Kế hoạch 354/KH-UBND năm 2018 về cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025 tỉnh Quảng Bình

Số hiệu 354/KH-UBND
Ngày ban hành 19/03/2018
Ngày có hiệu lực 19/03/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Nguyễn Hữu Hoài
Lĩnh vực Đầu tư,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 354/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 19 tháng 3 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

CƠ CẤU LẠI ĐẦU TƯ CÔNG GIAI ĐOẠN 2017 - 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025 TỈNH QUẢNG BÌNH

Để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án Cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025 ban hành Quyết định số 63/QĐ-TTg ngày 12/01/2018 Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025 tỉnh Quảng Bình với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU CỦA KẾ HOẠCH

1. Mục tiêu tổng quát:

Cơ cấu lại đầu tư công của tỉnh giai đoạn 2017 - 2020 và một số định hướng đến năm 2025 nhằm chuyển đổi và hình thành cơ cấu đầu tư hợp lý, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư công và chất lượng quản lý đầu tư công; thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội quan trọng, thiết yếu, phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm.

2. Mục tiêu cụ thể:

a. Tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn gắn với kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch vay, trả nợ công. Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hàng năm đạt trên 90%.

b. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý đầu tư công trong tất cả các khâu của quy trình quản lý đầu tư công, nâng cao hiệu quả và tính bền vững của đầu tư công.

c. Xác định rõ vai trò và định hướng đầu tư công theo nguồn vốn và các ngành, lĩnh vực giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Tăng tỷ trọng vốn từ các nguồn vượt thu, bổ sung (nếu có) cho đầu tư phát triển.

d. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút tối đa, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, mở rộng các hình thức đầu tư.

II. ĐỊNH HƯỚNG CƠ CẤU LẠI ĐẦU TƯ CÔNG

Cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025 tập trung vào các ngành, lĩnh vực thế mạnh của tỉnh, các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các công trình cần thiết, cấp bách phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân. Cụ thể:

1. Định hướng đầu tư công theo nguồn vốn:

a. Đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước: Quán triệt nguyên tắc ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách nhà nước như là vốn mồi để khai thác tối đa các nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác. Tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức PPP để tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng dân sinh thuộc ngành y tế, giáo dục…, trong đó:

- Về nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ và vốn trái phiếu Chính phủ: Tập trung bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, liên vùng có tính lan tỏa, ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Về nguồn vốn ngân sách địa phương: Tập trung bố trí cho các dự án trọng điểm, quan trọng của tỉnh, huyện, xã theo phân cấp nhiệm vụ quản lý của từng cấp ngân sách.

- Về nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia: Tập trung ưu tiên thực hiện các dự án cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, các xã bãi ngang ven biển, xã nghèo thuộc huyện nghèo, các xã đạt dưới 5 tiêu chí và các xã đạt trên 15 tiêu chí về nông thôn mới để phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

b. Đối với nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài: Ưu tiên đầu tư hỗ trợ thực hiện các dự án xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội lớn, quan trọng, thiết yếu; phát triển nông nghiệp và nông thôn; phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, gắn với ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại; bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh; hỗ trợ thúc đẩy đầu tư thương mại và một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ theo địa bàn.

c. Đối với nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước: Tập trung đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ, đẩy mạnh cổ phần hóa; bảo đảm đầu tư có hiệu quả, giữ vai trò chủ đạo góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế khác đầu tư phát triển.

d. Nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức đối tác công tư (PPP): Tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức PPP để tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, đặc biệt đối với các dự án trọng điểm, có sức lan tỏa rộng, tác động lớn tới phát triển kinh tế và các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng dân sinh thuộc ngành y tế, giáo dục.

2. Định hướng các lĩnh vực trọng điểm đầu tư

a. Hoàn chỉnh và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ theo quy hoạch: Tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển, sân bay, hệ thống giao thông, thủy lợi, các công trình phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, hệ thống cung cấp nước và xử lý chất thải rắn, nhất là chất thải nguy hại; hệ thống cấp điện; hệ thống hạ tầng xã hội; các khu kinh tế, khu công nghiệp và khu du lịch. Hiện đại hóa hệ thống thông tin liên lạc.

b. Phát triển các trung tâm kinh tế biển và kinh tế vùng biên giới của tỉnh: Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các đô thị ven biển, khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, khu kinh tế cửa khẩu thành các hạt nhân phát triển của tỉnh.

c. Đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch để du lịch phát triển toàn diện và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với các sản phẩm tiêu biểu, mang đặc trưng riêng của Quảng Bình như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh, du lịch biển, du lịch tham quan di tích lịch sử, lễ hội truyền thống, làng nghề. Phát triển dịch vụ chất lượng cao, đặc biệt là các dịch vụ gắn với phát triển du lịch và hoạt động đầu tư như: dịch vụ tài chính ngân hàng, thương mại, viễn thông, dịch vụ công nghệ...

d. Đầu tư nông nghiệp, nông thôn: Tập trung huy động, lồng ghép nguồn lực đầu tư, phấn đấu tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2020 là 73,5% tương ứng 100 xã về đích nông thôn mới theo đúng chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/11/2017. Hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa cho thu nhập cao, ổn định. Phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề phục vụ đời sống, nông nghiệp kết hợp với khai thác tiềm năng về cảnh quan để phát triển du lịch. Ưu tiên đầu tư các công trình cần thiết, cấp bách ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đảm bảo đời sống, sản xuất, an sinh xã hội cho người dân.

e. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ: Đầu tư hiện đại hóa. Phát triển các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề của tỉnh nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đầu tư nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ.

[...]