Kế hoạch 10/KH-UBND thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Số hiệu 10/KH-UBND
Ngày ban hành 09/01/2024
Ngày có hiệu lực 09/01/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Thanh Bình
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 09 tháng 01 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI NĂM 2024 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; Căn cứ Kế hoạch số 302/KH-UBND ngày 18/8/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế,

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN (gọi tắt là Chương trình) năm 2024, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tiếp tục cụ thể hóa kịp thời, đầy đủ cơ chế, chính sách, hướng dẫn của các cơ quan Trung ương, nhất là các cơ chế đặc thù để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện tốt các nội dung chính sách của Chương trình, đảm bảo giải ngân tối đa nguồn kinh phí được phân bổ năm 2024 và nguồn kinh phí chuyển tiếp của các năm 2022, 2023 góp phần hoàn thành mục tiêu, các chỉ tiêu về giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

Thực hiện nghiêm túc các văn bản pháp luật và hướng dẫn của các cơ quan Trung ương về thực hiện Chương trình. Phân công trách nhiệm cụ thể từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong từng nhiệm vụ, nội dung thành phần của Chương trình. Chú trọng công tác phối hợp và kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và đôn đốc thực hiện để bảo đảm tiến độ; phát huy hiệu quả nguồn lực cũng như công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong triển khai thực hiện Chương trình.

II. NỘI DUNG

1. Mục tiêu

1.1. Cơ bản hoàn thành, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách, quy định và hướng dẫn để triển khai tổ chức thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh. 100% xã thuộc phạm vi Chương trình kiện toàn tổ chức Ban Chỉ đạo, Ban dự án cấp xã, Ban phát triển cấp thôn bảo đảm đúng quy định và hoạt động hiệu quả.

1.2. Hoàn thành một số chỉ tiêu, nội dung chủ yếu:

- Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 6-7%. Hỗ trợ xây dựng hoàn thành cơ bản nhà ở theo đề án giai đoạn 2022 - 2025 đã được phê duyệt, dự kiến 766 nhà ở cho hộ nghèo đồng bào DTTS, hộ nghèo người kinh sống trong xã đặc biệt khó khăn, (trong đó: huyện A Lưới: 725 nhà; huyện Nam Đông: 41 nhà); giải quyết cơ bản tình trạng hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt phân tán.

- Hỗ trợ xây dựng hơn 30 danh mục công trình đầu tư mới như: đường giao thông; công trình nhà sinh hoạt cộng đồng; nước sinh hoạt, trường học, kênh mương, đập thuỷ lợi, kè chống sạt lở, cầu dân sinh và một số công trình thiết yếu khác. Hoàn thành 02 dự án quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở huyện Nam Đông (xã Thượng Long, xã Hương Hữu) và 02 dự án làng văn hóa các DTTS ở 02 huyện A Lưới và Nam Đông và các dự án, công trình đã được bố trí vốn kế hoạch năm 2022, 2023 mà chưa hoàn thành; triển khai đầu tư Dự án quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới.

- Thu hút đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp: Phấn đấu mỗi huyện miền núi (A Lưới, Nam Đông) có ít nhất 01 dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; mỗi xã đặc biệt khó khăn xây dựng ít nhất 01 mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện Dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý ở huyện A Lưới.

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc cấp huyện; Ban Chỉ đạo, Ban quản lý xã; Ban Phát triển cấp thôn; năng lực nghiên cứu, nắm bắt cơ chế, chính sách và tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện cho cán bộ Chương trình các cấp; năng lực cán bộ cộng đồng trong tổ chức thực hiện chính sách, nhất là năng lực tổ chức thực hiện các công trình, dự án theo cơ chế đặc thù.

- Phát huy vai trò cộng đồng trong thực hiện Chương trình, vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS trong tuyên truyền, vận động, tập hợp người dân tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, an ninh biên giới.

2. Nội dung và giải pháp

2.1. Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt

Thực hiện rà soát, bình chọn hộ hưởng lợi, thẩm định, phê duyệt danh sách hộ gia đình hỗ trợ các nội dung hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất (chuyển đổi nghề), nước sinh hoạt (tập trung và phân tán) và triển khai thực hiện chính sách theo quy định, cơ chế và hướng dẫn hiện hành[1].

2.2. Dự án 2: Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư

Tiếp tục hỗ trợ, thực hiện hoàn thành các hạng mục thuộc 02 dự án quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư tại xã Hương Hữu và xã Thượng Long (huyện Nam Đông) đã được phê duyệt và triển khai thực hiện các chính sách để đưa các hộ gia đình vào sinh sống. Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn việc lập, phê duyệt và triển khai thực hiện Dự án quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới.

2.3. Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị

Rà soát, phê duyệt hộ gia đình hưởng lợi để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS theo quy định, cơ chế, hướng dẫn hiện hành[2]. Căn cứ các cơ chế, quy định, hướng dẫn hiện hành[3] để tập trung chỉ đạo, hướng dẫn hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng; quan tâm thu hút doanh nghiệp để bước đầu hình thành một số dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; rà soát để xác định nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ. Thực hiện có hiệu quả các hoạt động thuộc nội dung khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, thu hút đầu tư, nhất là lĩnh vực phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp ở huyện A Lưới và huyện Nam Đông, xây dựng và tiến hành các hoạt động hỗ trợ mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp ở các xã ĐBKK, ít nhất 01 mô hình/xã. Phê duyệt và lập kế hoạch thực hiện Dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng dược liệu quý tại huyện A Lưới.

2.4. Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN

Tiếp tục hoàn thành các danh mục công trình đã phân bổ vốn trong năm 2023; triển khai đầu tư mới 14 danh mục công trình đường giao thông; 04 danh mục công trình nhà sinh hoạt cộng đồng (trong đó xây mới 01 công trình); 01 công trình hệ thống nước sinh hoạt; 05 danh mục công trình kênh mương, kè sạt lở; 05 công trình trường học; 01 cây cầu và 01 danh mục công trình điện sinh hoạt tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Rà soát hạng mục công trình cơ sở hạ tầng để thực hiện việc duy tu bảo dưỡng theo đúng quy định. Chỉ đạo tập trung tháo gỡ các vướng mắc và hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù để các địa phương triển khai việc giao cộng đồng tự thực hiện công trình theo quy định, phân cấp[4].

2.5. Dự án 5: Phát triển giáo dục và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

[...]