Kế hoạch 113/KH-UBND năm 2021 về phát triển văn học, nghệ thuật tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 113/KH-UBND
Ngày ban hành 27/07/2021
Ngày có hiệu lực 27/07/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Tống Quang Thìn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 113/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 27 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT TỈNH NINH BÌNH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Chương trình hành động số 22-CTr/TU, ngày 21/11/2008 của Tỉnh ủy Ninh Bình về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 26/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững”;

Thực hiện Quyết định số 2215/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;

Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch phát triển văn học, nghệ thuật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh với những nội dung chính như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Đưa các hoạt động văn học, nghệ thuật (VHNT) tỉnh Ninh Bình tiếp tục phát triển lên một bước mới, trong đó Hội VHNT Ninh Bình làm nòng cốt, có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong tỉnh và sự nghiệp VHNT chung cả nước. Phấn đấu đưa phong trào VHNT Ninh Bình phát triển vững mạnh toàn diện, góp phần vào sự phát triển văn hoá - xã hội của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Hằng năm xuất bản từ 22 đến 27 đầu sách, trong đó có nhiều tác phẩm có giá trị phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, nhiều tác phẩm đạt giải cao ở các cuộc thi trong nước và quốc tế

- Duy trì và phát triển 8 chuyên ngành gồm: Văn, thơ, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, sân khấu, nghiên cứu sưu tầm, lý luận phê bình. Có từ 205 - 240 hội viên, trong đó phấn đấu có khoảng 100 hội viên các chuyên ngành Trung ương.

- Phấn đấu đến 2025 có 08 Chi hội Văn học nghệ thuật tại 08 huyện, thành phố ổn định về bộ máy và hoạt động hiệu quả.

- Chủ trì đăng cai tổ chức một số cuộc hội thảo, tọa đàm về văn học nghệ thuật, liên hoan, triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, sân khấu tại tỉnh hoặc khu vực ngoài tỉnh.

- Nâng cao chất lượng nội dung và hình thức, mở rộng diện phát hành của Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình và nâng cao chất lượng Trang thông tin điện tử văn học nghệ thuật Ninh Bình. Nâng cấp xây dựng Trang thông tin điện tử Văn nghệ Ninh Bình thành Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình điện tử.

- Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện làm việc và cơ sở vật chất cho Hội; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí.

II. NHIỆM VỤ

1. Về sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật

- Đẩy mạnh các hoạt động sáng tác trong lực lượng hội viên và cộng tác viện bằng các hoạt động như: thường xuyên phát động các đợt sáng tác chuyên đề, tổ chức các trại sáng tác, các lớp tập huấn, các cuộc thi sáng tác về văn học nghệ thuật của tỉnh. Phát động hội viên tham gia các cuộc thi của khu vực trong nước và quốc tế. Xây dựng kế hoạch đầu tư và tham mưu cho cơ quan Nhà nước đặt hàng với các tác giả sáng tác những tác phẩm dài, tác phẩm về đề tài lịch sử cách mạng và đề tài phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh.

- Hằng năm tổ chức các chương trình giới thiệu tác phẩm văn học, nghệ thuật. Tổ chức Ngày thơ Việt Nam ở tỉnh phong phú, hấp dẫn, giàu sắc thái văn hóa của vùng đất Cố đô và các vùng, miền khác trong tỉnh.

- Nâng cao giá trị, chất lượng giải thưởng Văn học nghệ thuật Trương Hán Siêu. Qua đó, động viên văn nghệ sỹ sáng tạo ngày càng nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị ở tất cả các chuyên ngành.

- Quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ các hoạt động chuyên môn và phong trào cho các chi hội VHNT của tỉnh, các chi hội chuyên ngành Trung ương, phối hợp với các ngành, các cấp phát triển phong trào sáng tác quần chúng trong các cơ quan, xí nghiệp, trường học tạo nên những giá trị tinh thần ngày càng phong phú.

2. Về lý luận phê bình

- Đẩy mạnh các hoạt động về lý luận phê bình VHNT của Hội. Tích cực đấu tranh chống các quan điểm sai trái trong VHNT, chống âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước và nhân dân. Thường xuyên tổ chức hội thảo, tọa đàm về các chuyên ngành để bàn những vấn đề mang tính định hướng của một thời kỳ, một giai đoạn phát triển văn học nghệ thuật nhằm định hướng sáng tác cho hội viên, định hướng thẩm mỹ cho công chúng và kích thích sáng tác. Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng những cây bút viết lý luận phê bình bổ sung cho đội ngũ.

- Tăng cường hợp tác, tranh thủ ý kiến của các tác giả có uy tín của Trung ương, Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương về nghiệp vụ chuyên môn, phối hợp mở chuyên mục Lý luận phê bình trên Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình để thường xuyên đăng tải, giới thiệu các bài viết, phân tích tác phẩm của các tác giả trong và ngoài tỉnh, nhằm phát triển hoạt động lý luận phê bình trở thành động lực thúc đẩy phong trào sáng tác.

3. Về phổ biến tác phẩm

Đẩy mạnh hoạt động phổ biến tác phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành, nhất là các cơ quan tuyên truyền, tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp huy động cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia, nhằm đưa văn học, nghệ thuật đến mọi vùng, miền, mọi đối tượng trong nhân dân. Phấn đấu thực hiện những mục tiêu cơ bản sau:

- Xuất bản sách: Xuất bản sách văn học nghệ thuật, chú trọng các tác phẩm có chiều sâu, có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và xuất bản.

- Phổ biến tác phẩm qua các phương tiện thông tin đại chúng và sân khấu để giới thiệu tác giả, tác phẩm, phục vụ các nhu cầu của nhân dân.

[...]