Kế hoạch 103/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chỉ thị 25-CT/TW về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

Số hiệu 103/KH-UBND
Ngày ban hành 04/03/2024
Ngày có hiệu lực 04/03/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Thanh Bình
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 103/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 04 tháng 3 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 25-CT/TW CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VỀ TIẾP TỤC CỦNG CỐ, HOÀN THIỆN, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỦA Y TẾ CƠ SỞ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành kế hoạch thực hiện, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, nội dung của Chỉ thị số 25-CT/TW trong toàn tỉnh, phù hợp với tình hình thực tiễn.

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên và người dân về yêu cầu của công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và vai trò, nhiệm vụ của y tế cơ sở trong tình hình mới.

2. Yêu cầu

- Tổ chức thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW phải đúng mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị.

- Cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo để tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị.

II. MỤC TIÊU

1. Hoàn thiện mô hình tổ chức, quản lý; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tuyến y tế cơ sở, bao gồm: trung tâm y tế huyện, thành phố, phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế xã, phương, thị trấn.

2. 100% thôn, tổ dân phố có nhân viên y tế đáp ứng tối thiểu về tiêu chuẩn trình độ chuyên môn theo khung chương trình đào tạo nhân viên y tế thôn, bản của Bộ Y tế vào năm 2030 (từ 3 tháng trở lên theo khung chương trình đào tạo nhân viên y tế thôn, bản; từ 6 tháng trở lên theo khung chương trình đào tạo cô đỡ thôn, bản).

3. Duy trì 100% các trạm y tế xã có bác sỹ làm việc (thường xuyên và luân phiên). Phấn đấu đến năm 2025 duy trì ổn định số bác sỹ/vạn dân đạt 15-16 bác sỹ, đến năm 2030 đạt 17-18 bác sỹ/vạn dân (tính cả Trung ương, ngành, tư nhân).

4. Duy trì tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 99% dân số toàn tỉnh; 100% thôn, bản được bao phủ các chương trình chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân; trên 99% dân số được quản lý sức khoẻ; trên 95% người dân được theo dõi, quản lý, khám và chăm sóc sức khoẻ cập nhật trên hệ thống Hồ sơ sức khoẻ điện tử; người có nguy cơ cao mắc bệnh được kiểm tra sức khoẻ ít nhất mỗi năm một lần, hướng tới kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho toàn dân.

5. 100% xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030; duy trì 100% số xã, phường, thị trấn có nữ hộ sinh (hoặc y sỹ sản nhi); đảm bảo 100% TYT xã có cán bộ dân số và duy trì đội ngũ cộng tác viên dân số tại cộng đồng. Duy trì các kết quả kế hoạch hoá gia đình, tập trung nâng cao chất lượng dân số; thu hẹp khoảng cách tuổi thọ bình quân của Tỉnh với mức bình quân chung của cả nước.

III. CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm về củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở

- Tiến hành quán triệt, phổ biến, tuyên truyền và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư và Kế hoạch này đến các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, các sở, ban ngành, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể và người dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở với nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu.

- Trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức có hiệu quả công tác y tế cơ sở; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, yêu cầu của công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu và vai trò, nhiệm vụ của y tế cơ sở. Đa dạng hoá nội dung và đổi mới hình thức truyền thông, giáo dục sức khoẻ, phổ biến kiến thức để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ. Đẩy mạnh phong trào rèn luyện, nâng cao sức khoẻ toàn dân.

- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chính quyền, cơ quan chuyên môn trong thực hiện trách nhiệm, nâng cao chất lượng hoạt động và tạo thuận lợi cho người dân trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế cơ sở, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu bảo đảm công bằng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Người đứng đầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, ngành y tế phải nêu cao trách nhiệm đối với hoạt động của y tế cơ sở thuộc phạm vi phụ trách.

- Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp, chính quyền địa phương, đơn vị, người dân trong triển khai các hoạt động công tác y tế cơ sở; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực tế, đúng chất lượng kết quả thực hiện công tác y tế cơ sở; kịp thời triển khai các giải pháp để nâng cao hiệu quả trong quá trình thực hiện.

2. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong xây dựng, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về y tế cơ sở

- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về y tế cơ sở và các chỉ tiêu liên quan đến sức khoẻ, các chương trình y tế dự phòng vào trong chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm, 10 năm và Quy hoạch, các ngành, các cấp và địa phương.

- Triển khai các chính sách, pháp luật về y tế cơ sở và các chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh, dược, phòng, chống bệnh truyền nhiễm, an toàn thực phẩm… bảo đảm y tế cơ sở giữ vai trò tuyến đầu trong phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

- Thực hiện cơ chế, chính sách để khuyến khích y tế tư nhân, tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, y tế dự phòng và kết nối với y tế cơ sở trong quản lý sức khoẻ cá nhân.

- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy y tế cơ sở, các đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ y tế cơ sở bao gồm y tế thôn, bản; mỗi xã, phường, thị trấn có một trạm y tế hoặc phòng khám đa khoa khu vực đóng chân trên địa bàn; mỗi huyện, thành phố có một Trung tâm y tế đa chức năng (y tế dự phòng, khám chữa bệnh, an toàn thực phẩm, dân số…); y tế trường học, y tế cơ quan, nông, lâm trường, doanh nghiệp và y tế khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất nhằm đảm bảo cho mọi người dân đều có thể tiếp cận thuận lợi dịch vụ y tế cơ bản.

[...]