Kế hoạch 104/KH-UBND năm 2018 về kế hoạch phối hợp liên ngành phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2018-2020

Số hiệu 104/KH-UBND
Ngày ban hành 24/11/2018
Ngày có hiệu lực 24/11/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Thế Giang
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 104/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 24 tháng 11 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH PHÒNG, CHỐNG ĐUỐI NƯỚC TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG, GIAI ĐOẠN 2018-2020

Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em; Văn bản số 3493/LĐTBXH-TE ngày 23/8/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc tăng cường công tác phối hợp liên ngành phòng, chống đuối nước trẻ em; Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 08/7/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang,

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai kế hoạch phối hợp liên ngành phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2018-2020, với những nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Đẩy mạnh các hoạt động phối hợp liên ngành phòng, chống đuối nước trẻ em nhằm giảm tới mức thấp nhất tỷ lệ trẻ em bị tử vong do đuối nước gây ra.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

a) Nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em cho người dân và trẻ em thông qua các hoạt động truyền thông giáo dục.

b) Hằng năm giảm số trẻ em bị tử vong do đuối nước so với năm trước.

c) 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

d) 90% trẻ em sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy.

đ) 100% huyện, thành phố triển khai thí điểm chương trình bơi an toàn cho trẻ em.

e) Triển khai thực hiện Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn và Cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em.

g) 100% nhân viên y tế thôn, bản, nhân viên y tế trường học biết các kỹ thuật sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho trẻ em bị tai nạn thương tích.

h) 100% các cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi lặn có huấn luyện viên, hướng dẫn viên bơi, nhân viên cứu hộ và đảm bảo các điều kiện về vệ sinh, an toàn theo quy định của pháp luật.

i) Đảm bảo 100% các địa điểm tổ chức hoạt động vui chơi giải trí dưới nước có nhân viên cứu hộ được tập huấn cứu đuối do cơ quan có thẩm quyền chứng nhận và có các trang thiết bị cứu hộ theo quy định.

k) Kiện toàn mạng lưới thu thập thông tin, số liệu về tai nạn thương tích trẻ em nói chung và đuối nước trẻ em nói riêng.

II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Truyền thông nâng cao nhận thức

- Tổ chức các chiến dịch truyền thông, các cuộc vận động phòng, chống tai nạn đuối nước về nguy cơ gây đuối nước trẻ em, kỹ năng an toàn trong môi trường nước; an toàn khi tham gia giao thông đường thủy,... Tổ chức các cuộc thi vẽ tranh, thi viết, thi tuyên truyền viên với chủ đề phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, trong đó có phòng, chống đuối nước trẻ em.

- Nghiên cứu, xây dựng, phát triển, sản xuất các ấn phẩm truyền thông về phòng, chống đuối nước trẻ em. Xây dựng các thông điệp, tài liệu truyền thông phòng, chống đuối nước trẻ em phù hợp với cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, cộng đồng và đặc biệt là trẻ em.

- Tổ chức các hoạt động truyền thông theo chủ đề phù hợp với từng nhóm đối tượng bằng các hình thức phong phú (hội nghị, diễn đàn, tọa đàm, cuộc thi hoặc cung cấp tờ gấp cho các đối tượng,...) trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, trường học hoặc thông qua đội ngũ cộng tác viên của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, y tế thôn bản, cán bộ các tổ chức quần chúng (đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân) cho cha, mẹ, trẻ em và thanh niên về nguy cơ đuối nước và biện pháp phòng tránh.

- Tập huấn nâng cao kiến thức về phòng, chống đuối nước trẻ em, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng sơ cứu, cấp cứu trong các trường hợp khi bị đuối nước cho cán bộ, cộng tác viên tại cộng đồng, cán bộ làm công tác gia đình, cán bộ làm công tác Đoàn, Đội để xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên.

- Tổ chức khảo sát, đánh giá nguyên nhân, hoàn cảnh xảy ra đuối nước ở các địa phương; kiến thức, thái độ và hành vi của người dân về vấn đề đuối nước trẻ em.

2. Xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em

- Triển khai mô hình Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Tổ chức các hoạt động can thiệp và tư vấn trực tiếp tại các gia đình, hướng dẫn sử dụng các thiết bị an toàn trong gia đình nhằm loại bỏ nguy cơ gây tai nạn thương tích trẻ em tại gia đình.

- Xây dựng thí điểm, đánh giá và nhân rộng mô hình Trường học an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em tại các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; triển khai các hoạt động can thiệp, cải tạo môi trường học tập, vui chơi nhằm giảm thiểu nguy cơ gây tai nạn thương tích trong trường học; rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các tiêu chuẩn quy định về Trường học an toàn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá công nhận các trường học đạt tiêu chuẩn Trường học an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.

[...]