Kế hoạch 571/KH-UBND năm 2024 thực hiện Kế hoạch 287-KH/TU thực hiện Chỉ thị 25-CT/TW về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới do tỉnh Cao Bằng ban hành

Số hiệu 571/KH-UBND
Ngày ban hành 14/03/2024
Ngày có hiệu lực 14/03/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Cao Bằng
Người ký Trịnh Trường Huy
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 571/KH-UBND

Cao Bằng, ngày 14 tháng 3 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

thực hiện kế hoạch số 287-kh/tu ngày 02/01/2024 của tỉnh ủy cao bằng thực hiện chỉ thị số 25-ct/tw ngày 25/10/2023 của ban bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới

Sau hơn 20 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 22/01/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá IX về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở và Thông báo kết luận số 126-TB/TW ngày 01/4/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XI về 10 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW; công tác y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của công tác y tế cơ sở được nâng lên. Mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh được bao phủ, củng cố, hoàn thiện; đội ngũ y, bác sỹ và nguồn nhân lực y tế được quan tâm đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn. Hệ thống y tế cơ sở ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc, nâng cao sức khoẻ Nhân dân. Tuy nhiên, công tác y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh vẫn còn những bất cập, hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc còn hạn chế, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, biên giới; trình độ, năng lực của cán bộ y tế cơ sở chưa đồng đều; cơ chế, chính sách còn hạn chế, nên chưa thu hút được người có trình độ chuyên môn giỏi gắn bó lâu dài với y tế cơ sở.

Thực hiện Kế hoạch số 287-KH/TU ngày 02/01/2024 của Tỉnh ủy Cao Bằng thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới; để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Kế hoạch số 287-KH/TU của Tỉnh ủy như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các Sở, Ban ngành, UBND các huyện, thành phố, của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về củng cố, hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

- Xác định cụ thể trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các Sở, Ban ngành, UBND các huyện, thành phố trong tổ chức thực hiện Kế hoạch số 287-KH/TU.

2. Yêu cầu

Các Sở, Ban ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch: tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền. Tăng cường xã hội hóa về y tế; trong đó y tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, song song với phát triển y tế tư nhân; y tế dự phòng chủ động; gắn liền với nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo an sinh xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở

- Tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung Chỉ thị số 25-CT/TW và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, yêu cầu của công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và vai trò, nhiệm vụ của y tế cơ sở. Đa dạng hoá nội dung và đổi mời hình thức truyền thông, giáo dục sức khoẻ, phổ biến kiến thức để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ. Đẩy mạnh phong trào rèn luyện, nâng cao sức khỏe toàn dân.

- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chính quyền, cơ quan chuyên môn trong thực hiện trách nhiệm, nâng cao chất lượng hoạt động và tạo thuận lợi cho người dân trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế cơ sở, nhất là người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, biên giới gắn với mục tiêu bảo đảm công bằng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ngành y tế phải nêu cao trách nhiệm đối với hoạt động của y tế cơ sở thuộc phạm vi phụ trách.

- Củng cố tổ chức và đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả của Ban Chỉ đạo chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân tại xã, phường, thị trấn; nâng cao nhận thức và tăng cường sự tham gia, phối hợp của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể đối với hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu.

- Củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực. Củng cố, nâng cấp các bệnh viện để có đủ khả năng giải quyết một cách cơ bản nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân ngay tại địa phương. Từng bước phát triển mạng lưới các chuyên khoa và y tế chuyên sâu.

2. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong xây dựng, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về y tế cơ sở

- Đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về y tế cơ sở vào Nghị quyết, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương, gắn với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cụ thể như:

Thực hiện chuẩn quốc gia về y tế xã; Phòng chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các bệnh không lây nhiễm phổ biến; Tiêm chủng mở rộng; An toàn thực phẩm.

Chương trình Can thiệp giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2030; Tập trung cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, giảm tỷ lệ trẻ em khuyết tật, ưu tiên các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, khu vực khó khăn nhằm giảm sự khác biệt về các chỉ tiêu sức khỏe, dinh dưỡng, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền.

Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030; Chương trình Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời. Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tình trạng dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng, địa phương, vùng, miền, dân tộc.

Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020-2030, Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025, Chương trình Y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.

Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 để đạt mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; quy mô, cơ cấu, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số.

Chương trình kết hợp quân dân y chăm sóc sức khỏe nhân dân đến năm 2030

- Triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở đồng bộ với chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh, dược, phòng, chống bệnh truyền nhiễm, an toàn thực phẩm… bảo đảm y tế cơ sở giữ vai trò tuyến đầu trong phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ Nhân dân.

- Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích y tế tư nhân, tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, y tế dự phòng và kết nối với y tế cơ sở trong quản lý sức khoẻ cá nhân.

- Kiện toàn tổ chức bộ máy y tế cơ sở: trạm y tế xã, phường, thị trấn; trung tâm y tế cấp huyện; y tế trường học, y tế cơ quan... Thực hiện thống nhất mô hình tổ chức, quản lý đối với trung tâm y tế cấp huyện theo hướng chịu sự quản lý toàn diện của UBND cấp huyện; thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước về y tế, dân số, an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn; có nhiệm vụ quản lý, hướng dẫn nâng cao chất lượng nguồn lực và tổ chức hoạt động chuyên môn của y tế cơ sở; Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và tổ chức hệ thống trạm y tế phù hợp với quy mô, cơ cấu dân số, điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân ở từng khu vực, địa bàn, không nhất thiết theo địa giới hành chính.

[...]