Kế hoạch 09/KH-UBND năm 2022 thực hiện chỉ tiêu nước sạch nông thôn theo Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Số hiệu 09/KH-UBND
Ngày ban hành 11/01/2022
Ngày có hiệu lực 11/01/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Huỳnh Minh Tuấn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 11 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ TIÊU NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN THEO NGHỊ QUYẾT PHÁT TRIỂN KINH TẾ- XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Nghị quyết số 372/2020/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân Tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp 05 năm (2021 - 2025);

Căn cứ Kế hoạch số 198/KH-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Tỉnh về ban hành kế hoạch cấp nước giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn Tỉnh;

Để thực hiện đạt chỉ tiêu về môi trường, tỷ lệ hộ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt 98% trong giai đoạn 2021-2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành Kế hoạch thực hiện chỉ tiêu nước sạch nông thôn theo Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, cụ thể như sau:

I. HIỆN TRẠNG NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN

1. Hiện trạng các trạm cấp nước nông thôn

- Tính đến cuối 2020, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có tổng số 374 Trạm cấp nước (TCN) khu vực nông thôn; trong đó, có 313 trạm cấp nước sử dụng nguồn nước ngầm và 61 trạm cấp nước sử dụng nguồn nước mặt. Có 167 trạm cấp nước chưa đảm bảo chất lượng nước về các chỉ tiêu theo quy định của Bộ Y tế, gồm: 95 trạm nhiễm Asen thuộc đối tượng phải đầu tư nguồn nước mặt thay thế, còn lại 72 trạm nhiễm sắt, Clorua, chất hữu cơ, độ đục, Coliform và E.Coli (các loại nhiễm này xử lý đơn giản chủ trạm cấp nước tự xử lý đạt chuẩn Bộ Y tế sau khi thông báo kết quả ngoại kiểm định kỳ 6 tháng) (đính kèm Phụ lục 1).

- Tỷ lệ hộ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo tiêu chuẩn Bộ Y tế (sau đây gọi là nước sạch) đạt 85,46%, với 306.156/358.241 hộ toàn tỉnh Đồng Tháp sử dụng nước sạch, các hộ còn lại sử dụng nước chưa đảm bảo hoặc các trạm cấp nước chưa đáp ứng đủ công suất.

- Tỷ lệ hộ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn sử dụng nước sạch đạt 74,38% (8.173 hộ/10.988 hộ).

2. Đánh giá hạn chế thực hiện cung cấp nước sạch nông thôn

- Tỉnh hiện có 313 TCN sử dụng nguồn nước ngầm phân bố trên địa bàn các huyện, thành phố với công suất nhỏ (120m3/ngày đêm - 240m3/ngày đêm), mỗi TCN phục vụ cho khoảng 200 hộ dân đến 1.000 hộ dân. Đa số các TCN này đã được xây dựng và hoạt động trên 10 năm.

- Hầu hết các TCN có công nghệ xử lý nước lạc hậu, mạng lưới đường ống xuống cấp dẫn đến tỷ lệ nước thất thoát lớn khoảng 25%-30%; hiệu quả khai thác nước kém, chi phí vận hành và quản lý cao. Ngoài ra đặc thù của các TCN nông thôn là mạng lưới đường ống dài nhưng số hộ sử dụng nước ít, phân bố dân cư thưa.

- Chất lượng nước ngầm từ các địa bàn các huyện vùng sâu (Tháp Mười, Tân Hồng, Tam Nông và một phần huyện Cao Lãnh) đang suy giảm (nhiễm Asen, sắt,..) và biến động theo từng năm. Đa phần nước được bơm trực tiếp từ giếng ngầm chưa qua xử lý, nên nguồn nước chưa đảm bảo chất lượng, tỷ lệ hộ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch trên địa bàn tỉnh chưa đạt theo yêu cầu đề ra.

- Cả tỉnh có khoảng 61 trạm cấp nước mặt có công suất hoạt động lớn từ 1.000m3/ngày đêm trở lên, vị trí đặt trạm tại các kênh, sông có nguồn nước dồi dào, chất lượng nước đầu vào tốt, công nghệ xử lý đa số điều đạt chất lượng theo quy chuẩn Việt Nam QCVN 01-1:2018/BYT của Bộ Y tế, hiệu quả cao và có thể nâng công suất để mở rộng địa bàn phục vụ. Tuy nhiên, việc đấu nối vào các trạm bị nhiễm, thay thế nước ngầm gặp nhiều khó khăn, cần phải có định hướng đấu nối giữa các đơn vị cấp nước ở địa phương.

- Hiện nay, có khoảng 17 dự án nước mặt được xã hội hóa và phê duyệt chủ trương đầu tư (đính kèm Phụ lục 2). Trong đó, có 06 dự án đã đưa vào hoạt động, 01 dự án đang triển khai xây dựng và 10 dự án chưa đầu tư.

- Giá nước sạch giữa các khu vực nông thôn và thành thị chưa đồng bộ (tại Quyết định số 24/2017/QĐ-UBND ngày 28/6/2017 của Ủy ban nhân dân Tỉnh là 8.200 đồng cho khu vực nông thôn và 9.000 đồng cho khu vực đô thị, tại Quyết định số 13/2019/QĐ-UBND ngày 19/7/2019 của Ủy ban nhân dân Tỉnh là 6.500 đồng cho giá nước mặt sinh hoạt tại khu vực nông thôn (thấp hơn 1.700 đồng) là chưa đồng bộ và thống nhất theo Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế (tiêu chuẩn nước sạch không phân biệt thành thị và nông thôn).

Qua phân tích thực trạng quản lý khai thác cấp nước, còn một số tồn tại, hạn chế như sau:

- Tiến độ đầu tư xây dựng các dự án nước mặt đã được phê duyệt chủ trương đầu tư còn chậm. Một phần nguyên nhân do giá nước sinh hoạt nông thôn thực hiện theo Quyết định số 13/2019/QĐ-UBND ngày 19/7/2019 của Ủy ban nhân dân Tỉnh còn thấp so với chi phí đầu tư; đặc biệt, chi phía đầu tư các TCN khu vực nông thôn cao hơn khu vực đô thị (tuyến đường ống cấp nước dài nhưng hộ sử dụng còn thấp), dẫn đến thời gian hoàn vốn dài, kém hiệu quả, nên khó thu hút đầu tư.

- Tỉnh đã ban hành Kế hoạch cung cấp cấp nước sạch giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn Tỉnh (Kế hoạch số 198/KH-UBND ngày 28/6/2021); trong đó, phân vùng cấp nước mặt và lộ trình chuyển đổi từ khai thác nước ngầm sang nước mặt. Tuy nhiên, đến nay các địa phương chưa lập phương án chuyển đổi hoặc có kêu gọi nhà đầu tư TCN mặt nhưng không cam kết thời gian thực hiện dự án.

- Các chủ cơ sở cấp nước sử dụng nước ngầm hiện nay có quy mô nhỏ lẻ chưa có khả năng chuyển đổi từ nước ngầm sang nước mặt để đạt theo quy chuẩn của Bộ Y tế; đồng thời, chưa sẵn sàng chuyển đổi hay thỏa thuận đấu nối, mua nước qua đồng hồ tổng với các nhà đầu tư dự án cung cấp nước mặt, dẫn đến khó kêu gọi các dự án đầu tư nước mặt mới.

- Các huyện, thành phố chưa thực hiện ký kết các văn bản pháp lý về thỏa thuận cấp nước nông thôn với các cơ sở cấp nước trên địa bàn (theo quy định tại Thông tư số 01/2008/TT-BXD ngày 02/01/2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng) để thực hiện quản lý chất lượng nước, đồng thời xử lý các TCN không đạt chất lượng theo quy định.

- Giá nước sinh hoạt giữa các khu vực chưa đồng bộ, dẫn đến chưa thu hút, kêu gọi đầu tư.

- Đến nay, có 10/12 huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cấp nước sạch trên địa bàn[1]. Trong đó, thành phố Cao Lãnh và huyện Lấp Vò xây dựng kế hoạch có tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nước sạch năm 2021 đạt từ 86% trở lên, còn 08 huyện, thành phố xây dựng kế hoạch có tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nước sạch năm 2021 không đạt theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Tỉnh. Đồng thời, đa số các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cấp nước chưa nêu được giải pháp thực hiện đến năm 2025 đạt tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nước sạch đạt tỷ lệ 98% theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Tỉnh.

II. MỤC TIÊU VÀ NGUYÊN TẮC THỰC HIỆN

1. Mục tiêu tổng quát

- Đảm bảo tỷ lệ hộ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn Bộ Y tế đến năm 2025 đạt 98%, thay thế nguồn nước mặt cho 95 trạm nhiễm Asen, lưu lượng và cột áp đạt theo quy định trên toàn bộ mạng lưới đường ống, đảm bảo cấp nước liên tục 24/24 giờ.

- Cung cấp nước sạch không phân biệt khu vực đô thị và nông thôn, không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Phấn đấu toàn tỉnh Đồng Tháp luôn được sử dụng nước sạch đạt chuẩn chất lượng theo quy định. Đồng thời, hướng đến giám sát chất lượng nước liên tục (quan trắc online) và công khai kết quả giám sát chất lượng nước, chuyển sử dụng nước ngầm sang nước mặt.

[...]