Kế hoạch 110/KH-UBND năm 2019 thực hiện Nghị quyết 14-NQ/TU tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân đồng bộ, hài hòa với phát triển kinh tế và đô thị do thành phố Cần Thơ ban hành

Số hiệu 110/KH-UBND
Ngày ban hành 14/06/2019
Ngày có hiệu lực 14/06/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Dương Tấn Hiển
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 110/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 14 tháng 6 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 14-NQ/TU NGÀY 02 THÁNG 5 NĂM 2019 CỦA THÀNH ỦY CẦN THƠ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG VỀ NÂNG CAO ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN CỦA NHÂN DÂN ĐỒNG BỘ, HÀI HÒA VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ ĐÔ THỊ

Thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 02 tháng 5 năm 2019 của Thành ủy tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân đồng bộ, hài hòa với phát triển kinh tế và đô thị (gọi tắt là Nghị quyết số 14-NQ/TU), Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân đồng bộ, hài hòa với phát triển kinh tế và đô thị; xây dựng người Cần Thơ phát triển toàn diện, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

2. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ thành phố đến cơ sở theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và điều kiện thực tế của từng đơn vị, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết số 14-NQ/TU đã đề ra.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Tuyên truyền, quán triệt nội dung Nghị quyết số 14-NQ/TU

a) Tổ chức tuyên truyền, quán triệt nội dung Nghị quyết số 14-NQ/TU đến cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân để nhận thức đúng, đầy đủ về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 14-NQ/TU đã đề ra; lồng ghép với nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân đối với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

b) Tăng cường thông tin, tuyên truyền các nội dung của Nghị quyết số 14- NQ/TU trên Báo Cần Thơ, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố, Bản tin Đời sống văn hóa; sổ tay hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ; áp phích, tờ rơi, pa nô, băng rôn, màn hình điện tử; hệ thống trung tâm văn hóa, thể thao các cấp và các hình thức tuyên truyền, cổ động trực quan khác.

c) Tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trên các phương tiện thông tin đại chúng; định kỳ tổ chức Liên hoan các mô hình văn hóa tiêu biểu các cấp và sơ kết, tổng kết Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

2. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể

a) Tập trung xây dựng người Cần Thơ phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

- Tiếp tục triển khai xây dựng người Cần Thơ “Trí tuệ - năng động - nhân ái - hào hiệp - thanh lịch” theo Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17 tháng 02 năm 2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đảm bảo mang tính đặc thù, đột phá của thành phố, song song với xây dựng người Cần Thơ đáp ứng yêu cầu công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” nhằm góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về đạo đức, lối sống, ý thức tôn trọng pháp luật, tôn vinh truyền thống lịch sử văn hóa dân tộc.

- Đưa tiêu chuẩn người Cần Thơ “Trí tuệ - năng động - nhân ái - hào hiệp - thanh lịch” vào tiêu chí đánh giá rèn luyện phẩm chất đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức; công nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt”; lồng ghép vào nội dung sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể và trong các cơ sở giáo dục. Tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao lồng ghép tuyên truyền, phổ biến và phát động xây dựng người Cần Thơ theo các tiêu chuẩn nêu trên; biểu dương, khen thưởng, vinh danh “Người Cần Thơ tiêu biểu”, “Người Cần Thơ danh dự”.

- Tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam; chương trình hành động về phòng, chống bạo lực gia đình; đề án phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững; chương trình hành động triển khai phát triển nhân lực Việt Nam; đề án đẩy mạnh các hoạt

động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ; Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình và Bộ hành vi ứng xử văn hóa nơi công cộng; đồng thời, quan tâm thực hiện giáo dục, đạo đức, lối sống trong gia đình.

- Triển khai có hiệu quả chương trình đổi mới, căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó, ưu tiên định hướng nghề nghiệp, giáo dục kỹ năng sống. Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Triển khai thực hiện đề án xây dựng văn hóa ứng xử trong học đường; đề án xây dựng xã hội học tập; đề án tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; đồng thời, tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho thanh thiếu niên.

- Thực hiện tốt chương trình tổng thể phát triển thể lực và tầm vóc người Việt Nam; gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức và kỹ năng sống. Thường xuyên phát động phong trào tập luyện thể thao nhằm phát triển thể chất, tăng tuổi thọ và lành mạnh hóa lối sống của nhân dân; đồng thời, triển khai các chương trình giáo dục nghệ thuật nhằm nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ của nhân dân.

- Đẩy mạnh phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Ấp, khu vực văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”, “Xã văn hóa nông thôn mới”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” theo quy định; tăng cường công tác kiểm tra việc bình xét, công nhận và công nhận lại các danh hiệu này, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

b) Huy động các nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa; hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa

- Tăng cường đầu tư từ ngân sách Nhà nước, thu hút sự đóng góp của nhân dân và các nguồn tài chính hợp pháp khác để phát triển sự nghiệp văn hóa; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực văn hóa và phát triển văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng hưởng chính sách xã hội; đầu tư phát triển một số loại hình nghệ thuật truyền thống và hiện đại; đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

- Tiếp tục thực hiện đề án xây dựng đội ngũ trí thức ngành văn hóa; trong đó coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, cán bộ văn hóa ở cơ sở. Đổi mới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ văn hóa theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế. Có chính sách phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh cán bộ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, trọng dụng người có tài, có đức. Điều chỉnh tăng chế độ tiền lương, trợ cấp đối với những người hoạt động trong các bộ môn nghệ thuật đặc thù theo quy định.

- Đảm bảo kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực văn hóa và hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

- Khuyến khích, tạo điều khiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hoạt động kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch theo quy định.

- Ưu tiên bố trí xây dựng các công trình văn hóa, thể thao cộng đồng ở vị trí tập trung đông dân cư, thuận lợi cho sinh hoạt của nhân dân. Thiết kế các công trình văn hóa, thể thao có kiến trúc hiện đại, bền vững, phù hợp với đặc trưng văn hóa và tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bảo đảm trang thiết bị chuyên dùng đồng bộ, phù hợp và đáp ứng yêu cầu phục vụ cho các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.

c) Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa

- Định kỳ tổ chức các cuộc thi sáng tác, liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng, hội thi tuyên truyền lưu động; tăng cường phối hợp tổ chức các chương trình nghệ thuật, sự kiện văn hóa, thể thao quy mô lớn, chất lượng cao nhằm nâng cao nhận thức thẩm mỹ nghệ thuật, rèn luyện thể chất; khuyến khích phát triển các lĩnh vực nghệ thuật mới, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân.

[...]