Kế hoạch 198/KH-UBND năm 2021 về cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 198/KH-UBND
Ngày ban hành 28/06/2021
Ngày có hiệu lực 28/06/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Huỳnh Minh Tuấn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 198/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 28 tháng 6 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

CUNG CẤP NƯỚC SẠCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Nhằm nâng cao chất lượng cung cấp nước sạch cho người dân và thực hiện định hướng tăng cường khai thác nước mặt, hạn chế khai thác nước ngầm (nước dưới đất), tiến tới chuyển nước ngầm thành nguồn dự phòng, dự trữ trong cung cấp nước sạch, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể như sau:

I. Hiện trạng cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

1. Hiện trạng về số lượng trạm cấp nước, số hộ dân, tỷ lệ hộ dân được cấp nước

Tổng số trạm cấp nước (tính đến tháng 12/2020) là 413 trạm cấp nước (TCN), bao gồm 62 TCN mặt và 351 TCN ngầm. Tỷ lệ hộ dân được cấp nước năm 2020 đạt 85,66% (đính kèm Phụ lục 1).

2. Hiện trạng chất lượng nước tại các TCN năm 2019 - 2020

2.1. Hiện trạng chất lượng nước tại các TCN năm 2019

- Tổng số TCN có công suất thiết kế từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên được kiểm tra là 35 TCN. Kết quả 35/35 TCN đều đạt chất lượng nước theo QCVN 01:2009/BYT.

- Tổng số TCN có công suất thiết kế dưới 1.000 m3/ngày đêm được giám sát chất lượng (trong 02 đợt) là 341 TCN. Kết quả, 204/341 TCN không đạt chất lượng nước theo QCVN 02:2009/BYT, trong đó có 89 TCN (đợt I) và 104 TCN (đợt II) không đạt chỉ tiêu về asen, chủ yếu tập trung tại địa bàn các huyện: Tháp Mười, Tam Nông và Tân Hồng (đính kèm Phụ lục 2).

2.2. Hiện trạng chất lượng nước cấp tại các TCN năm 2020

- Tổng số TCN có công suất thiết kế từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên được kiểm tra là 41 TCN. Kết quả, 07/41 TCN không đạt chất lượng nước theo QCVN 01:2009/BYT.

- Tổng số TCN có công suất thiết kế dưới 1.000 m3/ngày đêm được giám sát chất lượng (trong 2 đợt) là 320 trạm. Kết quả, có 167/320 TCN không đạt chất lượng nước theo QCVN 02:2009/BYT, trong đó có 113 TCN không đạt chỉ tiêu về asen, chủ yếu tập trung tại địa bàn các huyện: Tháp Mười, Tam Nông, Tân Hồng và Cao Lãnh (đính kèm Phụ lục 2).

3. Đánh giá hiện trạng công tác cung cấp nước sạch

- Tỉnh Đồng Tháp thuận lợi trong khai thác nước mặt để cung cấp nước sạch do tiếp giáp với sông Tiền, sông Hậu và có hệ thống các kênh thủy lợi lớn. Tuy nhiên, số TCN ngầm vẫn chiếm tỷ lệ rất cao (xấp xỉ 85%) trong tổng số các TCN trên địa bàn tỉnh năm 2020.

- Do thiếu hệ thống xử lý hoàn chỉnh, chất lượng nước tại các TCN ngầm và TCN mặt có công suất thiết kế dưới 1.000 m3/ngày đêm thường xuyên không đạt QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế. Thậm chí, những TCN ngầm được đầu tư lắp đặt hệ thống xử lý asen cũng không hoạt động hiệu quả. Trong khi đó, hầu hết các TCN có công suất thiết kế từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên, với tần suất giám sát 02 tháng/lần, hầu hết đạt chất lượng nước theo QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế trong năm 2019 và năm 2020, với tỷ lệ rất cao (trên 90%).

- Chất lượng nước ngầm từ các địa bàn các huyện vùng sâu (Tháp Mười, Tân Hồng, Tam Nông và một phần huyện Cao Lãnh) đang suy giảm. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ, thực hiện các dự án đầu tư công các hệ thống cấp nước hợp lý cho các khu vực này.

- Nhiều đơn vị cấp nước tại khu vực nông thôn đã chủ động chuyển đổi việc cung cấp nước sạch từ nguồn nước ngầm sang nước mặt khi xây dựng TCN mặt có công suất từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên, với công nghệ xử lý hiện đại đảm bảo chất lượng nước đạt QCVN 01:2009/BYT hoặc QCVN 01-1:2018/BYT theo quy định và thay thế các trạm cấp nước ngầm hiện hữu. Để việc chuyển đổi cung cấp nước sạch từ nguồn nước ngầm sang nước mặt được khả thi thì cần nguồn kinh phí rất lớn, trong khi đó, nguồn vốn hỗ trợ (kể cả việc cấp bù phương án giá nước sạch), đầu tư công từ ngân sách nhà nước còn nhiều hạn chế.

- Việc thực hiện mô hình mua, bán nước sạch qua đồng hồ tổng chưa được tổng kết, đánh giá để áp dụng rộng rãi nên gây khó khăn trong việc thực hiện chuyển đổi cung cấp nước sạch từ nguồn nước ngầm sang nước mặt.

- Việc quản lý nhà nước về công tác cấp nước trên địa bàn Tỉnh trong thời gian qua còn phân tán theo khu vực (đô thị và nông thôn) và theo từng công đoạn (nước thô đầu vào, chất lượng nước đầu ra, giá nước, …), thiếu văn bản pháp lý về quản lý công tác cấp nước để phân cấp, phân công các cơ quan nhà nước và chưa xây dựng, thống nhất cơ sở dữ liệu dùng chung lĩnh vực cấp nước.

II. Mục tiêu và nguyên tắc thực hiện

1. Mục tiêu

- Đảm bảo công tác cung cấp nước sạch từ nguồn nước mặt đạt chất lượng, lưu lượng và cột áp để đảm bảo sức khỏe của người dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Bảo vệ nguồn nước ngầm, chuyển nước ngầm thành nguồn nước dự trữ và hạn chế hiện tượng sụt lún nền đất do khai thác nước ngầm quá mức.

- Cung cấp nước sạch không phân biệt khu vực đô thị và nông thôn, không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Phấn đấu toàn tỉnh Đồng Tháp luôn được sử dụng nước sạch đạt chuẩn chất lượng theo quy định. Đồng thời, hướng đến giám sát chất lượng nước một cách liên tục (quan trắc online) và công khai kết quả giám sát chất lượng nước.

- Hướng tới quản lý công tác cấp nước đồng bộ, hiệu quả, chủ động, kịp thời và công khai.

2. Nguyên tắc thực hiện

- Khuyến khích áp dụng các công nghệ xử lý nước hiện đại, đáp ứng chất lượng nước theo quy định và tiết kiệm diện tích đất. Khuyến khích xã hội hóa đầu tư, phát triển cấp nước và quản lý hoạt động cấp nước.

[...]