Kế hoạch 102/KH-UBND năm 2019 thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Số hiệu 102/KH-UBND
Ngày ban hành 23/04/2019
Ngày có hiệu lực 23/04/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Nguyễn Thanh Hùng
Lĩnh vực Thương mại,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 102/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 23 tháng 4 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 120/NQ-CP NGÀY 17/11/2017 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

Thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 120/NQ-CP), Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Xác định cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của tỉnh Đồng Tháp cần thực hiện trong từng thời kỳ kế hoạch để các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tham mưu, triển khai các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch, giải pháp cụ thể nhằm thực hiện đầy đủ, toàn diện và hiệu quả các nhiệm vụ và mục tiêu đã được đề ra tại Nghị quyết số 120/NQ-CP.

2. Yêu cầu

Các nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Kế hoạch triển khai có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình thực hiện và thời hạn hoàn thành, nhằm đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và bám sát các nội dung của Nghị quyết số 120/NQ-CP.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu đến năm 2030

Xây dựng kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp đứng vào hàng khá trong vùng ĐBSCL; có kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn theo hướng hiện đại, thông minh. Phát triển kinh tế nông - công - thương trên cơ sở tận dụng cơ hội từ quá trình hội nhập và sự phát triển kinh tế tri thức; xây dựng nguồn nhân lực cơ bản đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ đưa kinh tế tỉnh tham gia cách mạng công nghiệp 4.0. Phát triển du lịch trở thành một trong những động lực trong phát triển kinh tế; đồng thời gắn với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập người dân. Bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, có khả năng ứng phó và giảm thiểu ảnh hưởng do tác động của biến đổi khí hậu.

Một số chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2030.

- Về kinh tế: Phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm địa phương (GRDP) bình quân đạt 6,9% - 7,1%/năm giai đoạn 2016 - 2020; 7,0% - 7,2%/năm giai đoạn 2021 - 2025; 7,0% - 7,3%/năm giai đoạn 2026 - 2030. GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 là 50,8 - 52,5 triệu đồng/người/năm (tương ứng 2.040 - 2.108 USD); đến năm 2025 là 82,6 - 85,8 triệu đồng/người/năm (tương ứng 3.081 - 3.203USD); đến năm 2030 là 132,8 - 139,3 triệu đồng/người/năm (tương ứng 4.642 - 4.872 USD).

- Về xã hội và môi trường: Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,5%/năm (ứng với tiêu chuẩn nghèo mới); Phấn đấu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt 80% vào năm 2020; 95% vào năm 2025 và đạt 100% vào năm 2030; Tỷ lệ chất thải rắn khu công nghiệp, y tế nguy hại được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường là trên 95% vào năm 2020 và đạt 100% từ năm 2025 đến năm 2030.

2. Định hướng giai đoạn 2031 - 2050

Phát huy hiệu quả và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, dự án, nhiệm vụ đến năm 2030, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp để đến năm 2050, Đồng Tháp phát triển bền vững, bảo vệ và cải thiện cuộc sống của người dân trên cơ sở đảm bảo phát triển hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường, trong đó phấn đấu đến năm 2050 thu nhập bình quân đầu người đạt cao hơn trung bình cả nước, tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn bình quân của toàn khu vực ĐBSCL1.

Phấn đấu trở thành một trong các vùng nông nghiệp hàng hoá chất lượng cao của ĐBSCL, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái; công nghiệp chế biến giữ vai trò trọng tâm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp; có trình độ phát triển khá so với cả khu vực về tổ chức xã hội, kinh tế và mạng lưới hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu, thích ứng với điều kiện tài nguyên nước và an toàn trước thiên tai. Đồng thời, phát huy vai trò quan trọng của vùng quản lý ngập và trữ nước ngọt góp phần duy trì vùng sinh thái ngập nước đặc trưng của ĐBSCL và xâm thực mặn ở các khu vực hạ lưu.

Triển khai từng bước công nghiệp hoá nông nghiệp chuyên canh theo chuỗi hàng hoá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, tình trạng lũ, hạn và kịch bản biến đổi khí hậu của từng khu vực; hoàn thiện cơ sở hạ tầng để thuận tiện trong kết nối với thị trường trong nước và quốc tế. Các quyết định đầu tư lớn cần được xây dựng trên cơ sở tham vấn rộng rãi các bên liên quan, lấy trọng tâm là phục vụ phát triển các vùng nông nghiệp chuyên canh theo chuỗi hàng hoá chất lượng cao kết hợp dịch vụ, du lịch sinh thái; được đánh giá đầy đủ về chi phí, lợi ích và phù hợp với tổ chức xã hội, điều kiện đất đai, tài nguyên bước, biến đổi khí hậu tại khu vực.

3. Định hướng đến năm 2100

Kế thừa và phát huy các kết quả đạt được sau khi thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định cho giai đoạn trước 2050, trong đó có phát triển về chiều sâu các mô hình nông nghiệp hàng hoá chất lượng cao. Phát triển sản phẩm của tỉnh trở thành các thương hiệu có uy tín, tính cạnh tranh cao và phù hợp điều kiện khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng. Các khu dịch vụ, du lịch sinh thái trở thành điểm đến có sức hút mạnh mẽ với du khách quốc tế và trong nước, nằm trong chuỗi du lịch chất lượng cao của toàn khu vực ĐBSCL. Từ đó góp phần thúc đẩy vùng ĐBSCL đến năm 2100 trở thành trung tâm kinh tế của khu vực sông Mê Công, với trình độ tiên tiến về tổ chức xã hội, kinh tế và mạng lưới hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu. Các nhiệm vụ cụ thể cho giai đoạn sau năm 2051 đến năm 2100 sẽ được bổ sung, điều chỉnh trên cơ sở các kết quả đạt được của giai đoàn trước 2050 và diễn biến tình hình mới trong giai đoạn.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tăng cường năng lực quản lý phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu

- Tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về phát triển bền vững của các ngành, các cấp. Kiện toàn tổ chức, đào tạo, tăng cường năng lực cho các tổ chức và đội ngũ cán bộ có liên quan đến công tác quản lý tài nguyên và môi trường.

- Trên cơ sở cập nhật các dự báo, xem xét lại khả năng hiện thực từ các cấp để thực hiện lồng ghép các nội dung về phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch tích hợp, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển kinh tế - xã hội nhằm cân đối, sử dụng nguồn lực hiệu quả, hợp lý, trong đó có các giải pháp chính sách liên quan đến việc sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

- Rà soát, nâng cấp và hiện đại hoá hệ thống quan trắc, giám sát, cảnh báo và dự báo về tài nguyên và môi trường; cập nhật, hoàn thiện và công bố định kỳ Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh theo kịch bản về biến đổi khí hậu và nước biển dâng của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong từng ngành, từng lĩnh vực đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sinh học, thân thiện với môi trường trong nông nghiệp gắn liền với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

- Áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm, bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và kiểm soát ô nhiễm môi trường thông qua phí khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, phí dịch vụ môi trường.

- Rà soát, hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch thỦy lợi và quy hoạch nông nghiệp, phát triển nông thôn của Tỉnh, lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh theo hướng tích hợp đa ngành, đa lĩnh vực theo tinh thần của Luật quy hoạch để định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

[...]