có hiệu lực 28/07/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Trần Phước Hiền
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 118/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 28 tháng 7 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 07-NQ/TU NGÀY 20/5/2022 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY KHÓA XX VỀ TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 20/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khóa XX về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế biển tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 - 2025 (sau đây viết tắt là Nghị quyết 07); xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 3554/TTr-STNMT ngày 18/7/2022; UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 07 với các nội dung cụ thể như sau:

A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

I. Mục đích

1. Triển khai kịp thời, có hiệu quả các quan điểm chỉ đạo và định hướng tại Nghị quyết số 36-NQ/TW của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; các nội dung, giải pháp tại Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ.

2. Xác định nhiệm vụ cụ thể của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố có biển nhằm triển khai thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch này cho phù hợp với điều kiện thực tế, hoàn thành các mục tiêu đã được đề ra tại Nghị quyết 07.

II. Yêu cầu

1. Các cấp, các ngành tập trung thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để tiếp tục triển khai đạt hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW; Kế hoạch số 187-KH/TU ngày 24/4/2019 của Tỉnh ủy khóa XIX về thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW; Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 11/5/2021 của Tỉnh ủy khóa XX về huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp; Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 24/8/2021 của Tỉnh ủy khóa XX về đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tạo động lực cho phát triển; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 02/11/2021 của Tỉnh ủy khóa XX về đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết 07.

2. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò của biển, đảo trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết toàn dân để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế biển trong thời gian đến.

3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trong tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo gắn với nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương, đơn vị.

III. Các chỉ tiêu chủ yếu

Với mục tiêu là tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế biển đồng bộ cả công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản, hạ tầng cảng biển, logistics. Quy hoạch, đầu tư, phát triển các khu đô thị, dịch vụ, du lịch ven biển, đảo chất lượng cao. Phát triển bền vững huyện đảo Lý Sơn, tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa biển, lịch sử dân tộc, nâng cao đời sống nhân dân vùng ven biển, đảo. Quản lý hiệu quả tài nguyên, môi trường biển, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2025, Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực Miền Trung. Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành và vượt các chỉ tiêu chủ yếu sau:

1. Về kinh tế biển: Kinh tế của các huyện, thị xã, thành phố ven biển và đảo Lý Sơn đóng góp trên 90% GRDP toàn tỉnh; các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo chuẩn mực quốc tế.

2. Về xã hội: Tỷ lệ hộ nghèo các địa phương ven biển, đảo, các xã bãi ngang ven biển giảm bình quân 1%-1,5%/năm. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt mức trung bình cả nước trở lên.

3. Về phát triển huyện Lý Sơn: Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 là 7 - 8%/năm; tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ trong tổng giá trị sản xuất hằng năm khoảng 69 - 70%; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội huyện đảo Lý Sơn được đầu tư đồng bộ, hiện đại nhất là hoàn thiện hạ tầng về điện, nước ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục.

4. Về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng

- Ngăn ngừa, kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển; 65% chất thải nguy hại, 90% chất thải rắn sinh hoạt tại các huyện, thị xã, thành phố có biển được thu gom và xử lý, 95% chất thải y tế được xử lý đạt chuẩn.

- Khu kinh tế Dung Quất, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ven biển, các khu đô thị ven biển, đảo được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; có hệ thống xử lý nước tập trung, đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường.

- Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển ở vùng ven biển, đảo; phục hồi và bảo vệ các hệ sinh thái khu bảo tồn biển Lý Sơn; độ che phủ rừng các xã ven biển đến năm 2025 là 30%.

- Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phòng tránh, ngăn chặn, hạn chế tác động xói lở bờ biển.

B. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế biển và ven biển

a) Về du lịch và dịch vụ biển

Các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công Thương có trách nhiệm tham mưu hoặc chủ trì thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Bảo tồn, tôn tạo, khai thác hiệu quả các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa, di sản địa chất ở các khu vực ven biển và đảo để phát triển du lịch.

- Xây dựng hạ tầng các khu du lịch theo quy hoạch, phát triển các nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp ở khu vực ven biển và đảo; hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác các dự án dịch vụ, du lịch được cấp phép đầu tư.

- Phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch biển, đảo; triển khai có hiệu quả chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp lữ hành có thương hiệu trong và ngoài nước; xây dựng các tuyến du lịch gồm Bình Châu - Mỹ Khê - Lý Sơn, thành phố Quảng Ngãi - Gành Yến - Lý Sơn; thành phố Quảng Ngãi - biển Mỹ Khê - Lý Sơn; thành phố Quảng Ngãi - Vạn Tường - Dung Quất; thành phố Quảng Ngãi - Đức Minh - Sa Huỳnh; Cù Lao Chàm - Lý Sơn; đồng thời, hỗ trợ sản xuất các sản phẩm truyền thống như: tỏi đen, rượu tỏi, rượu hải sâm,...

[...]