Kế hoạch 1003/KH-UBND năm 2018 về cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2025 do tỉnh Gia Lai ban hành
Số hiệu | 1003/KH-UBND |
Ngày ban hành | 17/05/2018 |
Ngày có hiệu lực | 17/05/2018 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Gia Lai |
Người ký | Võ Ngọc Thành |
Lĩnh vực | Đầu tư,Tài chính nhà nước |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1003/KH-UBND |
Gia Lai, ngày 17 tháng 05 năm 2018 |
CƠ CẤU LẠI ĐẦU TƯ CÔNG GIAI ĐOẠN 2018-2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025
Thực hiện Quyết định số 63/QĐ-TTg ngày 12/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025; Nghị quyết số 89/2017/NQ-HĐND ngày 24/8/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI tại kỳ họp thứ Tư về phê duyệt Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nguồn vốn ngân sách địa phương; Quyết định số 54/QĐ-UBND ngày 04/02/2016 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo quốc phòng an ninh 5 năm 2016-2020;
Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai xây dựng Kế hoạch Cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2025, với các nội dung chủ yếu như sau:
1. Mục tiêu tổng quát:
Cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2018-2020 và một số định hướng đến năm 2025 nhằm chuyển đổi và hình thành cơ cấu đầu tư hợp lý, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư công và chất lượng thể chế quản lý đầu tư công; thu hút tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển, đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của tỉnh Gia Lai.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch đầu tư công trung hạn gắn với kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch vay, trả nợ công. Nâng cao hiệu quả và tính bền vững của đầu tư công. Phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hàng năm trên 90%.
b) Xác định rõ vai trò và định hướng đầu tư công theo nguồn vốn và các ngành, lĩnh vực giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2025; phấn đấu đạt các chỉ tiêu về tốc độ tăng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP), GRDP bình quân đầu người, tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 đã đề ra[1].
c) Tiếp tục thu hút tối đa và quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, mở rộng các hình thức đầu tư.
II. ĐỊNH HƯỚNG CƠ CẤU LẠI ĐẦU TƯ CÔNG
Cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2025 phải tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa rộng và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của tỉnh. Bảo đảm phát triển hài hòa giữa các địa phương; gắn đầu tư phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.
1. Đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ và vốn từ nguồn thu để lại nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước: Ưu tiên vốn đầu tư công xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội về giao thông, nông nghiệp, hạ tầng đô thị, y tế, giáo dục, an ninh quốc phòng, xây dựng nông thôn mới và các dự án giảm nghèo bền vững. Kết cấu hạ tầng về thông tin. Phát triển mạnh hệ thống thủy lợi và phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi lớn, vừa và nhỏ đã được đầu tư trên địa bàn. Ưu tiên vốn đầu tư công xây dựng các công trình đường liên huyện nhằm tạo động lực, hiệu ứng lan tỏa bứt phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Đầu tư để phát triển hạ tầng nông thôn, bảo đảm tất cả các xã, làng, thôn có đường giao thông kiên cố đi lại cả mùa mưa và mùa nắng, có hệ thống hạ tầng thiết yếu. Bố trí đủ vốn và giải ngân vốn đầu tư công để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách, sớm phát huy hiệu quả của các công trình thủy lợi.
Bố trí vốn phải quán triệt nguyên tắc ưu tiên sử dụng vốn ngân sách như là vốn mồi để khai thác tối đa các nguồn vốn của các thành phần kinh tế; tiếp tục ưu tiên vốn đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Không bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư. Tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức PPP để tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, đặc biệt đối với các dự án có sức lan tỏa rộng và tác động lớn tới phát triển kinh tế; các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng dân sinh thuộc ngành y tế, giáo dục...
2. Đối với nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài: Chủ động xây dựng kế hoạch vận động, tiếp cận với các nhà tài trợ, nhất là các tổ chức tài chính quốc tế như ADB, WB ...
Các lĩnh vực ưu tiên đầu tư gồm: Hỗ trợ thực hiện các dự án xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội lớn, quan trọng, thiết yếu; phát triển nông nghiệp và nông thôn; phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, gắn với ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại; bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn hán, thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, cải cách hành chính và hội nhập quốc tế.
3. Đối với nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước: Tập trung đầu tư cho các dự án có khả năng thu hồi vốn trực tiếp của các thành phần kinh tế như: Xây dựng cơ sở chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản; sản xuất hàng xuất khẩu, đặc biệt là các dự án sản xuất sử dụng nhiều lao động; trồng rừng nguyên liệu tập trung, trồng cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả; các dự án phát triển hạ tầng nuôi trồng thủy sản; các dự án đầu tư xã hội hóa trong các ngành giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao; vốn đối ứng cho các dự án có sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cho vay lại; cơ sở hạ tầng về giao thông, cấp nước, nhà ở xã hội;...
4. Đối với nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước: Đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đến năm 2019 doanh nghiệp nhà nước của tỉnh còn Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết và 11 Công ty TNHH MTV lâm nghiệp.
5. Nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức đối tác công tư (PPP): Tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức PPP để tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, đặc biệt đối với các dự án trọng điểm, có sức lan tỏa rộng, tác động lớn tới phát triển kinh tế và các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng dân sinh thuộc ngành y tế, giáo dục...
Tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế để khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như: năng lượng (điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối...), du lịch, nhà hàng, khách sạn, sản xuất chế biến nông lâm sản, giáo dục-đào tạo, y tế, thể thao, xây dựng và kinh doanh bất động sản, sản xuất và chế biến dược liệu để khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh.
1. Nhóm giải pháp thực hiện giai đoạn 2018-2020:
a) Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công, các Nghị định của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện theo hướng tăng cường cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu các thủ tục đầu tư không cần thiết; rút ngắn quy trình, thời gian thực hiện các thủ tục về đầu tư công. Quản lý hiệu quả vốn đầu tư công, nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp có thẩm quyền, tạo sự chủ động cho các sở, ngành và địa phương thực hiện nhiệm vụ được giao theo hướng cải cách hành chính trong đầu tư. Kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp hoặc triển khai thực hiện vượt quá khả năng cân đối nguồn vốn. Tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, công tác đấu thầu để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng, sớm đưa công trình vào khai thác sử dụng và quản lý có hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
b) Nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, địa phương trong việc bố trí vốn cho từng dự án cụ thể. Bảo đảm bố trí đủ vốn để hoàn thành dự án theo tiến độ đã được quy định.
c) Thực hiện cơ cấu lại đầu tư công gắn với cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công, giảm tỷ trọng đầu tư nhà nước, tăng tỷ trọng đầu tư các thành phần kinh tế. Đa dạng hóa các hình thức, kênh đầu tư và mô hình hợp tác để huy động các nguồn vốn ngoài nhà nước cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Mở rộng tối đa phạm vi và cơ hội cho đầu tư tư nhân, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho tư nhân tham gia phát triển hạ tầng, phát triển các sản phẩm có lợi thế, có tiềm năng và các vùng kinh tế động lực, một số ngành nghề trong lĩnh vực xã hội và xử lý môi trường. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa đối với các dịch vụ công.
d) Tăng cường quản lý đầu tư công. Thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư; bảo đảm các chương trình, dự án bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm phải có đầy đủ các thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công. Khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ nguồn thu để lại chưa đưa vào cân đối ngân sách, nguồn tăng thu ngân sách của tỉnh. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn dự phòng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; khoản vốn dự phòng chỉ được sử dụng theo quy định của Luật Đầu tư công. Tăng cường các biện pháp để không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành và các địa phương trong triển khai thực hiện. Làm tốt công tác theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công và các chương trình, dự án đầu tư cụ thể. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công định kỳ hoặc đột xuất theo quy định. Tăng cường công tác giám sát đầu tư, giám sát chất lượng công trình và khai thác sử dụng công trình sau đầu tư; thực hiện tốt việc duy tu, bảo dưỡng, bảo trì công hình xây dựng để phát huy tính năng sử dụng, duy trì độ bền vững và bảo đảm cảnh quan môi trường.