Kế hoạch 107/KH-UBND năm 2022 triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, Nghị quyết 160/NQ-CP, Kế hoạch 127-KH/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Số hiệu 107/KH-UBND
Ngày ban hành 31/05/2022
Ngày có hiệu lực 31/05/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Hoàng Việt Phương
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 107/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 31 tháng 5 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 05-CT/TW CỦA BAN BÍ THƯ, NGHỊ QUYẾT SỐ 160/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ, KẾ HOẠCH SỐ 127-KH/TU CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 (gọi tắt là Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư);

Căn cứ Nghị quyết số 160/NQ-CP ngày 22/12/2021 của Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết số 160/NQ-CP của Chính phủ);

Thực hiện Kế hoạch số 127-KH/TU ngày 04/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 (gọi tắt là Kế hoạch số 127-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy);

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 160/NQ-CP của Chính phủ, Kế hoạch số 127-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội đối với công tác giảm nghèo bền vững, xác định giảm nghèo là nhiệm vụ thường xuyên, góp phần quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, tạo động lực cho phát triển bền vững.

- Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 160/NQ-CP ngày 22/12/2021 của Chính phủ và Kế hoạch số 127-KH/T U của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

- Kế hoạch là căn cứ để các cấp, các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định nhiệm vụ trọng tâm, bố trí nguồn lực và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả, đạt mục tiêu về giảm nghèo bền vững đến năm 2030.

2. Yêu cầu

- Các cấp chính quyền và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải sâu sát, chủ động sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đối với chương trình, chính sách giảm nghèo thuộc lĩnh vực quản lý; xây dựng chương trình, kế hoạch giảm nghèo bền vững phải cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn và chức năng, nhiệm vụ của ngành, địa phương.

- Tổ chức nghiên cứu, quán triệt nghiêm túc Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 160/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch số 127-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy từ tỉnh đến cơ sở, từ đó tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động của chính quyền các cấp, hệ thống chính trị và nhân dân về công tác giảm nghèo.

- Quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch phải kịp thời bổ sung, cập nhật các chủ trương, chính sách của Trung ương, các nhiệm vụ mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

- Định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình thực hiện để điều chỉnh biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ người nghèo đảm bảo mức sống tối thiểu, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.

2. Mục tiêu cụ thể

- Giai đoạn 2022-2025: Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3%/năm, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 4%/năm trở lên.

- Đến năm 2030: Duy trì mức giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 2%/năm; phấn đấu không còn huyện nghèo, cơ bản không còn xã thuộc Khu vực III.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giảm nghèo

- Các cấp chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp giảm nghèo bền vững; xác định giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án về công tác giảm nghèo.

- Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong công tác giảm nghèo; vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác giảm nghèo, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động và nâng cao hiệu quả các dự án, nguồn lực vận động thực hiện công tác giảm nghèo.

- Chính quyền các cấp xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về giảm nghèo trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của các cấp, các ngành, đơn vị.

2. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm đối với công tác giảm nghèo

[...]