Kế hoạch 129/KH-UBND năm 2017 triển khai chương trình phòng, chống đuối nước ở học sinh, trẻ em giai đoạn 2016-2020 do tỉnh Phú Yên ban hành

Số hiệu 129/KH-UBND
Ngày ban hành 02/08/2017
Ngày có hiệu lực 02/08/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Yên
Người ký Phan Đình Phùng
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 129/KH-UBND

Phú Yên, ngày 02 tháng 8 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG TAI NẠN ĐUỐI NƯỚC CHO HỌC SINH, TRẺ EM GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 208-CV/TU ngày 12/6/2017 của Tỉnh Ủy Phú Yên về việc tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai chương trình phòng, chống đuối nước ở học sinh, trẻ em giai đoạn 2016-2020 cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền và các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể chính trị xã hội về công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, hạn chế tình trạng trẻ em bị tai nạn đuối nước.

Nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, tránh tai nạn đuối nước trẻ em cho các cơ quan, tổ chức, gia đình, người dân và bản thân trẻ em thông qua các hoạt động truyền thông, giáo dục... Từng bước hạn chế tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước, góp phần đảm bảo an toàn tính mạng của trẻ em, đem lại hạnh phúc và sự phát triển bền vững cho gia đình và xã hội.

Tạo thuận lợi về cơ sở pháp lý cho các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức dạy bơi và các kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh, trẻ em trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

Các địa phương, cơ quan, đơn vị căn cứ vào tình hình, điều kiện, chức năng, nhiệm vụ của mình xây dựng, triển khai, thực hiện kế hoạch phòng, chống tai nạn đuối nước học sinh, trẻ em; tăng cường các giải pháp phòng, tránh để loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn đuối nước ở trẻ em.

II. MỤC TIÊU

1. 100% huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống tai nạn đuối nước tại địa phương một cách hiệu quả, từng bước giảm thiểu các trường hợp tai nạn đuối nước.

2. Hằng năm tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp để tuyên truyền, hướng dẫn, phòng ngừa tai nạn đuối nước cho trẻ em.

3. Tăng dần số lượng trẻ em tham gia các lớp học bơi và giáo dục kỹ năng an toàn dưới nước; phấn đấu đến năm 2020 có 50% học sinh cấp tiểu học, 70% học sinh cấp trung học cơ sở và 90% học sinh cấp trung học phổ thông biết bơi (bơi qua cự ly 25m hoặc tự làm nổi dưới nước được 2 phút).

4. Tăng số lượng gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội và trẻ em được tham gia vào các hoạt động truyền thông, giáo dục về phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em.

5. Tăng số lượng hồ bơi, điều kiện tổ chức dạy bơi; quy hoạch điểm hồ bơi theo cụm trường học, cụm dân cư phù hợp.

6. Các hồ, đập, thủy điện trang bị đầy đủ hệ thống thông tin cảnh báo, thông báo rõ ràng khi xả lũ, vận hành xả lũ đúng quy định để đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng người dân vùng hạ du.

III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và trẻ em về phòng, chống tai nạn đuối nước

Thực hiện thường xuyên, liên tục các hoạt động thông tin, truyền thông về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là đuối nước thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Bên cạnh đó cần chú trọng truyền thông trực tiếp thông qua đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cộng đồng.

Tổ chức lồng ghép các hoạt động truyền thông về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em với phòng, chống đuối nước ở trẻ em.

Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước, kỹ năng sơ cứu đuối nước cho đội ngũ cán bộ quản lý TDTT, giáo viên môn thể dục, cộng tác viên tại cộng đồng để về cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn và ứng biến kịp thời khi có tai nạn xảy ra.

Đẩy mạnh việc tuyên truyền trực tiếp đến học sinh, các hộ gia đình, cộng đồng dân cư nơi có nguy cơ cao về đuối nước ở trẻ em như khu biển; xóm, làng, trường học ven sông... bằng nhiều hình thức phù hợp.

2. Tập huấn nâng cao năng lực về phòng, chống tai nạn đuối nước

Tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao kỹ thuật bơi lội, kỹ năng phòng, chống đuối nước, kỹ năng cứu đuối, kỹ thuật sơ cứu đuối nước cho đội ngũ cán bộ quản lý TDTT, giáo viên giáo dục thể chất, cán bộ đoàn, tổng phụ trách đội, cộng tác viên… để lực lượng này về cơ sở triển khai, hướng dẫn lại và ứng biến kịp thời khi có tai nạn đuối nước xảy ra.

3. Xây dựng phong trào học bơi, kỹ năng an toàn dưới nước ở trường học và cộng đồng dân cư

Phát động sâu rộng phong trào dạy bơi cho học sinh, trẻ em đến các trường học trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là một số vùng có có nhiều nguy cơ gây đuối nước ở trẻ em; xây dựng mô hình điển hình trường học tổ chức dạy bơi và các kiến thức kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em để nhân rộng.

Huy động các điều kiện thuận lợi tại cộng đồng dân cư tổ chức dạy, hướng dẫn bơi và các kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em; hướng dẫn các gia đình, cộng đồng thực hiện các quy định về phòng, chống tai nạn thương tích và phòng chống đuối nước cho trẻ em.

[...]