Kế hoạch 10205/KH-UBND năm 2020 về hành động giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Đồng Nai thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030

Số hiệu 10205/KH-UBND
Ngày ban hành 25/08/2020
Ngày có hiệu lực 25/08/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Nguyễn Hòa Hiệp
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10205/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 25 tháng 8 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 CỦA TỈNH ĐỒNG NAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC DÂN SỐ VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030

Phần mở đầu

Từ năm 2011 đến nay, công tác dân số trên địa bàn tỉnh được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, đã huy động sự tham gia tích cực của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và nhân dân toàn tỉnh. Kết quả thực hiện Kế hoạch số 5208/KH-UBND ngày 16/7/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2015 định hướng đến năm 2020 đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: Tốc độ gia tăng dân số được khống chế thành công, mỗi cặp vợ chồng có 2 con đã trở thành chuẩn mực trong xã hội; cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực; chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt: tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ và trẻ em giảm; dân số phân bố tương đối hợp lý. Dịch vụ dân số/sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (DS/SKSS/KHHGĐ) được mở rộng, có chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân trong tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 7875/KH-UBND ngày 27/7/2018 về thực hiện công tác dân số trong tình hình mới. Đồng Nai tiếp tục triển khai các mục tiêu về dân số phát triển như: Duy trì mức sinh thay thế; giữ tỉ số giới tính khi sinh ở mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số; gắn với phát triển kinh tế xã hội của địa phương, bảo đảm các yêu cầu về di dân, đô thị hóa, bảo vệ môi trường, an ninh lương thực, giáo dục, y tế, việc làm... góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

A. PHẦN THỨ NHẤT

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC DÂN SỐ TRONG THỜI GIAN QUA

I. Kết quả đạt được

1. Quy mô dân số và mức sinh

Kết quả tổng điều tra dân số năm 2019, mức sinh thay thế (TFR) tỉnh Đồng Nai là 1,9 con/mẹ; Tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên năm 2019 là 6,67%, bình quân mỗi năm giảm 0,25%. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,12% năm 2011 còn 0,93% năm 2019; Dân số năm 2020 ước khoảng 3.265.000 người.(2)

Đồng Nai là nơi sinh sống của 36 dân tộc, với dân số khoảng 166.166 người, trong đó có 5 dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người (Pà thèn: 01 người, Ngái: 43 người, Cht: 09 người, Mảng: 09 người, Si La: 04 người)

2. Cơ cấu dân số

Đồng Nai đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, tỷ trọng dân số từ 0 - 14 tuổi chiếm 23,6%; 15 - 64 tuổi chiếm 70,9%; 65 tuổi trở lên chiếm 5,5%; Tổng số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 873.231 người (3). Tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh năm 2019 là 107,9 trẻ em trai/100 trẻ em gái.

3. Chất lượng dân số

Chỉ số phát triển con người (HDI) của tỉnh đang từng bước được cải thiện.

Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân năm 2011 là 12%, năm 2018 còn 8,3%; suy dinh dưỡng thể thấp còi năm 2011 là 28,9%, năm 2018 còn 23,6%(7);

Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân được triển khai ở 100% xã/phường trong tỉnh; tỷ lệ nam nữ thanh niên được tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt trên 50%. Siêu âm sàng lọc trước sinh đạt trên 85%, sàng lọc 4 bệnh tật bẩm sinh phổ biến đạt 35%; Tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt trên 79%, (4);

4. Phân bố dân số

Dân số sống tại khu vực thành thị chiếm 35,6% dân số; Mật độ dân số trung bình là 523 người/km2, phân bố không đồng đều, đông nhất là thành phố Biên Hòa với 3.940 người/km2, thấp nhất là huyện Vĩnh Cửu với 138 người/km2.(1) Hàng năm sự di dân ở các tỉnh đến thành phố Biên Hòa, Long Thành và các huyện Trảng Bom, Nhơn Trạch, Long Thành có xu hướng tăng, điều này gây sức ép về nhà ở, trường học và y tế và các dịch vụ xã hội cơ bản.

5. Công tác tuyên truyền, giáo dục dân số

Hoạt động truyền thông được đổi mới về nội dung theo hướng dân số phát triển, đa dạng các loại hình truyền thông; tổ chức các đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ; Lựa chọn nội dung truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng đặc thù. Các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội đã đưa nội dung truyền thông về dân số lồng ghép vào hoạt động của cơ quan, đơn vị, dưới nhiều hình thức phù hợp.

Các cơ quan truyền thông đại chúng đã tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nêu gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến... Thông tin về dân số được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, bản tin Dân số và phát triển, Báo Đồng Nai, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và địa phương. Huy động sự ủng hộ, tham gia tuyên truyền, vận động của người có uy tín trong dòng họ, các chức sắc tôn giáo. Hoạt động tuyên truyền tại khu dân cư tiếp tục được đẩy mạnh thông qua đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên. Lồng ghép truyền thông thay đổi hành vi về dân số/SKSS vào sinh hoạt ngoại khóa trong các trường phổ thông. Nhân bản và cung cấp hàng nghìn sản phẩm truyền thông Dân số như tờ rơi, tranh gấp, đĩa CD, băng zôn, pano khẩu hiệu.

Nhận thức và hành động của đại bộ phận người dân về dân sđã có những chuyển biến tích cực: Trên 60% các cặp vợ chồng, phụ nữ, nam giới có hiểu biết cơ bản về lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh - sức khỏe sinh sản và các biện pháp tránh thai; 50% các cặp vợ chồng, phụ nữ, nam giới được tuyên truyền về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh; 50% thanh niên trước khi đăng ký kết hôn được tư vấn về sức khỏe tiền hôn nhân, tác hại của phá thai; 70% người chưa thành niên, thanh niên dân tộc ít người được tuyên truyền về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...

Các mô hình truyền thông có hiệu quả tiếp tục được duy trì và nhân rộng.

6. Dịch vụ dân số - kế hoạch hóa gia đình

100% Trạm Y tế xã/phường có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi, đảm bảo cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản thiết yếu cơ bản, chăm sóc bà mẹ trước, trong và sau sinh. Các dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh cũng được triển khai tại các bệnh viện công và tư cũng như các phòng khám tư nhân theo hình thức xã hội hóa. Qua đó phát hiện 301 trường hợp mắc dị tật bào thai, phát hiện và điều trị sớm cho 256 trẻ sơ sinh mắc các bệnh: suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD.

Hoạt động tiếp thị xã hội và xã hội hóa các phương tiện tránh thai cơ bản đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu của người dân trong tỉnh. Kết quả: Số cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại hàng năm đạt trên 72%.

Hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được thực hiện thường xuyên ở tuyến y tế cơ sở; 97,48% người từ 80 tuổi trở lên được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 34,38% người từ 60 tuổi trở lên được lập hồ sơ quản lý sức khỏe tại địa phương. Hàng năm, tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại cộng đồng.

[...]