Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 113/KH-UBND năm 2020 về thực hiện đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020-2025

Số hiệu 113/KH-UBND
Ngày ban hành 29/06/2020
Ngày có hiệu lực 29/06/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Nguyễn Long Hải
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 113/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 29 tháng 6 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HÓA GIÁO DỤC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN GIAI ĐOẠN 2020 - 2025

Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2025 (gọi tắt là Nghị quyết số 35/NQ-CP); Kết luận số 842- KL/TU ngày 04/9/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 23/5/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn (gọi tắt là Kết luận 842-KL/TU), UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020 - 2025 như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, tạo bước chuyển biến rõ rệt, thực chất trong thu hút vốn đầu tư và đóng góp dưới nhiều hình thức của các cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài tỉnh cho phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập

Duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập hiện có. Phấn đấu đến năm 2025, số trường mầm non, phổ thông ngoài công lập trên địa bàn tỉnh tăng thêm 05 trường (trong đó 03 trường mầm non, 01 trường tiểu học, 01 trường trung học cơ sở), nâng tổng số cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn tỉnh lên 13 trường (ngoài ra duy trì và phát triển số cơ sở mầm non/nhóm lớp độc lập).

2.2. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục công lập

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ tài chính đối với các trường. Phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 18 trường mầm non, phổ thông công lập thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính với mức độ tự chủ ít nhất 30% chi thường xuyên, trong đó mỗi huyện có ít nhất 01 trường, riêng thành phố Lạng Sơn có ít nhất 06 trường và cấp THPT có 02 trường (phụ lục kèm theo).

2.3. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo

Tiếp tục tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học, giáo dục kỹ năng sống, tư vấn du học... ngoài công lập gắn với tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động này trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân. Phấn đấu đến năm 2025, tăng thêm 10 trung tâm ngoại ngữ, tin học ngoài công lập trên địa bàn tỉnh.

Hằng năm, mỗi trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) mở được ít nhất 05 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề ngắn hạn cho Nhân dân dưới hình thức xã hội hóa.

2.4. Tiếp tục kêu gọi Nhân dân hiến đất mở rộng cơ sở giáo dục; các cơ quan, tổ chức, cá nhân tài trợ tiền, hiện vật, ngày công lao động nhằm cung cấp trang thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy, học; cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục; hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học; hỗ trợ học sinh giỏi, học sinh diện chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

- Tổ chức học tập, quán triệt nội dung của Nghị quyết số 35/NQ-CP và Kết luận số 842-KL/TU. Đưa chỉ tiêu xã hội hóa giáo dục vào mục tiêu, nhiệm vụ hằng năm và giai đoạn 2020 - 2025 của các huyện, thành phố.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của công tác xã hội hóa giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn thể Nhân dân về chủ trương huy động các nguồn lực của xã hội cho giáo dục; hướng dẫn và định hướng cho cha mẹ học sinh và người học lựa chọn các loại hình trường không phân biệt công lập hay ngoài công lập.

- Phổ biến những chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư của Nhà nước, của tỉnh trong lĩnh vực giáo dục; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tài trợ, đầu tư cho các cơ sở giáo dục; tôn vinh các cá nhân, tổ chức có đóng góp, tài trợ cho giáo dục, tuyên dương và phát động nhân rộng điển hình tiên tiến trong phát triển sự nghiệp giáo dục.

- Tăng cường phối hợp, phát huy vai trò của Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức và các tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp; huy động, phối hợp mọi nguồn lực xã hội tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

2. Đổi mới công tác quản lý Nhà nước về giáo dục

- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, vai trò quản lý nhà nước của các cấp chính quyền và cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về giáo dục; sự phối kết hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, đặc biệt là mối quan hệ giữa ngành giáo dục và chính quyền địa phương, gắn quản lý chuyên môn với quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo.

- Kiện toàn, phát huy vai trò của Ban chỉ đạo đổi mới giáo dục trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Kế hoạch trên phạm vi toàn tỉnh.

- Nâng cao hiệu quả quản lý về chất lượng và hoạt động giáo dục của các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Tăng cường kiểm tra giám sát các cơ sở giáo dục ngoài công lập về thực hiện công khai mức học phí, tài chính và cam kết bảo đảm chất lượng.

- Nâng cao vai trò, đổi mới hoạt động và hiệu quả phối hợp của Hội đồng trường, Hội Khuyến học, Ban Đại diện cha mẹ học sinh trong triển khai thực hiện nhiệm vụ xã hội hóa giáo dục; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng.

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đối với công tác xã hội hóa giáo dục; tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục trong việc thu hút và quản lý các nguồn lực huy động.

3. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ trong các cơ sở giáo dục công lập

[...]