Kế hoạch 108/KH-UBND năm 2021 thực hiện Đề án phát triển nguồn thu và tăng cường quản lý Ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Tuyên Quang ban hành

Số hiệu 108/KH-UBND
Ngày ban hành 08/07/2021
Ngày có hiệu lực 08/07/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Mạnh Tuấn
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 108/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 08 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGUỒN THU VÀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Thực hiện Quyết định số 368/QĐ-UBND ngày 08/6/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án phát triển nguồn thu và tăng cường quản lý ngân sách giai đoạn 2021-2025, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nguồn thu và tăng cường quản lý ngân sách giai đoạn 2021-2025, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ và giải pháp tại Đề án phát triển nguồn thu và tăng cường quản lý ngân sách giai đoạn 2021-2025.

2. Xây dựng cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các mục tiêu Đề án đã đề ra.

3. Phát huy vai trò, trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo yêu cầu và đúng tiến độ.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Phấn đấu thực hiện hoàn thành mục tiêu tài chính - NSNN giai đoạn 2021-2025, tăng cường kỷ cương, kỷ luật ngân sách; quản lý, sử dụng hiệu quả ngân sách địa phương; đẩy mạnh tái cấu trúc chi NSNN, thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công, ưu tiên dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương, các chính sách an sinh xã hội và thực hiện 3 khâu đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm góp phần đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

2. Mục tiêu cụ thể

Thu NSNN đến năm 2025 đạt trên 5.300 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đến năm 2025 phấn đất đạt trên 5.000 tỷ đồng, tăng thu bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 20,3%, tỷ lệ huy động thu nội địa/GRDP đạt trên 9,5% cao hơn so với năm 2020.

Phấn đấu trong tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, tỷ trọng chi đầu tư phát triển ổn định hơn giai đoạn trước và chiếm khoảng 30-35%, tỷ trọng chi thường xuyên chiếm khoảng 65-70%.

Cân đối nguồn lực góp phần thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù do tỉnh ban hành; thực hiện 3 khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Tích cực cơ cấu chi thường xuyên để thực hiện bổ sung vốn đầu tư phát triển, trong đó: Sử dụng tối thiếu 30% từ nguồn tăng thu dự toán hằng năm và từ nguồn tiết kiệm chi của các cấp ngân sách.

III. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực tài chính - NSNN trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp hiệu quả.

a) Tập trung triển khai công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực tài chính - NSNN, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thường xuyên rà soát, hệ thống hóa danh mục văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, trong đó tập trung vào một số nội dung:

- Xây dựng quy định định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2022-2025 và quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giai đoạn 2022-2025 gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững giai đoạn 2021-2025. Đồng thời tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, trong đó rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi; triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thật sự cần thiết, đặc biệt là chi thường xuyên, giảm tối đa kinh phí hội nghị, hội thảo và học tập kinh nghiệm.

- Rà soát các chính sách thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đề xuất giảm các chính sách không mang lại hiệu quả tích cực và mang tính chất cho không, trực tiếp cho người nghèo, sửa đổi chính sách theo nguyên tắc hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội để tăng tính chủ động, tự giác của người dân và giảm dần chi NSNN.

- Rà soát lại quy chế hoạt động, tình hình thực hiện của toàn bộ các quỹ ngoài ngân sách nhà nước, đặc biệt là Quỹ phát triển đất, Quỹ Bảo vệ môi trường và Quỹ dự trữ tài chính,…. Xây dựng, bổ sung, hoàn thiện quy chế để đảm bảo nguyên tắc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng quỹ; giảm tình trạng chồng chéo về nhiệm vụ chi giữa các quỹ; bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả. Gắn việc sử dụng quỹ với định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

- Xây dựng Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài chính, ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025.

- Xây dựng Đề án thí điểm thực hiện khoán chi phí đối với một số hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp.

- Ban hành hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm và xây dựng phương án điều hành ngân sách hằng năm theo đúng quy định.

b) Làm tốt công tác quản lý thu NSNN trên địa bàn; đẩy mạnh chống thất thu

- Xây dựng Kế hoạch thực hiện chương trình cải cách thuế giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở quản lý đầy đủ nguồn thu NSNN trên địa bàn, mở rộng cơ sở thuế để phát triển nguồn thu, bao quát các nguồn thu mới phát sinh và cơ cấu lại theo hướng tăng nguồn thu nội địa.

- Rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, chế độ do tỉnh đã ban hành liên quan đến đất đai, tài sản trên đất, tài nguyên, khoáng sản như: Miễn, giảm tiền thuê đất; đơn giá bồi thường thiệt hại về tài sản gắn liền với đất bị thu hồi; quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản; kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;...

- Xây dựng phân cấp quản lý thu thuế và người nộp gắn với vai trò quản lý của các cấp chính quyền và phù hợp với phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng Kế hoạch thu nội địa hằng năm gắn với triển khai giải pháp thu ngân sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đi đôi với việc tăng cường kiểm tra, giám sát, giảm thiểu việc lợi dụng chính sách để trục lợi;

[...]